Từ khóa: điểm đến du lịch, năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, Hạ Long

Summary

Ha Long Bay (Quang Ninh) was twice recognized by UNESCO as a World Natural Heritage Site (in 1994 and 2000) with exceptional values in landscape, geology and geomorphology. Thus, for the tourist destination Ha Long, the image of the destination is always associated with the image of the World Natural Heritage Ha Long Bay. Based on the theory and current status of Ha Long's tourist destination development over the past time, the article summarizes the current state of competitiveness of Ha Long destination, thereby proposing some solutions to improve the competitiveness of Ha Long tourist destination.

Keywords: tourist destination, tourist destination competitiveness, Ha Long

GIỚI THIỆU

Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến thiên nhất hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á và là một trong những điểm đến đẹp nhất Việt Nam. Với nhận định này, chuyên trang du lịch của hãng tin CNN đánh giá Vịnh Hạ Long là 1 trong 25 điểm đến đẹp nhất thế giới (T.Linh, 2023). Để đạt được thành công này, Hạ Long đã đầu tư, xây dựng và phát triển điểm đến du lịch với các hoạt động xúc tiến thương hiệu điểm đến du lịch được triển khai ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận thức về điểm đến Hạ Long cho khách du lịch còn khá hạn chế; đội ngũ nhân viên du lịch chưa được đào tạo chuyên nghiệp… Điều này thể hiện du lịch Hạ Long chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có, NLCT điểm đến du lịch chưa cao.

VỀ NLCT ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH

Thời gian qua, NLCT của điểm đến du lịch đã trở thành vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm và được đánh giá là yếu tố quyết định thành công của các điểm đến du lịch. Theo A.Poon (1990), để đảm bảo lợi ích lâu dài và liên tục, các điểm đến cần phải có lợi thế cạnh tranh. A.Poon (1990) cho rằng, các điểm đến cạnh tranh cần phải tuân thủ 4 nguyên tắc chủ yếu: (1) Coi trọng hàng đầu tới môi trường; (2) Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế hàng đầu; (3) Phát triển các kênh phân phối; (4) Xây dựng lĩnh vực tư nhân năng động.

Crouch và Ritchie (1999) cho rằng, điểm đến du lịch có NLCT tốt nhất là điểm đến du lịch mang lại thành công lớn nhất, đó là sự thịnh vượng nhất cho người dân địa phương một cách bền vững: “Điểm đến du lịch có khả năng cạnh tranh nếu sự phát triển du lịch ở đó là bền vững; không chỉ về các khía cạnh kinh tế, sinh thái mà cả về khía cạnh văn hóa - xã hội và chính trị” và “điểm đến có NLCT tốt nhất là điểm đến có thể tạo ra sự thịnh vượng nhất cho người dân địa phương một cách bền vững”.

Hassan (2000) định nghĩa, NLCT điểm đến là “Khả năng của điểm đến tạo ra và kết hợp các sản phẩm giá trị gia tăng để duy trì nguồn lực trong khi giữ vững vị thế trên thị trường trước đối thủ cạnh tranh” và “một điểm đến có NLCT cao nếu thị phần và lợi nhuận của nó tăng lên theo thời gian”. Cách tiếp cận này phù hợp với quan điểm được nhìn nhận rộng rãi rằng NLCT gắn với sự gia tăng lớn về số lượng du khách và thu nhập điểm đến.

Theo Dwyer and Kim (2003), “NLCT của điểm đến du lịch là tập hợp các yếu tố nguồn lực như tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, các chính sách, thể chế và con người của một điểm đến, tạo ra một hình ảnh về sự phát triển du lịch bền vững, có hiệu quả; hình thành nên khả năng hấp dẫn thu hút khách du lịch và làm thoả mãn nhu cầu của họ một cách tốt nhất”.

Từ các lý thuyết trên, trong nghiên cứu này, tác giả cho rằng, nâng cao NLCT điểm đến du lịch Hạ Long là khả năng khai thác hợp lý các yếu tố nguồn lực (tài nguyên du lịch; cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; chủ trương, chính sách phát triển du lịch; sản phẩm du lịch; nguồn nhân lực du lịch) để phát triển du lịch Hạ Long theo hướng hiệu quả và bền vững; đồng thời cạnh tranh với các điểm đến du lịch khác trên thị trường du lịch.

THỰC TRẠNG NLCT ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH HẠ LONG

Về điểm đến du lịch Hạ Long

TP. Hạ Long nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Bắc - Việt Nam, gần hai đô thị lớn nhất miền Bắc là thủ đô Hà Nội (165 km), Hải Phòng (70 km) và tương đối gần đường biên giới với Trung Quốc; phía Bắc - Tây Bắc giáp huyện Hoành Bồ, phía Nam thông ra biển qua vịnh Hạ Long và TP. Hải Phòng, phía Đông - Đông Bắc giáp thị xã Cẩm Phả, phía Tây - Tây Nam giáp huyện Yên Hưng. TP. Hạ Long có diện tích đất liền là 276 km2; diện tích Vịnh Hạ Long 1.553 km² với 1.969 hòn đảo lớn nhỏ.

Đặc biệt, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về cảnh quan (năm 1994) và về địa chất, địa mạo (năm 2000) và tổ chức New7Wonders công nhận là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới (năm 2012). Vì thế, Hạ Long trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng trong nước, khu vực và thế giới.

Năm 2022 là một năm bứt phá của du lịch TP. Hạ Long. Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Thành phố đã có nhiều giải pháp làm mới sản phẩm, kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ... Năm 2022, ngành du lịch TP. Hạ Long đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ để vượt bão dịch Covid-19 với những kết quả ấn tượng, như đạt 7,13 triệu lượt khách du lịch, gấp 4,5 lần so với năm 2021, trong đó, khách quốc tế đạt 356.400 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 14.491 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2021, tăng gấp đôi so với kịch bản tăng trưởng (Nguyễn Quý, 2023).

NLCT điểm đến du lịch Hạ Long

NLCT điểm đến du lịch Hạ Long được xem xét, đánh giá thông qua:

(1) Tài nguyên du lịch: TP. Hạ Long là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều nguồn tài nguyên quý giá, đặc biệt là kỳ quan Vịnh Hạ Long. Nếu ven biển là những cảng nước sâu thuận lợi cho tàu thuyền cập bến, thì trong lòng đất lại có than, đất sét, đá vôi… Thành phố vừa có ngư trường, lại vừa có lâm trường với trữ lượng và tiềm năng khai thác dồi dào, phong phú.

Điều kiện tự nhiên, địa hình, địa mạo đã tạo cho TP. Hạ Long có một vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Trong kháng chiến, khu vực rừng núi có nhiều hang động rất thuận lợi cho xây dựng căn cứ và sơ tán. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm...

Nơi đây nổi tiếng với khu du lịch Bãi Cháy, Tuần Châu; có Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về cảnh quan (năm 1994) và về địa chất, địa mạo (năm 2000) và tổ chức New7Wonders công nhận là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới (năm 2012). Vì thế, Hạ Long trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng trong nước, khu vực và thế giới.

(2) Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Hiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị của Quảng Ninh từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, đặc biệt trong thu hút du lịch của Tỉnh nói chung và Hạ Long nói riêng. Điển hình như: các công trình cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (Móng Cái), Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai... cùng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn tiếp tục được khởi công, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nhờ hệ thống giao thông thuận tiện, không gian du lịch của Quảng Ninh cũng được mở rộng với việc tăng cường liên kết vùng, kết nối 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh bao gồm: vùng du lịch trung tâm tại TP. Hạ Long và vùng phụ cận; vùng du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên; vùng du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn, Cô Tô và vùng du lịch biên giới tại khu vực Móng Cái và vùng lân cận. Đồng thời, Quảng Ninh cũng phát triển không gian du lịch mới ở các địa bàn tiềm năng như: Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu...; từ đó từng bước khai thác được thế mạnh, giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát triển du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững.

Nhiều nhà đầu tư chiến lược như các tập đoàn: Vin Group, Sun Group, FLC, Tuần Châu, Bim group… thực hiện các dự án quy mô lớn, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hiện đại, đẳng cấp quốc tế trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện Vinmec; khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan, Vincom Hạ Long; Quần thể sân golf 18 lỗ và du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long; Sân Golf Tuần Châu; Công viên Đại Dương, khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu, Cảng Quốc tế Hạ Long, Cầu Tình yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, các khu phố đi bộ, chợ đêm, thủy phi cơ, chèo thuyền Kayak, các du thuyền nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long…

TP. Hạ Long hiện có trên 670 cơ sở lưu trú du lịch các loại (trong đó 7 khách sạn 5 sao; 15 khách sạn 4 sao; 26, khách sạn 3 sao; 34 khách sạn 2 sao; 27 khách sạn 1 sao; 86 khách sạn đạt tiêu chuẩn; 425 nhà nghỉ; 50 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê); 86 khách sạn đạt tiêu chuẩn; trên 425 nhà nghỉ; 50 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê), với trên 18.000 phòng; có 504 tàu du lịch, trong đó 187 tàu lưu trú và 317 tàu tham quan; 5 bãi tắm đạt tiêu chuẩn; Thành phố có 5 tuyến du lịch trên bờ và 5 tuyến du lịch dưới Vịnh với 37 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận[1]. Hạ Long có hệ thống nhà hàng phục vụ ăn uống, các trung tâm thương mại, điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với nhiều hàng hóa chất lượng… đảm bảo phục vụ được nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách du lịch.

(3) Chủ trương, chính sách của chính quyền trong thúc đẩy phát triển du lịch: Để thúc đẩy phát triển du lịch, Quảng Ninh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với không gian phát triển du lịch được Tỉnh mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 24/5/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, xác định mục tiêu: Xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong Tỉnh, có NLCT với các nước trong khu vực và quốc tế…

Định hướng phát triển của Thành phố là đưa Hạ Long trở thành thành phố du lịch - dịch vụ với tỷ trọng cơ cấu kinh tế đứng đầu là dịch vụ, tiếp theo là công nghiệp xây dựng, nông nghiệp thấp nhất và là nông nghiệp sạch phục vụ nhu cầu trên địa bàn. Với định hướng này, trong những năm qua, TP. Hạ Long đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường quản lý môi trường kinh doanh du lịch. Trong đó, Thành phố đã chọn lọc các sự kiện thực sự có ý nghĩa để quảng bá, lan tỏa truyền thông, thu hút khách du lịch, như: tổ chức chuỗi các sự kiện kích cầu du lịch với điểm nhấn là Chương trình Carnaval Hạ Long 2022, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan ẩm thực Hạ Long - Quảng Ninh 2022, Lễ hội Mặt trời mọc, các môn thi đấu SEA Games 31, Đêm nhạc trên thông, Lễ hội âm nhạc điện tử EDM… thu hút sự tham dự của hàng vạn du khách, người dân. Cùng với đó, phát triển các chuỗi liên kết du lịch trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của các dự án mới, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, gắn với Vịnh Hạ Long; khai thác và phát huy giá trị du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, sinh thái, cộng đồng.

(4) Sản phẩm du lịch: Thời gian qua, Thành phố đã hình thành một số sản phẩm, điểm đến du lịch mới như: sân Golf Tuần Châu; phố đêm du thuyền; đêm nhạc trên Thông; du lịch qua các sự kiện văn hóa, thể thao; du lịch MICE; du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng; Chương trình Carnaval Hạ Long... Đồng thời, chủ trì, phối hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch bốn mùa nhằm phá vỡ tính thời vụ của ngành du lịch.

Du khách tham quan TP. Hạ Long với điểm nhấn trọng tâm là: di sản thiên nhiên của thế giới Vịnh Hạ Long, trải nghiệm các điểm du lịch đặc sắc trên Vịnh Hạ Long như khám phá hang Bồ Nâu - Sửng Sốt; Hang Luồn; Trinh Nữ; Lạch Đầu Xuôi, Cống Đỏ, Hồ Ba Hầm với các dịch vụ hấp dẫn như: tắm biển, leo núi ngắm cảnh ở Ti Tốp; du lịch sinh thái ở Soi Sim; du lịch văn hóa ở Cửa Vạn, hang Tiên Ông, động Mê Cung; chèo kayak, chèo mủng ở hang Luồn. Hoặc khám phá các khu vực du lịch sinh thái phía bắc Thành phố (thuộc địa phận Huyện Hoành Bồ cũ) như tham quan Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng; Núi Đá Chồng...

Riêng trong năm 2023 này, Quảng Ninh có 38 sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác, tiêu biểu như: Sản phẩm du lịch trên bờ gồm: tuyến phố đêm, phố đi bộ Long Tiên, cụm di tích núi Bài Thơ và hồ Hải Thịnh, phường Hồng Hải; Sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long gồm: phố đêm du thuyền, hoạt động thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên vịnh; dịch vụ nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long, khu trưng bày giới thiệu giá trị địa chất-địa mạo, đa dạng sinh học tại hang Đầu Gỗ, điểm check-in Vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng di sản tại cầu vọng cảnh hang Đầu Gỗ, điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo... (Quang Thọ, 2023).

Thành phố cũng phát triển các chuỗi liên kết du lịch trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của các dự án mới, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, gắn với Vịnh Hạ Long; khai thác và phát huy giá trị du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, sinh thái, cộng đồng. Thành phố đang nghiên cứu xây dựng phương án quản lý quy hoạch, kiến trúc, thiết chế văn hóa, công trình công cộng dọc tuyến đường Trần Quốc Nghiễn kéo dài đến ngã ba Lữ đoàn 170 Hải quân…

(5) Nguồn nhân lực du lịch: Để phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch, Trường Đại học Hạ Long đang thực hiện đào tại hệ đại học có 3 chuyên ngành: quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị dịch vụ nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Cùng với đó, ngành Du lịch Tỉnh còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tổ chức xếp loại, thi hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh tại các điểm du lịch góp phần nâng cao trình độ của hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch trên địa bàn. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay đã có 832 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ (Hồng Hạnh, 2022).

Sở Du lịch Tỉnh đã đã chủ động rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn Tỉnh, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhân viên làm du lịch; tham mưu dành nguồn lực nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Đặc biệt, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về du lịch tại Canada, Newzealand, Australia; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, ngoại ngữ, công tác thống kê du lịch cho cán bộ nhân viên trong ngành du lịch và cho cộng đồng.

Thời gian tới, Hạ Long chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch tuyển dụng lao động qua hệ thống sàn giao dịch việc làm định kỳ; kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ để đặt hàng theo yêu cầu nhằm bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, kĩ năng nghề.

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh kết quả đạt được, NLCT của điểm đến Hạ Long cũng còn những hạn chế, bất cập như: Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều về những công trình đầu tư đã xuống cấp trên Vịnh Hạ Long. Theo đó, từ năm 2014, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp nhận 69 nhà bè của ngư dân Cửa Vạn và Vung Viêng sau khi di dời lên bờ, nhưng cho đến nay, một số nhà bè mới chỉ được sửa chữa nhỏ một lần vào năm 2019. Theo Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, hệ thống nhà bè này vốn là tổ hợp sản phẩm du lịch độc đáo trên Vịnh Hạ Long, nhưng ở trong môi trường tự nhiên nước mặn, sóng gió và theo thời gian không được nâng cấp, sửa chữa tương xứng, đã dần xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho du khách tham quan, trải nghiệm.

Việc quá tải tại bãi tắm trên Vịnh Hạ Long những năm gần đây thường xuyên diễn ra, do Vịnh Hạ Long chỉ còn duy nhất bãi tắm Ti tốp hoạt động. Điều này khiến nhiều khách nghỉ đêm trên Vịnh rơi vào tình trạng đi biển, mà không được tắm biển. Hay việc khai thác trải nghiệm leo núi Bài Thơ cũng rất được mong chờ ở Hạ Long, nhưng đã bị lùi do vướng mắc chủ yếu liên quan tới sự phân cấp đầu tư vốn, khiến nhiều doanh nghiệp hẫng hụt, du khách tiếc nuối...

Bên cạnh đó là, tình trạng tiếng ồn từ việc mở nhạc sàn lớn về khuya trong các quán bar, pub ở khu du lịch Bãi Cháy, gây phiền nhiễu cho du khách ở các khách sạn khu vực lân cận.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm nâng cao NLCT điểm đến du lịch Hạ Long, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, Hạ Long cần tập trung vào quản lý quy hoạch, phát triển hạ tầng phục vụ du lịch như: Triển khai quy hoạch Cụm di tích danh thắng núi Bài Thơ; đầu tư một số công trình biểu tượng; nghiên cứu phương án quản lý, khai thác hiệu quả Khu Bảo tồn bản văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả)...

Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, tổ chức các sự kiện kích cầu, hình thành một số mô hình, sản phẩm, điểm du lịch mới hấp dẫn, tập trung thực hiện chuyển đổi số trong du lịch.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, Thành phố chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch tuyển dụng lao động qua hệ thống sàn giao dịch việc làm định kỳ; kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ để đặt hàng theo yêu cầu nhằm bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề. Đồng thời, phối hợp với cơ sở kinh doanh trong việc tuyển dụng lao động; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành du lịch.

Thứ tư, Thành phố cần tăng cường quản lý môi trường kinh doanh du lịch, nhất là tại các khu, điểm du lịch, các bãi tắm và Vịnh Hạ Long; khảo sát, đề xuất Tỉnh công nhận một số tuyến, điểm du lịch mới; quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ du lịch. Đặc biệt, tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và tham gia phát triển du lịch; thực hiện hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh và Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, hướng đến mỗi người dân trở thành một đại sứ du lịch./.

ThS. Kiều Mai Hương

Khoa Khách sạn du lịch - Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 28, tháng 10/2023)


Tài liệu tham khảo

1. A.Poon (1993), Tourism, Technology and Competitive Strategies, Redwood Books, Trowbridge, UK.

2. Crouch and Ritchie (1995), Destination Competitiveness and the Role of the Tourism Enterprise, Proceedings of the Fourth Annual Buisiness Congress, 44, 137-152.

3. Dwyer and Kim (2003), Destination Competitiveness: A model and Determinants, University of Western Sydney, Australia & Kemimyung University, Korea.

4. Hassan (2000), Determinants of market competitiveness in an enviromentally sustainable tourism industry, Journal of Travel Research, 20, 34-39.

5. Hoàng Quỳnh (2022), TP Hạ Long: Du lịch tăng trưởng ấn tượng, truy cập từ https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=115893.

6. Hồng Hạnh (2022), Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, truy cập từ https://halongcity.gov.vn/chu-trong-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-nganh-du-lich-p13n54842.html.

7. Nguyễn Quý (2023), Hạ Long: Mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, truy cập từ http://daidoanket.vn/ha-long-muc-tieu-don-85-trieu-luot-khach-du-lich-trong-nam-2023-5706817.html.

8. Quang Thọ (2023), Tổng doanh thu du lịch Quảng Ninh đạt hơn 8.500 tỷ đồng trong quý I năm nay, truy cập từ https://nhandan.vn/tong-doanh-thu-du-lich-quang-ninh-dat-hon-8500-ty-dong-trong-quy-i-nam-nay-post745885.html.

9. T.Linh (2023), CNN: Vịnh Hạ Long trong top 25 điểm đến đẹp nhất thế giới, truy cập từ https://nhandan.vn/cnn-vinh-ha-long-trong-top-25-diem-den-dep-nhat-the-gioi-post742355.html.


[1] https://halongcity.gov.vn/tai-nguyen-thien-nhien-p13n53014.html