Hạ mục tiêu 2013 vì hết gạo để xuất

Trang tin về giá gạo toàn cầu Oryza.com dẫn nguồn từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Việt Nam tiếp tục giảm mục tiêu xuất khẩu gạo 2013 xuống 6,7 triệu tấn, giảm 11% từ mức mục tiêu khoảng 7,5 triệu tấn so với mục tiêu ban đầu, và giảm khoảng 4% so với mức trước đó đã điều chỉnh giảm về khoảng 7,0-7,2 triệu tấn (hồi tháng 9/2013).

Trả lời báo giới, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, chỉ tiêu năm nay đặt ra là xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo, nhưng sau 9 tháng đã điều chỉnh còn 7 triệu tấn vẫn khó đạt, do các nước xuất khẩu gạo đang hạ giá thành nhằm đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm.

Theo VFA, tổng lượng gạo xuất khẩu từ tháng 1 đến tháng 10/2013 chỉ ở mức 5,7 triệu tấn, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Còn theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo 10 tháng qua đã giảm 14,1% về lượng và 16,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. VFA đã tiếp tục hạ mục tiêu xuất khẩu gạo xuống khi mà giá gạo cả xuất khẩu và trong nước đang có dấu hiệu được cải thiện.

Tuy nhiên, có một lý do lý giải cho việc hạ mục tiêu xuất khẩu gạo là bởi dự báo từ nay đến cuối năm, Việt Nam không còn gạo, do lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc ngày một lớn. Đầu tháng 10/2013, lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch chỉ khoảng 5.000 tấn gạo/ngày qua biên giới phía Bắc thì hiện đã lên đến 8.000-10.000 tấn/ngày.

Hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu không có giấy phép xuất khẩu gạo nhưng vẫn mua gạo Xuất khẩu sang Trung Quốc. Do vậy, chỉ trong 10 tháng qua, thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn gạo xuất qua đường tiểu ngạch qua biên giới đã làm cho nguồn gạo xuất chính ngạch không còn. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ còn trữ trong kho vài trăm ngàn tấn, nên không thể xuất gạo chính ngạch với số lượng lớn.

Nước nào được lợi khi sản lượng gạo của Việt Nam giảm?

Trong cuộc trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg mới đây, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2014 có thể sẽ là năm mà sản lượng gạo của Việt Nam bắt đầu giảm.

Ông Quảng cho biết, việc dịch chuyển cây trồng trong thời gian tới là nguyên nhân khiến cho sản lượng gạo của Việt Nam sẽ giảm đi vào năm 2014.

Việc dịch chuyển cây trồng nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, trong đó, ngô sẽ là một trong những cây trồng mục tiêu do nhu cầu của thị trường và năng suất của cây này cùng ở mức cao. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, kế hoạch dịch chuyển cây trồng của Việt Nam là tốt vì khuyến khích sự linh hoạt về phía người nông dân.

Ông Quảng cho hay, Chính phủ sẽ không đặt mục tiêu mỗi vụ phải sản xuất bao nhiêu lúa gạo, mà để nông dân và các chính quyền địa phương tự quyết định theo nhu cầu thị trường. Theo ông Quảng, Chính phủ sẽ cung cấp giống, đào tạo kỹ thuật và hỗ trợ thủy lợi cho người nông dân để giúp họ chuyển đổi cây trồng. Hiện Việt Nam có khoảng 4 triệu hectare đất trồng lúa.

Giới phân tích đánh giá, sản lượng gạo của Việt Nam giảm sẽ đem lại lợi ích cho Ấn Độ và Thái Lan, hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam về xuất khẩu gạo trong bối cảnh nguồn cung gạo toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đây là ba quốc gia chiếm 2/3 khối lượng xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm 2012./.