Nghịch lý “éo le” giá than

Theo dữ liệu của Trading Economic, giá than thế giới đã tăng mạnh từ đầu năm 2021 với chuỗi tăng kéo dài trên 237% tính đến thời điểm tháng 5/2021, đạt tới ngưỡng kỷ lục trên 400 USD/tấn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế, với nhu cầu than cho sản xuất điện tăng mạnh tại châu Âu sau hàng loạt lệnh hạn chế nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá từ Nga trong bối cảnh cuộc chiến với Ukraina kéo dài, dự báo nhu cầu than trên toàn thế giới có thể đạt đỉnh vào năm 2022 với giá bán có thể cán mốc 500 USD/tấn.

Lời giải nào cho bài toán giá than
Doanh nghiệp sản xuất than đang phải chịu thiệt trong bối cảnh giá than tăng cao nhất từ trước đến nay
Lời giải nào cho bài toán giá than

PGS , TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế

Hiện do cơ chế giá không hợp lý nên hợp đồng không thực thi đúng cơ cấu hiệp thương. Việc để cho doanh nghiệp tự hiệp thương là rất khó, bởi về nguyên tắc doanh nghiệp không thể tự chịu toàn bộ, người bán không thể chịu bán lỗ mãi được, còn người mua cũng không thể mua hớ. Bản chất kinh doanh phải đảm bảo bù đắp chi phí mới tồn tại được.

Vấn đề ở đây là cơ quan quản lý giá là Bộ Tài chính đẩy cho doanh nghiệp hiệp thương rồi đứng ra làm trọng tài, nhưng trong cơ chế thị trường không có việc hiệp thương giá, nên bản chất việc này là không hợp lý. Về lâu dài cần đưa giá than về đúng cơ chế thị trường, thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Cơ quan quản lý cần xác định rõ nếu mặt hàng than thuộc lĩnh vực độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường, thì nhà nước cần đứng ra quyết định chứ không thể để cho doanh nghiệp tự hiệp thương thỏa thuận với nhau. Còn nếu là cạnh tranh thực sự, thì nên để doanh nghiệp tự quyết định, thị trường quyết định. Mục tiêu của Bộ Tài chính là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, song về lâu dài cần có sự điều tiết hợp lý, để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, đảm bảo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Ngay hồi tháng 3 năm nay, Rystad Energy đã đưa ra dự báo giá than có thể vượt mốc 500 USD/tấn trong năm 2022, hỗ trợ bởi giá các loại nhiên liệu khác tăng cao, buộc các nước phải chuyển sang sử dụng than. Gần đây, Cơ quan Năng lược quốc tế (IEA) đã đưa ra nhận định rất đáng chú khi cho rằng, điện than sẽ đạt kỷ lục thế giới khi kinh tế thế giới hồi phục, đẩy nhu cầu sử dụng than lên cao nhất từ trước tới nay vào năm 2022.

Trong khi giá than thế giới tăng kéo dài và cán ngưỡng cao nhất trong nhiều năm qua, giá than trong nước hầu như vẫn giữ ở mức ổn định trong vòng 2 năm trở lại đây. Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, hiện giá than trong nước đang ở mức thấp so với giá thế giới. Ước tính với mức tăng như trên, giá than trong nước đang thấp hơn từ 2,5-3 lần giá than thế giới và khoảng cách này có thể còn doãng ra khi giá than thế giới dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh này, thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng ở mức cao, nhất là than cho sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nhiệt điện than hiện chiếm hơn 30% tổng công suất nguồn điện của toàn quốc và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là một nguồn cung cấp điện chính để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, duy trì hệ thống vận hành ổn định.

Điều này đang đặt ra một nghịch lý khá “éo le” cho ngành than, đó là khi nhu cầu và sản lượng cung cấp than cho sản xuất điện, cũng như các hộ sản xuất khác trong nước càng lớn, thì doanh nghiệp than càng chịu thiệt. Đây cũng chính là vấn đề nhức nhối tồn tại bao lâu nay đối với ngành than và một lần nữa vấn đề này lại được nhắc tới trong một hội thảo gần đây.

Cụ thể, chia sẻ tại Hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm Mining Vietnam 2022 ngày 4/10 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Tổng Giám đốc TKV cho hay, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và nhiệm vụ được giao, Tập đoàn và các doanh nghiệp ngành than đang phải chịu thiệt thòi khi giá bán than cho các hộ tiêu thụ chưa được tính toán theo giá thành sản xuất, nhất là than cho sản xuất điện. Với sản lượng cung ứng than cho sản xuất điện thường xuyên chiếm tới 70-80% tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm của TKV, chưa kể nguồn cung ứng cho các hộ sản xuất trong nước khác như: xi măng, phân bón…, doanh nghiệp ngành than đang phải chấp nhận phần thiệt rất lớn khi giá than thế giới tăng cao kéo dài và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo lãnh đạo TKV, các chi phí liên quan đến khai thác của tập đoàn ngày càng tăng do khai thác sâu và chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến giá thành khai thác trên mỗi tấn than tăng lên nhiều so với trước kia, trong khi lượng tiêu thụ, cung ứng than cho các hộ như: sản xuất điện, thép, xi măng vẫn được giữ nguyên so với 5 năm trước.

"Phần rủi ro, thiệt thòi Tập đoàn phải chịu, trong khi sản lượng than cho sản xuất điện thường chiếm 80% tổng sản lượng khai thác. Còn than xuất khẩu vẫn đang theo thị trường thế giới, chỉ chiếm khoảng trên 10%", ông Cơ cho biết.

Lời giải nào cho bài toán giá than
Ngành than phải gánh chịu nhiều rủi ro, thách thức do khai thác ngày càng sâu và chi phí đầu vào tăng cao
Lời giải nào cho bài toán giá than

GS, TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

Nhà nước phải có vai trò cụ thể, rõ ràng bằng cách phải điều chỉnh định mức đơn giá từ các ngành đang có sản xuất độc quyền như: than, điện, nước. Nhà nước phải điều chỉnh rõ ràng, cụ thể, dứt khoát, thì chuỗi cung ứng trong các ngành này mới hoạt động trơn tru, nhịp nhàng, doanh nghiệp trong chuỗi mới đảm bảo vận hành thuận lợi. Nếu đúng cơ chế thị trường, thì phải để doanh nghiệp tự tính toán đầu vào, đầu ra đầy đủ, rồi sau đó mới cộng với chi phí sản xuất, kinh doanh để đưa ra giá thành và giá bán ở mức hợp lý nhất, được thị trường chấp nhận. Nếu thị trường chấp nhận giá đó thì doanh nghiệp tồn tại. Nhưng từ trước tới nay, trong lĩnh vực than, điện và xăng dầu, hầu hết nhà nước vẫn là người cầm trịch điều hành giá thì phải chủ động đưa ra giá đó, cũng như các chỉ số cơ sở để quyết định mức giá đó.

Cũng theo đại diện TKV, mỗi năm Tập đoàn khai thác được hơn 40 triệu tấn than. Theo chỉ đạo của Chính phủ, TKV luôn có kế hoạch hàng năm để sản xuất, đảm bảo cân đối nguồn cung cho các hộ tiêu thụ lớn như: điện, phân bón, xi măng… Tuy nhiên, giá thế giới đang ở mức cao, đây là thách thức và là thiệt thòi mà Tập đoàn đang phải chịu.

Điều đó có nghĩa là ở thời điểm giá than tăng cao nhất, TKV cũng vẫn phải giữ sản lượng và giá bán than cho điện và các hộ sản xuất trong nước theo sản lượng, cũng như mức giá hiệp thương kê khai và chỉ được điều chỉnh giá một phần nhỏ lượng than pha trộn cho nhập khẩu. Trong điều kiện giá than thế giới đang tăng từng ngày, có thể thấy đây là một bất cập rất lớn cho ngành than.

Nhiều tồn tại trong cơ chế hiệp thương giá

Hiện nay, than bán cho điện cũng như một số hộ tiêu thụ lớn như: xi măng, phân bón… thực hiện theo cơ chế hiệp thương giá giữa các doanh nghiệp. Cụ thể, giá than của TKV bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các hộ sản xuất thực hiện theo giá kê khai với Bộ Tài chính trên cơ sở giá hiệp thương giữa TKV và các hộ sản xuất theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, có một thực tế là việc kê khai giá thường vướng mắc khi hiệp thương, trong đó có hộ tiêu thụ than lớn nhất là EVN, vì vậy giá than bán cho điện chưa thực hiện theo giá thị trường.

Lời giải nào cho bài toán giá than
Còn nhiều bất cập trong cơ chế giá bán than cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ lớn

Lời giải nào cho bài toán giá than

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Vấn đề giá than cung ứng cho điện đều có liên quan đến trách nhiệm phối hợp quản lý của 2 Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Lẽ ra trong quá trình vận hành chính sách, với vai trò quản lý của Bộ Công Thương, phải xem xét đầu vào cho sản xuất, ở đây cụ thể là sản xuất và cung ứng than cho sản xuất điện, xi măng và các hộ khác, trong đó sản xuất điện là tiêu thụ than nhiều nhất. Trong quá trình điều hành chính sách về giá, quản lý nguồn cung than cho sản xuất, nếu giá đó không bảo đảm hiệu quả kinh doanh của ngành than, thì Bộ Công Thương cần có sự trao đổi kịp thời với Bộ Tài chính để điều tiết. Bộ Tài chính với vai trò cơ quan quản lý giá cần có sự điều tiết phù hợp, còn nếu thấy quá thẩm quyền của mình, thì phải báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo giải pháp gỡ vướng không để kéo dài.

Như hiện nay để xảy ra tình trạng thiếu hợp lý trong cung ứng và hạch toán kinh doanh than, rõ ràng có trách nhiệm của các cơ quan quản lý trực tiếp. Về nguyên tắc trong quản lý nhà nước, cơ quan nào cũng phải đảm bảo mục tiêu an toàn, nhưng khi có diễn biến thị trường nhất thời tác động đến sản xuất kinh doanh, các bộ cần có sự phối hợp điều tiết cho phù hợp với từng giai đoạn và thời điểm, đảm bảo giữ vững mục tiêu chung là ổn định kinh tế nhưng cũng cần xem xét tới sự ổn định và duy trì của doanh nghiệp.

Một bất cập nữa là việc thực hiện không đúng cam kết trong thỏa thuận hợp đồng mua bán than dài hạn và trung hạn của nhiều doanh nghiệp ngành điện, kể cả trong và ngoài EVN, gây ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh và cân đối điều tiết giá của doanh nghiệp sản xuất than. Tình trạng này vẫn diễn ra nhiều năm nay khi nguồn bên ngoài giá thấp hay điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhà máy điện tăng cường lấy than bên ngoài, không tiêu thụ than của TKV, hoặc lấy khối lượng ít hơn so với hợp đồng đã ký dẫn đến tồn kho cao, TKV phải giảm sản lượng sản xuất. Nhưng ngược lại, khi giá cao hay thời tiết không thuận lợi (mưa bão, lũ lụt...) thì họ lại quay lấy than của TKV với khối lượng lớn, khiến doanh nghiệp rất bị động với kế hoạch nhập khẩu và khai thác than trong nước, để đảm bảo đủ cung ứng cũng như cân đối chi phí sản xuất, giá thành.

Điều này thực tế đã xảy ra trong nhiều năm qua và lại tiếp tục tái diễn trong đầu năm nay, khi hàng loạt nhà máy nhiệt điện rơi vào tình trạng thiếu than, gây sức ép và khó khăn rất lớn cho TKV. Theo phản ánh của TKV, trong những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp điện không nhập khẩu được than, nên quay lại sử dụng than trong nước dẫn đến nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng rất cao. Điều này làm xuất hiện tình trạng khan hiếm than, dù sản lượng than sản xuất của TKV không giảm so với các năm gần đây. Đáng chú ý, việc thỏa thuận giá với "ông lớn" điện khó sớm “xuôi chèo mát mái” dẫn đến EVN chấp thuận cơ chế giá than pha trộn mà TKV kê khai theo Luật giá rất muộn, khiến Tập đoàn rất khó khăn trong việc tìm nguồn nhập khẩu các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn, đồng thời giá than thế giới tăng đột biến khiến giá than nhập khẩu đội lên rất cao, ảnh hưởng lớn đến cân đối giá thành của TKV.

Trước những khó khăn trong điều kiện giá nhiên liệu, trong đó có giá than tăng cao kỷ lục như hiện nay, TKV đã báo cáo các bộ, ngành xem xét điều chỉnh giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các hộ điện để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh than của Tập đoàn, bởi giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao, chi phí phòng chống dịch làm tăng giá thành sản xuất than.

Vấn đề này mới đây tiếp tục lại được các cử tri phản ánh tới Bộ Tài chính, đồng thời đề nghị Bộ này xem xét tăng giá bán than cho điện theo giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than của TKV có lợi nhuận hợp lý và hạn chế gian lận thương mại do chênh lệch giá bán.

Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm cho rằng, đã đến lúc cần xem xét lại cơ chế hiệp thương giá để tháo gỡ những bất cập tồn tại lâu nay của cơ chế này, từng bước đưa giá than trong nước tiệm cận với giá thị trường, đồng thời cần có sự điều tiết của nhà nước nhằm đảm bảo mục tiêu tiêu bình ổn giá cả, ổn định vĩ mô, nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp./.