Thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, sáng nay (ngày 17/9), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, theo Văn phòng Quốc hội.

Nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội: Cần tăng cường hoạt động chất vấn
Các đại biểu lưu ý Đề án cần tập trung vào đổi mới về nội dung, cách thức, hiệu lực, hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Trước yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát nói riêng và đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung là yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội diễn ra sôi động; yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân, đồng thời là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, cần có tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến đổi mới để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…, để từ đó có đánh giá thực trạng, nhìn nhận rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và có kiến nghị đề xuất.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu lưu ý Đề án cần tập trung vào đổi mới về nội dung, cách thức, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đảm bảo Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội phải xuất phát từ thực tiễn, phải cụ thể, thuyết phục…

Một hạn chế tồn tại trong thời gian dài được đại biểu Quốc hội đề cập, đó là tình trạng “giám” nhưng chưa “sát”, nghĩa là khâu giám sát rất quyết liệt, nhưng việc đôn đốc các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện các kết luận của đoàn giám sát lại chưa có sự sát sao, mạnh mẽ tương xứng với tầm giám sát tối cao của Quốc hội.

Tại phiên họp, một số ý kiến thẳng thẳng nêu lên thực trạng việc thực hiện các kết luận và nghị quyết giám sát vẫn là khâu yếu, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả giám sát. Do đó, các đại biểu mong muốn thông qua việc xây dựng Đề án lần này sẽ có các giải pháp đổi mới để khắc phục tình trạng này như: có bộ phận theo dõi thực hiện kết luận giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; có chế tài xử lý trách nhiệm các bên có liên quan…

Để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, có ý kiến đề nghị cần tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH, tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất quy trình giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội: Cần tăng cường hoạt động chất vấn
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Đề án cần lượng hóa sản phẩm đầu ra. Ảnh: Quốc hội

Về cách thức triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo lưu ý các thành viên, tổ giúp việc, các bên liên quan cần quyết liệt làm từ sớm, từ xa để chuẩn bị chu đáo các nội dung; kế hoạch triển khai thực hiện cần chỉ rõ các sản phẩm đầu ra; đồng thời tiến hành thảo luận chuyên đề, xin ý kiến chuyên gia, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội qua nhiều vòng, làm sâu sắc các nội dung để bảo đảm chất lượng, có kiến nghị phù hợp, thiết thực...

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bộ phận thường trực khẩn trương tiếp thu ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo trên cơ sở đó để hoàn thiện các văn bản để triển khai thực hiện. Cần phân định rõ Kế hoạch triển khai Đề án và Đề án; gắn lý luận với thực tiễn; lượng hóa sản phẩm đầu ra; cân nhắc cách thức tiếp cận, xác định trọng tâm đổi mới để xây dựng các đề cương chi tiết.../.