Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tháng 12/2020, cả nước có 10.689 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 356.771 tỷ đồng, giảm 6,4% về số doanh nghiệp và tăng 129% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019, giảm 18,4% về số doanh nghiệp và tăng 25,3% về vốn đăng ký so với tháng 11/2020.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2020 là 73.012 người, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 39% so với tháng 11/2020.

Nếu so sánh với tháng 4/2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội ở nước ta), số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng lần lượt 35,6%, 280,1% và 1,4%.

Doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2020 chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực, như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng (Bảng)…

Bảng: Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 12/2020 phân theo ngành, lĩnh vực

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong tháng 12/2020 cả nước còn ghi nhận 5.358 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cao nhất kể từ tháng 2/2020, tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 0,8% so với tháng 11/2020 và tăng 40,6% so với tháng 4/2020.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, năm 2020, có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 134.941 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Mặc dù vậy, đây cũng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội như năm nay.

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2019. Điều này cho thấy, mặc dù gặp phải nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng tăng lên.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 là 1.042.995 lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.

Phân theo lĩnh vực hoạt động, trong năm 2020, cả nước có 12/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với năm 2019, trong đó, chủ yếu vẫn là các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 là: nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 33,6%); hoạt động dịch vụ khác (giảm 31,1%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 22%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 17,7%); kinh doanh bất động sản (giảm 15,4%); giáo dục và đào tạo (giảm 9,5%).

Ở xu hướng ngược lại, 5 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong năm 2020 tăng so với năm 2019 là: sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 5.794 doanh nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 2.640 doanh nghiệp; khai khoáng có 684 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 11.527 doanh nghiệp; xây dựng có 17.080 doanh nghiệp.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, sự tăng trưởng với tỷ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh này một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu. Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn, đồng thời, ngành nghề xây dựng có chiều hướng gia tăng khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được tập trung phát triển, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh.

Phân theo địa bàn, khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 55.850 doanh nghiệp. Tiếp đó là Đồng bằng sông Hồng với 39.724 doanh nghiệp. Tây Nguyên là khu vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với năm 2019 với 4.849 doanh nghiệp thành lập mới.

Trong năm 2020, cả nước còn có 44.096 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019.

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong năm 2020 tăng trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; kinh doanh bất động sản...

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hầu hết các lĩnh vực đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã tìm được hướng kinh doanh mới, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, thì thị trường trong nước với gần 100 triệu dân chính là cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi, là động lực chính cho sản xuất, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, trong năm 2020, cả nước còn có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019, bao gồm: 46.592 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.663 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 17.464 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể./.