Mở cửa thị trường lao động: Cơ hội và thách thức trước thềm AEC
Tự do di chuyển: Cơ hội cho mọi lao động
AEC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa - xã hội). Cơ chế hợp tác này có hiệu lực từ ngày 31/12/2015 với quy mô dân số trên 600 triệu người và GDP khoảng 2.500 tỷ USD.
Với việc thành lập AEC, dòng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn di chuyển tự do đồng thời với cả việc di chuyển tự do lao động có kỹ năng giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN. Như vậy, gắn với việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ, ASEAN sẽ có một mạng lưới sản xuất thống nhất, thị trường lao động có tính kết nối cao và vận hành thông suốt. Bởi vì AEC không chỉ là một khu vực thương mại tự do, mà tiến đến một trình độ hội nhập cao hơn là thị trường chung.
Trước mắt, trong năm 2015 có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Mặc dù chưa có các tiêu chuẩn thống nhất trong tất cả các nước ASEAN về thị trường lao động, nhưng đây là thị trường của những người có chứng chỉ nghề nghiệp hoặc bằng cấp được các nước ASEAN công nhận. Mức độ lành nghề hay tính chuyên nghiệp sẽ được đặt lên hàng đầu và đây được xem là một trong những rào cản kỹ thuật lớn nhất đối với thị trường lao động ASEAN.
Du lịch là một trong những ngành nghề được tự do di chuyển lao động trong AEC
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế năm 2014, gần 50% doanh nghiệp trong ASEAN rất có nhu cầu về các lao động lành nghề (bất kể họ đến từ đâu), do lực lượng lao động phổ thông, thậm chí là cử nhân mà họ đang sử dụng chưa có được các kỹ năng mà họ cần. Khi AEC chính thức được thành lập, lao động chất lượng cao (chuyên gia, thợ lành nghề…), có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng làm việc quốc tế sẽ di chuyển tự do hơn giữa các nước ASEAN.
Tuy nhiên, khó đi vào thực chất
Trên thực tế, trong khoảng từ năm 2005 tới năm 2012, các nước ASEAN đã ký nhiều các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs) liên quan tới 6 ngành, bao gồm kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, y khoa, nha khoa, du lịch. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng thỏa thuận chung về việc tạo điều kiện di chuyển lao động qua biên giới.
Các khuôn khổ trong MRAs đang tạo điều kiện tối đa hóa sự dịch chuyển lao động xuyên biên giới trong Hiệp hội. Tuy nhiên, sau nhiều năm ký kết, một số MRAs dường như chưa được đi vào thực thi do thiếu sự kết nối sâu rộng giữa những cam kết tầm khu vực với sự dịch chuyển lao động trong khu vực. Hệ thống luật pháp quốc gia và chính sách không khuyến kích người dân lao động nước ngoài cũng là những yếu tố khiến một số MRAs chưa được thực hiện.
Ngoài ra, sự khác biệt về lợi ích giữa các quốc gia, các ngành và doanh nghiệp trong ASEAN cũng khiến việc thực hiện một số MRAs bị cản trở. Các nước kém phát triển có nhu cầu lao động khác biệt với các nước phát triển hơn trong ASEAN. Các doanh nghiệp trong mỗi nước thành viên cũng có quan điểm khác nhau về cơ chế mở cửa thị trường lao động.
Như vậy, mặc dù ASEAN cần dòng chuyển dịch lao động có tay nghề, nhưng với những bất cập nêu trên, quá trình này diễn ra chậm chạp cũng là điều dễ hiểu. ASEAN khuyến khích hội nhập khu vực nhưng trên thực tế các nước thành viên đã và đang hoạt động trong một thị trường toàn cầu và có sự cạnh tranh mạnh mẽ về dòng đầu tư.
Việt Nam trước thách thức về lao động chất lượng cao
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2014, số người trong độ tuổi lao động của nước ta là 47,52 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Thị trường lao động dồi dào, nhu cầu lao động có tay nghề ngày càng gia tăng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong bối cảnh tự do luân chuyển thị trường lao động.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2014, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á. Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương. Từ năm 2008 trở lại đây, tốc độ tăng năng suất trung bình hằng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%. Thâm dụng nhân công giá rẻ với năng suất lao động thấp, tiêu biểu trong các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm… sẽ dẫn đến tình trạng nguồn lao động luôn biến động, chất lượng không cao, không có thời gian để nâng cao trình độ, tay nghề. Đối với các nghề như cơ khí, điện tử, máy công nghiệp…, thời gian đào tạo lâu hơn và lao động ổn định hơn do có thu nhập cao hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại khi tuyển dụng bởi các cơ sở đào tạo thiếu hệ thống máy móc, công nghệ đồng bộ để trang bị kỹ năng thực tế cho học viên. Năng suất thấp, thiếu lao động tay nghề, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác đang khiến các lao động của Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động khi hội nhập.
Để có thể nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho lao động Việt Nam, nhất là khi Cộng đồng ASEAN được hình thành, theo ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, điều quan trọng nhất là bản thân người lao động cần được trang bị kỹ về trình độ chuyên môn, kiến thức.
Kiến thức ở đây bao gồm cả kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức về nước mà người lao động định đến làm việc, cũng như môi trường làm việc, văn hóa xã hội của nước đó, để khi người lao động di chuyển sang có thể hòa nhập ngay với xã hội và môi trường công việc.
Ngoài ra, ông Tào Huy Bằng, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp; tập trung dự báo thị trường ngắn hạn và dài hạn; phát triển, kết nối thị trường lao động với các nước trong khu vực; mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động trong nước.
Cùng với đó, Việt Nam cần đổi mới cơ cấu giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp…
Quan trọng không kém là, cần coi đầu tư đào tạo nghề nghiệp là đầu tư cho phát triển, ưu tiên đầu tư trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, ngành; hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội…/
Bình luận