Nhận diện “điểm sáng” và “điểm nghẽn” trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP
Phát biểu tại Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVI năm 2018 (với chủ đề “Triển khai Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN, KKT”). Ông Trần Văn Đoàn – Trưởng ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị nhận định: “Nghị định 82/2018/ NĐ- CP ra đời phù hợp với tình hình quản lý Nhà nước trong các KCN, KKT, góp phần giải quyết một số hạn chế vướng mắc trong cơ chế chính sách và quy định của pháp luật đối với các KCN, KKT; quy định cụ thể chức năng của Ban quản lý KCN, KKT. Đa dạng hóa một số loại hình KCN đáp ứng nhu cầu đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực của các nhà đầu tư …”. Tuy nhiên khi nghiên cứu, triển khai Nghị định 82/2018/ NĐ- CP (Nghị định 82) Ban Quản lý KKT Quảng Trị nhận thấy còn có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong Nghị định 82 và trên thực tế, gây trở ngại khó khăn cho nhà đầu tư trong KCN cũng như hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng.
Ông Trần Văn Đoàn – Trưởng ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị (ngồi ngoài cùng bên trái)
Theo Báo cáo tham luận của Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Trị (tại Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVI năm 2018), những “điểm sáng” và “điểm nghẽn” trong Nghị định 82 được phân tích cụ thể dưới góc nhìn thực tế, khách quan.
Về cơ cấu tổ chức bộ máy, Nghị định 82 quy định phòng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Quy định này thể hiện tính ưu việt về việc cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và bộ máy; hỗ trợ toàn diện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào KCN, KKT theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Song thực tế quy định một phòng, ban của Ban quản lý KCN, KKT bố trí tối thiểu 07 biên chế sẽ khó thực hiện trong giai đoạn đang triển khai tinh giản biên chế hiện nay. Do đó cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn đồng bộ để thực hiện.
Việc phân cấp, ủy quyền các Ban Quản lý KCN, KKT, Nghị định 82 đã phân định nhiệm vụ trực tiếp của các Ban Quản lý KCN, KKT và nhiệm vụ phải phân cấp ủy quyền cho các Ban Quản lý. Theo chức năng quản lý Nhà nước mọi hoạt động trong phạm vi KCN, KKT thuộc quyền quản lý của các Ban Quản lý KCN, KKT. Nhưng hiện nay việc phân cấp, ủy quyền của chính quyền địa phương cũng như các Sở, ngành tại địa phương chưa rõ ràng cụ thể, ủy quyền chưa hết; chưa tạo sự thuận lợi để thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Thực tế hiện nay công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất…của các doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN do Sở TN&MT đang làm đầu mối thực hiện. Trong khi đó các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN thuộc KKT, các công tác trên thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý KKT. Việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về KCN đã gây khó khăn trở ngại cho các nhà đầu tư trong KCN.
Để đảm bảo sự ổn định, tạo điều kiện thực hiện cơ chế hành chính “một cửa, một cửa tại chỗ”, hỗ trợ nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trước hết cần có sự phân cấp, ủy quyền cụ thể, rõ ràng, ủy quyền hết nhiệm vụ của các Sở, ngành tại địa phương, xuất phát từ nguyên tắc giao việc, có việc, có nhiệm vụ mới bố trí con người. Tuy nhiên trong Nghị định 82 ghi rõ: Theo nguyên tắc phân cấp, ủy quyền phải gắn với năng lực, trình độ và tổ chức của Ban quản lý. Đây là điều không hợp lý, vì như thế, phải có con người mới giao nhiệm vụ; chỉ khi nào phát sinh nhiệm vụ mới, lúc đó bổ sung vị trí việc làm và con người. Do đó cần đưa nguyên tắc: Phân cấp, ủy quyền giao nhiệm vụ trước, trên cơ sở đó kiện toàn, bổ sung bộ máy tổ chức nhân sự.
Việc phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý nên có sự thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Khi có sự phân cấp, ủy quyền phù hợp với vai trò quản lý nhà nước trong phạm vi các KCN, KKT thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý các KCN, KKT, lúc đó quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KCN, KKT với các Sở, ngành tại địa phương mới thực sự hiệu quả, tạo sự thông thoáng trong cơ chế chính sách, thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KKT nhằm thu hút nhà đầu tư thứ cấp phát triển kinh tế trong các KCN, KKT. Do vậy cần phải đầu tư đúng mục tiêu, kế hoạch cụ thể nằm trong chương trình phát triển hạ tầng dưới sự điều hành của Ban quản lý các KCN, KKT. Hàng năm ngân sách có hỗ trợ cho KCN, KKT nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên theo luật xây dựng và các văn bản dưới luật, thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc Ban Quản lý, trực tiếp làm chủ đầu tư nên sẽ có vướng mắc trong điều hành, sử dụng nguồn vốn. Từ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý KCN, KKT đã được quy định tại Nghị định 82 và chức năng của Ban quản lý Dự án ĐTXD trực thuộc Ban Quản lý theo Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng có sự mâu thuẫn, chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ.
Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT (nhất là quản lý hoạt động sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư) đã được quy định cụ thể tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên chưa có quy định về Thanh tra chuyên ngành tại KCN, KKT và các quy định chế tài liên quan để Ban quản lý chủ động thực hiện các nhiệm vụ trên. Do vậy vị trí, vai trò và hiệu quả quản lý của các Ban Quản lý KCN, KKT còn hạn chế. Thực tế hiện nay khung pháp lý về quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT chưa cao, vì vậy thiếu sự ổn định, bị các văn bản pháp luật chuyên ngành khác chi phối nên khi giải quyết TTHC cho nhà đầu tư gặp khó khăn.
Việc phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý KCN, KKT đã được Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định cụ thể, song để triển khai thực hiện Nghị định 82 đạt được hiệu quả cao, Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Trị cho rằng: Bộ KHĐT cần tổ chức các Hội nghị, hội thảo, đánh giá, tập huấn tại các địa phương hoặc tổ chức theo cụm, mời các Sở chuyên ngành tại địa phương tham gia như Sở TN&MT, Sở Xây dựng, VP UBND tỉnh …về các lĩnh vực theo phân cấp, ủy quyền; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhanh chóng ban hành Thông tư mới hoặc sửa đổi bổ sung Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH ngày 01/12/2014 về việc Hướng dẫn ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong KCN, KCX, KKT và KCNC. Về lâu dài, tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách, công tác quản lý nhà nước trong các KCN, KKT cần có sự ổn định để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì vậy Bộ KHĐT cần nghiên cứu, xem xét trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Quốc hội sớm ban hành Luật về KCN, KKT./.
Bình luận