Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Refrom) tổ chức.

Ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta phát biểu tại Hội thảo

Trở thành quốc gia số sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam

Tại hội thảo ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta định nghĩa, một quốc gia số là một quốc gia chủ động thúc đẩy nền kinh tế số - thay vì chỉ thụ động đón nhận các sản phẩm và dịch vụ số.

Ông đánh giá, vệc phát triển kinh tế số, trở thành quốc gia số sẽ mang lại nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Đơn cử, nếu áp dụng công nghệ số sẽ giảm các rào cản xuất khẩu và thời gian, chi phí cho khối doanh nghiệp này. Theo đó, với kịch bản truyền thống, trong lĩnh vực sản xuất, khối doanh nghiệp này sẽ phải mất khoảng 255.000 - 1 triệu USD chi phí gia nhập thị trường và chi phí hoạt động tại nước ngoài, nhưng khi áp dụng kịch bản số sẽ giảm 40% chi phí xuống còn 155.000 - 675.000 USD.

Còn đối với lĩnh vực dịch vụ, chi phí này giảm 82%, từ mức 430.000 - 4,1 triệu USD xuống còn 250.000-755.000 USD.

Nền kinh tế số cũng đã và đang mang đến nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam. Theo đó, năm 2014, hơn 7% nhà xuất bản ứng dụng hàng đầu tại các thị trường ứng dụng lớn nhất châu Á đến từ Việt Nam. Năm 2015, doanh thu nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam ước đạt 500 triệu USD. Số lượng điện thọai thông minh tại Việt Nam ước tăng từ 28 triệu lên 38 triệu vào năm 2020. Giai đoạn 2015 - 2020, GDP của cả nước có thể tăng thêm 5 tỷ USD do tăng trưởng của thị trường internet di động.

Đánh giá rằng Việt Nam đang sở hữu một đội ngũ nhân tài lập trình được quốc tế tôn trọng và đánh giá cao, ông Konstantin Matthies khẳng định đấy là tiềm năng lớn cần khai phá.

Theo thẻ điểm Quốc gia số của AlphaBeta, Việt Nam đang thứ 11/11 ở cả 3/4 yếu tố, chỉ duy nhất yếu tố sản phẩm số Việt Nam đang đứng thứ 8, xếp trên Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng: “cuộc đua giành vị trí dẫn đầu trong ngành công nghệ số vẫn còn để ngỏ”. Bởi lẽ, báo cáo của AlphaBeta chỉ ra không có quốc gia nào chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực.

Song, chính sách vẫn là rào cản?

Thẳng thắn cho rằng, “Việt Nam vẫn là quốc gia thụ động trong kinh tế số. Điều này đã được AlphaBeta nhắc đến từ một năm trước nhưng bây giờ, chúng ta vẫn thụ động”, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), ông Nguyễn Thanh Hưng cho hay.

Ông Hưng cũng chỉ rõ, chính sách hiện nay đang là rào cản trong việc phát triển kinh tế số.

Theo ông, Việt Nam chưa thực sự hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thậm chí còn đặt ra nhiều quy định ảnh hưởng đến tiếp cận thị trường như bắt buộc phải đăng ký kinh doanh tại địa phương…

“Chúng ta cứ nói đến quốc gia khởi nghiệp nhưng khi xem xét các chính sách thì nhiều quy định lại là gáo nước lạnh đối với doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Hưng chia sẻ.

Ở tầm vĩ mô, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nhận định, toàn cầu đang số hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong khi đó, hệ thống thể chế pháp luật liên quan tới các chính sách kinh tế ở Việt Nam còn thiếu ổn định, không nhất quán và còn nhiều vướng mắc đối với doanh nghiệp.

Việt Nam cũng chưa thực sự giữ chân và khuyến khích công ty đa quốc gia, chưa thử nghiệm các phương thức tiếp cận mới để khuyến khích DN phát triển sản phẩm mới.

Làm thế nào để tận dụng tối đa cơ hội từ nền kinh tế số?

Đã đến lúc phải xác định được đòn bẩy chính sách để đưa Việt Nam trở thành Quốc gia số, nhóm nghiên cứu của AlphaBeta đề xuất các nhân tố: tài năng số, môi trường thúc đẩy đầu tư công nghệ và chính sách thuế là những đòn bẩy chính sách quan trọng nhất.

Trong chính sách thuế, vị chuyên gia này cũng cho rằng, không phải ưu đãi thuế, hay thuế suất là bao nhiêu, vấn đề cốt lõi, quan trọng trong lĩnh vực thuế là cần bảo đảm sự thống nhất và minh bạch.

Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá được những tác động của các quy định thương mại đối với môi trường đầu tư và năng lực của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ trong việc tận dụng các cơ hội thương mại mà nền kinh tế số mang lại.

Ông Konstantin Matthies đưa ra bốn bài học chính sách có thể giúp Việt Nam trở thành quốc gia số, bao gồm: Áp dụng cách tiếp cận tập trung vào kỹ năng nhằm đào tạo nhân tài; tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các công ty đa quốc gia; tiếp cận việc xây dựng một hệ thống thuế quan ổn định và bình đẳng; tránh những cạm bẫy trong quy định quản lý thương mại số.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, để nắm bắt được cơ hội mà nền kinh tế số mang lại, Việt Nam phải sớm cải thiện nhiều các chỉ số nêu trên, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế số phát triển. Theo đó, cần dịch chuyển từ tư duy về nghề nghiệp sang tư duy về kỹ năng để cải thiện sự linh hoạt của lực lượng lao động.

“Cần tận dụng các công ty đa quốc gia như những nhà định hướng giúp tăng cường đầu tư và vốn tài chính cho khởi nghiệp. Đặc biệt, phải bảo đảm tính thống nhất của các chính sách thuế, bởi, điều này được đánh giá quan trọng hơn mức thuế”, TS. Cung nhấn mạnh.

Không thể trước một vấn đề mới lại áp đặt cách tư duy truyền thống, lấy quy định truyền thống áp vào và nói chúng ta chưa có quy đinh và chưa có quy định thì đó đang là cản trở đối với phát triển kinh tế nói chung.

“Đặc biệt lâu nay chúng ta khuyến khích sáng tạo thì trong nền kinh tế số phải sáng tạo nhiều hơn, chấp nhận sản phẩm mới, công nghệ mới, cách làm mới để chúng ta là quốc gia đi đầu trong việc đổi mới”, ông Cung tâm huyết.

Riêng về nguồn nhân lực, ông Konstantin Matthies chia sẻ thêm một vấn đề, đó là nhiều nhà lập trình tốt ở Việt Nam có thể nhận được lời mời hoặc cơ hội làm việc tại các quốc gia khác. Chính vì vậy, Chính phủ nên đặt nhiều nỗ lực vào việc tạo ra các cơ hội và sự khích lệ tại sân nhà để giữ chân những tài năng này.

“Các nhà hoạch định chính sách nên cố gắng đảm bảo một môi trường pháp lý an toàn và thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, các nhà đầu tư và nhân lực của các doanh nghiệp này”, ông Konstantin Matthies chỉ rõ./.