Mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 31 tỷ USD năm 2016: Khó hay dễ?
Năm 2015: nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 12 năm 2015 ước đạt 2,65 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,95 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2014, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 6,52 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong ngành nông nghiệp đều có sự sụt giảm đáng kể, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh.
Cụ thể, giảm rất mạnh ở mặt hàng, cà phê: khối lượng xuất khẩu năm 2015 đạt 1,28 triệu tấn với tổng giá trị 2,56 tỷ USD, giảm 24,6% về khối lượng và giảm 28,1% về giá trị so với năm 2014.
Tiếp đến là cao su: khối lượng xuất khẩu năm 2015 đạt 1,13 triệu tấn, giá trị đạt 1,52 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng, nhưng giảm 14,4% về giá trị.
Chè là mặt hàng đứng thứ 3 với khối lượng xuất khẩu đạt 123 nghìn tấn, giá trị đạt 211 triệu USD, giảm 6,8% về khối lượng và giảm 7,4% về giá trị.
Đứng thứ 4 là mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu đạt gần 6,7 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, tăng 5,8% về khối lượng nhưng giảm 2,9% về giá trị.
Thâm hụt lớn nhất là mặt hàng thuỷ sản, giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 6,53 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự sụt giảm của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản bắt nguồn từ sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản và 03 mặt hàng nông sản chủ lực gồm gạo, cà phê, cao su.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời tiết và thị trường là hai lý do chính khiến các mặt hàng chủ lực suy giảm. Cụ thể, ảnh hưởng của El-nino đã gây tác động lên sản xuất trồng trọt và thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng của ngành đều gặp nhiều khó khăn (Bích Hồng, 2015).
Cùng với đó, nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, đặc biệt là cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Ðộ. Chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu của nhiều quốc gia; xu hướng bảo hộ đối với mặt hàng nông, lâm ,thủy sản của các nước gia tăng.
Hơn nữa, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ nhiều năm nay vẫn là căn bệnh trầm kha của nông nghiệp.
“Nhiều mặt hàng, như: hải sản, rau quả xuất đi được đã khó, nhưng lại bị trả về nhiều là nguyên nhân dẫn tới xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản giảm. Đó là do sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm, như: chè của Lâm Đồng, đã làm chững cả chuỗi xuất khẩu chè”, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội nông nghiệp Việt Nam, cho hay (Thanh Xuân, 2015).
Ngoài cạnh tranh bằng giá, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật, những rào cản này phù hợp với xu thế hội nhập. Trong khi đó, nông dân Việt Nam đang thua kém nông dân ở nhiều quốc gia ở cả trình độ tư duy, lẫn kỹ năng sản xuất và công nghệ.
Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 6,53 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2014
Hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 31 tỷ USD
Theo phân tích của chuyên gia, trong năm 2016, những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ mới là bước đầu và doanh nghiệp có tận dụng được hay không là một vấn đề khá lớn. Trong khi đó, những khó khăn do hội nhập đem lại vẫn luôn là thách thức lớn.
Về mặt khí hậu, Việt Nam cũng đang ở đỉnh điểm El-nino lớn nhất từ 1997 khiến sản xuất nông nghiệp với đối mặt với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, nắng nóng, mưa bất thường… ngày càng căng thẳng, khiến sản lượng xuất khẩu không ổn định.
Mặt khác, Việt Nam vẫn trong vòng xoáy giảm giá nông sản, sự biến động tiền tệ, thuế chống bán phá giá… tiếp tục ảnh hưởng đến việc xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Mặc dù, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song trong năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu phấn đấu giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 31 tỷ USD và sẽ đạt 39-40 tỷ USD vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu được đề ra, năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Bộ cũng sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân người sản xuất phát triển thương hiệu lớn, có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý; quảng bá sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao sang các thị trường khó tính.
Đứng trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thời gian tới lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, ngày 05/01, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Chúng ta cần phải tập trung cao hơn vào việc phát huy lợi thế so sánh, phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, như: lúa gạo, cà phê, cao su, cá, tôm, hạt tiêu, điều. Đồng thời, tập trung tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả”./.
Tham khảo từ các nguồn:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 12/2015 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
2. Bích Hồng (2015). Xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt với khó khăn "kép", truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-doi-mat-voi-kho-khan-kep/355685.vnp
3. Thanh Xuân (2015). Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2015: Giảm, nhưng vẫn thành công, truy cập từ http://danviet.vn/nha-nong/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-nam-2015-giam-nhung-van-thanh-cong-650185.html
Bình luận