Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể thoát đáy
Nhận định này được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại tọa đàm công bố Báo cáo vĩ mô quý I/2016, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 12/4.
Tăng trưởng quý I gây thất vọng
Theo VEPR, kinh tế quý I chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể kể từ năm 2012 tới nay. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. GDP chỉ tăng 5,46% trong quý I/2016, thấp hơn mức tăng 6,12% của cùng kỳ 2015.
Trong khi khu vực dịch vụ vẫn diễn biến tı́ch cực, đóng góp của công nghiệp vào tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng. Tăng trưởng dịch vụ ổn định ở mức 6,13% và đóng góp 2,48 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP quý I.
Khu vực công nghiệp, trái lại, chı̉ tăng 6,72%, mức thấp nhất trong nhiều quý trở lại đây (tăng trưởng khu vực này các quý năm 2015 lần lượt đạt: 8,74%; 9,09%; 9,57%; và 9,64%).
Bên cạnh đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đã suy giảm 1,23%, chủ yếu do giảm sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cây trồng vụ đông tại miền Bắc.
Lạm phát có xu hướng tăng trở lại trong ba tháng đầu năm. Lạm phát toàn phần đã vượt mức 1% trong tháng 2 và đạt 1,69% cuối quý. Mức tăng này phần lớn đến từ đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục đầu tháng Ba.
Cán cân thương mại quý I tiếp tục xu hướng khả quan diễn ra từ năm 2015. Thương mại đạt thặng dư quý thứ hai liên tiếp ở mức 0,7 tỷ USD. Tuy nhiên, sự phục hồi này đạt được chủ yếu do suy giảm nhu cầu nhập khẩu.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, tăng trưởng thương mại suy giảm; động lực xuất khẩu cũng không còn mạnh mẽ dù vẫn đạt mức tăng trưởng dương.
Trong ba tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 3,9% so với quý I/2015 và đạt 37,7 tỷ USD. Kinh tế trı̀ trệ tại các đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam đã khiến tăng trưởng xuất khẩu suy giảm hai quý liên tiếp.
Đặc biệt, TS. Thành lo lắng, trong bối cảnh nguồn thu còn gặp nhiều khó khăn, xu hướng tăng chi tiêu ngân sách vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Tình trạng này đã diễn ra liên tục trong nhiều năm phản ánh tình trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo.
Bên cạnh đó, VEPR đánh giá, trong quý I năm nay, đầu tư ổn định, tiêu dùng chững lại; thị trường tài chính và tiền tệ thì dù đang có được sự ổn định nhất định nhưng xuất hiện tín hiệu tăng lãi suất cho vay. Điều này tăng áp lực cho nền kinh tế….
Đánh giá về bức tranh chung của nền kinh tế quý I/2016, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, kinh tế nước ta vẫn trong vùng trũng, vùng đáy, chưa ra thể thoát ra được. Những mỹ từ cất cánh, khởi sắc chưa hiện hữu thực sự, mà đang ở thì tương lai.
Theo vị chuyên gia này, những cơ hội mà các hiệp định tự do thương mại mang lại mới chỉ là tiềm năng. Vì thế, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế sẽ có, nếu chúng ta tranh thủ được thời cơ.
“Trước mắt, nhìn trong 2016, tôi thấy tình hình khó khăn hơn nhiều so với 2015”, TS. Hồ thẳng thắn.
Song, không đến mức bi quan
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng, dù bức tranh chỉ số kinh tế quý I năm nay không sáng như kỳ vọng, nhưng không đến mức bi quan.
“Cho dù tăng trưởng không cao như kỳ vọng, nhưng nếu ta thực sự tái cơ cấu nền kinh tế thì tăng trưởng thậm chí có thể giảm nhẹ so năm trước nhưng nó là tiền đề đảm bảo cho tăng trưởng bền vững, lành mạnh sau này”, ông Tuyển chỉ rõ.
Điều này là sự hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn để tạo đà cho phát triển bền vững dài hạn.
Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh thì kỳ vọng, nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới dần có hiệu lựcsẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam, nhưng cũng có những thách thức. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có cải cách mạnh mẽ để gặt hái thành công.
“Tôi tin tưởng và kỳ vọng Chính phủ mới sẽ quyết tâm vượt khó và thành công”- ông Doanh nhấn mạnh.
Trước thực tế này, VEPR khuyến nghị các chính sách kinh tế hướng tới duy trì mục tiêu ổn định vĩ mô, đặc biệt cần tránh tâm lý nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới.
Cụ thể, tổ chức này khuyến nghị, các cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây.
Thứ hai, không có dấu hiệu cho thấy nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện trong năm 2016, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên, bội chi chắc chắn tiếp tục không thực hiện được kế hoạch dưới 5% GDP của Quốc hội. “Đi kèm với các giải pháp cắt giảm chi ngân sách ngắn hạn quyết đoán, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ này”, báo cáo nêu rõ.
Thứ ba, chiến lược chống đô-la hóa mặc dù đang từng bước loại USD khỏi hệ thống lưu thông và tín dụng, vẫn cần phải có chính sách thích hợp để lưu chuyển dòng USD tích trữ trong nền kinh tế, thông qua một thị trường mua-bán ngoại tệ hữu hiệu, quy mô lớn.
"Việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm, không đi liền với việc thiết lập thị trường mua - bán USD hiệu quả, đang dẫn tới nguy cơ mất cân đối trên thị trường ngoại tệ. (Một khối lượng lớn tài sản ngoại tệ của dân cư được gửi ra nước ngoài với mức lãi suất thấp, trong khi một số tổ chức tín dụng trong nước phải huy động vốn từ nước ngoài với lãi suất cao)", VEPR cảnh báo./.
Bình luận