NCIF: Dự báo tăng trưởng kinh tế quý II tăng 5,6%
Đó là dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), tại buổi tọa đàm Dự báo kinh tế Quý II/2017, sáng 5/4/2017.
Bức tranh ảm đạm đang sáng lên
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và dự báo cho biết, trong quý I, kinh tế vĩ mô ổn định song tăng trưởng ở mức thấp; mô hình chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nặng nề vào các ngành khai khoáng. Đặc biệt, cơ cấu công nghiệp phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chậm; nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công; công nghiệp phụ trợ chậm phát triển.
“Nếu loại trừ yếu tố giá có thể thấy tốc độ sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là xuất khẩu tăng 6,7% thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2016. Con số này cho thấy bức tranh tăng trưởng khá ảm đảm, mặc dù giá danh nghĩa thì cao nhưng tăng trưởng thực tế là thấp” – TS. Đặng Đức Anh cho biết thêm.
Tuy nhiên, trên cơ sở tính toán, TS. Đặng Đức Anh cho rằng tình hình trong quý II sẽ lạc quan hơn. Theo đó, mức dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 5,6% cho quý II và 6,2% cho cả năm 2017 (ngang bằng năm ngoái).
Sự lạc quan này được căn cứ ở niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định hơn, 51,2% doanh nghiệp Việt Nam tin rằng quý II sẽ có đơn hàng cao hơn quý I; đầu tư khu vực tư nhân và FDI khởi sắc hơn...
Đồng tình với dự báo của NCIF, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dự báo, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao trong những tháng tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nguồn nguyên liệu tốt cho chế biến, đảm bảo hợp đồng xuất khẩu… Đây sẽ là nền tảng cho tăng trưởng của quý II và quý III. TS. Cấn Văn Lực cũng dự báo, tăng trưởng GDP trong năm 2017 có khả năng sẽ đạt từ 6,3-6,5%.
TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và dự báo (NCIF) phát biểu tại buổi Tọa đàm
Nhìn nhận một số rủi ro
Mặc dù dự báo kinh tế có sự tăng trưởng trong quý II, nhưng các chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo, nền kinh tế vẫn còn một số tiềm ẩn, như: công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm; giải ngân vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ đạt thấp. Ngoài ra, sức ép lạm phát gia tăng do chịu áp lực từ giá cả thế giới, áp lực về tỷ giá và lãi suất do biến động tài chính quốc tế.
Dẫn con số nhập siêu 1,9 tỷ USD quý I, TS. Đặng Đức Anh cho rằng trong giai đoạn qua tăng trưởng của Việt Nam vẫn hầu như không có chuyển biến gì về chất, việc nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu sản xuất càng củng cố việc nền kinh tế phát triển thiếu bền vững với việc gia công là chủ yếu.
Đứng ở góc độ tác động từ quốc tế, TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc NCIF dự báo, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với việc áp thuế 20% thuế nhập khẩu có thể khiến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm 0,29%. Đặc biệt, nếu Mỹ áp thuế biên giới với tất cả các nước, GDP cả nước năm 2017 sẽ sụt giảm 1%.
"Mức độ tác động tới kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn, tuy nhiên tôi cho rằng khả năng áp dụng mức thuế này sẽ không xảy ra", ông Khôi nhận định.
Bên cạnh đó, đưa ra cảnh báo về rủi ro từ kinh tế Trung Quốc, TS. Khôi nhấn mạnh, với việc triển khai “Chiến lược made in China 2025”, thời gian tới nước này sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao (hàm lượng công nghệ cao sẽ chiếm 70%) lộ trình thay thế các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ cao là những công nghệ kém, bị thải loại của Trung Quốc sẽ chuyển sang các nước kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam.
Một số khuyến nghị chính sách
Để kinh tế tăng trưởng ổn định, TS. Đặng Đức Anh kiến nghị, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Giám sát tiến độ thực thi các nhiệm vụ đưa ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chương trình hành động thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2017- 2020.
Ở góc độ phân tích tác động quốc tế, TS. Lương Văn Khôi nhấn mạnh, Việt Nam cần sát sao diễn biến kinh tế thế giới, như: bối cảnh mới của châu Âu, chính sách mới của Mỹ, khả năng Hiệp định TPP không còn, rủi ro từ kinh tế Trung Quốc... để có những ứng phó kịp thời, hiệu quả./.
Bình luận