Tại hội nghị, năng suất lao động là một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng dành phần lớn thời gian để trao đổi.

Nhấn mạnh cần đề cao sự phối hợp của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng cho rằng, để giải quyết những vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động hiện nay, như: năng suất lao động, trình độ đào tạo, tình trạng sinh viên thất nghiệp... không thể là nỗ lực riêng lẻ của từng bộ, ngành hay của riêng ngành lao động, thương binh và xã hội.

Từ câu chuyện nâng cao năng suất lao động, ngoài những việc phải làm như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường đào tạo, đầu tư công nghệ… các bộ, ngành, địa phương, ngành lao động, thương binh và xã hội phải làm hết sức để môi trường đầu tư, kinh doanh được thông thoáng cho doanh nghiệp.

“Muốn tăng năng suất, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ, nhưng trước hết phải phát triển được doanh nghiệp. Bởi, Việt Nam còn 40% lao động nông nghiệp trong khi ở những nước phát triển con số này chỉ dưới 10%, nếu chúng ta chuyển 30% lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp, làm dịch vụ, phát triển công nghiệp thì chưa nói đến đổi mới công nghệ hay đào tạo nghề, năng suất cũng sẽ lên... Đây là việc của cả nước, và rất cần mỗi bộ, ngành, địa phương đều làm hết sức để môi trường đầu tư thông thoáng nhất”, Phó Thủ tướng phân tích.

Trong đó, Phó Thủ tướng nói rõ trách nhiệm trực tiếp của ngành lao động, thương binh và xã hội là xây dựng, thực thi hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, làm tốt công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thị trường lao động phát triển. Cụ thể, cần rà soát toàn bộ hệ thống dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước, các đoàn thể cũng như tại các địa phương, từ đó có đánh giá, chuyển đổi theo hướng tự chủ, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động thông qua doanh nghiệp.

Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phó Thủ tướng đề nghị cần tập trung đổi mới thực chất để hoạt động này phải thiết thực vì đó là tiền, nguồn lực của đất nước dù còn rất nghèo.

Ngoài ra, liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo, Phó Thủ tướng cũng nhận xét đã có sự chuyển biến trong nhận thức về cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều cùng những chính sách và chỉ đạo bên dưới theo tinh thần khuyến khích người nghèo tự vươn lên, tuy nhiên, thay đổi thực sự còn chậm.

Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông cùng với các bộ ngành, đoàn thể, hội nghề nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thay đổi thói quen trong việc tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… từ đó xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt, đảm bảo vững chắc, lâu dài./.