Nhà nước chỉ tạo hệ sinh thái để các DNNVV phát triển
Nhiều nội dung về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Lấy ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ngày 22/02/2017.
Bổ sung tiêu chí doanh thu khi xác định DNNVV
Dự thảo Luật đã được trình Quốc hội thảo luận lần đầu tiên vào kỳ họp Quốc hội thứ 2, tháng 10/2016. Tuy nhiên, sau nhiều phiên thảo luận, đã có rất nhiều ý kiến về dự thảo Luật. Theo đó, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần này đưa ra hai phương án để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là: (1) dựa vào vốn và số lao động; (2) bổ sung thêm tiêu chí doanh thu. Với hai phương án này, nhiều đại biểu tại hội thảo đồng ý với phương án 2.
Doanh thu sẽ là một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, thêm tiêu chí doanh thu vào tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là một việc làm đúng đắn của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, ông Nam cũng đề nghị nâng mức doanh thu lên cao hơn.
“Dựa theo tính toán, tôi đề xuất, mức doanh thu từ 250-300 tỷ đồng. Bởi, nếu để 100 tỷ đồng như trong dự thảo thì quá thấp, trong khi mục tiêu của Luật là hỗ trợ những doanh nghiệp tiềm năng, kinh doanh có lãi”, ông Nam bày tỏ quan điểm.
Cũng đồng ý với việc chọn phương án 2, tuy nhiên ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định mức chung chung như vậy, thì chưa phân biệt đâu là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ để có những hỗ trợ cần thiết.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật cần quy định đâu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vừa.
“Nếu thống nhất giảm các quy định của Chính phủ, thì cần phải xác định quy mô vừa là như nào, siêu nhỏ và nhỏ là như thế nào?”, ông Phúc cho biết.
Đại diện cho cơ quan thuế, bà Hoàng Thị Anh, Tổng Cục thuế cũng kiến nghị, Luật cần làm rõ đối tượng thụ hưởng của Luật, thống kê số lượng là bao nhiêu. “Rõ ràng được những ưu đãi nào doanh nghiệp được hưởng, thì dễ dàng hơn rất nhiều cho cả doanh nghiệp và cơ quan hỗ trợ”.
Giải trình những thắc mắc của các đại biểu liên quan đến việc không quy định rõ tiêu chí phân loại doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, dự thảo lần đầu tiên đã quy định cụ thể đâu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Nhưng khi lấy ý kiến đại biểu quốc hội, thì rất nhiều đại biểu cho rằng, không nên quy định rõ ràng như vậy trong Luật, nhưng quy định cụ thể thì sẽ để Chính phủ quy định sau.
Quỹ bảo lãnh tín dụng: Vì mục tiêu lợi nhuận hay không?
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật lần này đó là việc đưa Quỹ Bảo lãnh tín dụng vào Điều 8, Chương 2 về hỗ trợ tiếp cận dụng. Cùng với đó là việc thay đổi mục tiêu hoạt động của Quỹ từ phi lợi nhuận sang vì lợi nhuận.
Đưa ra lý do thay đổi cơ quan soạn thảo cho biết, các Quỹ Bảo lãnh tín dụng ở Việt Nam hiện nay hoạt động phi lợi nhuận nên khi huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại thì không phù hợp, vì các tổ chức này mục tiêu lợi nhuận.
Đồng ý với phương án trên, ông Tô Hoài Nam cho biết, Quỹ bảo lãnh tín dụng phải đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, đảm bảo nguyên tắc thị trường.
“Một trong những nguyên nhân tổ chức này không phát triển được là do hoạt động phi lợi nhuận”, ông Nam nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, thì cũng có những đại biểu không đồng ý với phương án trên. Giải thích về việc không đồng ý Quỹ Bảo lãnh tín dụng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, Quỹ bảo lãnh tín dụng chỉ là 1 trong những công cụ hỗ trợ tiếp cận tín dụng. Phần lớn các quỹ này mang tính chất phi lợi nhuận. Các quỹ này kêu gọi đầu tư từ 2 nguồn: Nhà nước và ngân hàng. Do đó, việc thu hút đầu tư tư nhân vào các quỹ này sẽ không khả thi.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Đặng Thị Điểm, Phòng Chính sách Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị xem xét lại việc quy định Quỹ Bảo lãnh tín dụng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, do có thể mâu thuẫn với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của quỹ, đồng thời nêu quỹ là tổ chức tài chính hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận thì sẽ coi như hoạt động kinh doanh và do vậy sẽ không phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (khoản 2, điều 8 quy định “nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán).
Bà Điểm cũng đề nghị xem xét lại quy định theo hướng bảo lãnh có thể dựa trên tài sản đảm bảo hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi/chứng từ có giá/xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp hoặc các biện pháp khác phù hợp, do việc yêu cầu cùng lúc nhiều biện pháp bảo đảm có thể là cản trở đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhà nước hỗ trợ thế nào để các DNNVV phát triển?
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Quốc Anh cho biết, quá trình soạn thảo Luật gặp rất nhiều khó khăn, như: đụng đến nhiều luật khác; có 40 điều, nhưng đụng đến nhiều cơ quan: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên Môi trường…; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện ngân sách khó khăn; có rất nhiều mô hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã áp dụng, nhưng triển khai chưa thành công… Do vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên ban hành thêm luật mới, vì doanh nghiệp đã có quá nhiều hỗ trợ rồi.
Tuy nhiên, theo ông Tô Hoài Nam, hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước mới có thể phát triển.
“Hiện doanh nghiệp rất thiếu thông tin, thiếu hỗ trợ nguồn lực phát triển, hỗ trợ thuế là rất cần thiết lâu dài, nên những nội dung hỗ trợ cơ bản Dự thảo Luật đưa ra là có trọng tâm”, ông Nam nhấn mạnh.
Còn theo ông Dương Đình Huệ, chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, việc trợ giúp này không phải tùy tiện, nhất thời. Ông Huệ cho rằng, đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khối Nhà nước sẽ không được hưởng sự hỗ trợ của Luật này.
“Không phải mọi doanh nghiệp nhỏ và vừa đều được hỗ trợ, mà không có sự loại trừ. Nước Nga có doanh nghiệp không được hỗ trợ, như: doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp nhà nước...”, ông Huệ khẳng định.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho biết, tư tưởng “hỗ trợ doanh nghiệp là trách nhiệm của Nhà nước” mặc dù không được ghi trong dự thảo Luật, nhưng đây là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình soạn thảo Luật.
Giải trình thêm một số điều về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, trong bối cảnh đất nước không có nhiều nguồn lực để hỗ trợ, nên Dự thảo đã đưa ra phương pháp là hỗ trợ người đi hỗ trợ.
“Chúng ta không đi hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp cá thể, mà chỉ tạo hệ sinh thái để các doanh nghiệp này phát triển, bởi chúng ta không có đủ nguồn lực để hỗ trợ”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiện nay dự thảo Luật chỉ hỗ trợ doanh nghiệp những cái cơ bản mà họ không làm được, như: dịch vụ thông tin, phần mền quản lý tài chính, đào tạo lao động.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa lấy đâu ra tiền để tìm hiểu thị trường, nghiên cứu nhu cầu, để đào tạo nhân lực…?”, Thứ trưởng Đông đặt câu hỏi.
Đặc biệt, theo chủ trương hỗ trợ có trọng tâm, dự thảo luật đã đưa ra 3 mục tiêu hỗ trợ, đó là: chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp; khởi nghiệp sáng tạo (đưa từ sáng tạo vào để chỉ tập trung vào nhóm ưu tú, sáng tạo, như trường hợp của Nguyễn Hà Đông); hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Đối với mục đích hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, Thứ trưởng Đông giải thích, các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài thường bị đánh giá thấp về chất lượng, thiếu công nghệ, chứng chỉ. Nên, Dự thảo Luật đưa ra hỗ trợ này để nâng dần tính cạnh tranh trong từng mắt xích của chuỗi, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đưa ra thị trường một cách nhanh nhất, cạnh tranh nhất và tốt nhất./.
Bình luận