Đổi mới trong lập kế hoạch điều hành, đảm bảo vận hành cung ứng điện

Liên quan vấn đề cung ứng điện, trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với vai trò là bộ quản lý ngành, Bộ Công Thương vẫn giữ vai trò, trách nhiệm chính trong việc điều hành giá điện; trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện, cũng như tham mưu Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá điện.

Ông Tân cho rằng, để xảy ra tình trạng thiếu điện, tiết giảm phụ tải điện tại một số địa phương trong tháng 6 năm ngoái là việc đáng tiếc. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tâm và có nhiều chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024, không để xảy ra tình trạng tương tự trong năm nay. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương trực tiếp giám sát, tham gia vào việc điều hành, cùng với EVN đảm bảo vận hành cung ứng điện, không để xảy ra thiếu điện. Cùng với đó, có sự đổi mới trong lập kế hoạch, điều hành, đảm bảo nhiên, nguyên liệu trong vận hành hệ thống điện. Trên cơ sở Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã chủ động ban hành kế hoạch cung ứng điện, đồng thời đảm bảo các nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là khí, than để phục vụ cho các nguồn điện.

Nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024 và các năm tới
Bộ Công thương tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2024

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành riêng kế hoạch cung ứng điện cho các tháng mùa khô. Đặc biệt, với riêng kế hoạch từ tháng 4 đến tháng 7, trên cơ sở đó rà soát hàng tháng, hàng quý và có báo cáo để điều chỉnh kịp thời. "Bộ Công Thương sẽ cùng EVN và các đơn vị liên quan đề ra nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện. Chúng tôi tin tưởng và khẳng định, năm 2024 sẽ không thiếu điện và sẽ cố gắng đảm bảo đủ điện trong những năm tiếp theo" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Đề cập các giải pháp cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu cho biết, dự báo nhu cầu sử dụng điện năm 2024 tiếp tục tăng trưởng cao so với năm 2023, ngay từ cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3110/QĐ-BCT về việc Phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định 3376/QĐ-BCT về việc phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024 với phương án là phụ tải tăng 9,6% để dự phòng cho vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm mùa hè. Thực tế cho thấy, tính đến hết tháng 3/2024, phụ tải tăng trưởng khoảng 11.5%. Để đảm bảo cung ứng điện từ cuối năm 2023, theo ông Hữu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng và quán triệt tuyệt đối trong công tác vận hành nhằm đảm bảo cao nhất việc cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024 và các năm tới
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, Bộ Công Thương sẽ cùng EVN và các đơn vị liên quan có nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện, không để xảy ra tình trạng thiếu điện

Theo đó, tập trung các nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các công trình lưới điện, nguồn điện để giải toả nguồn điện cũng như tăng cường khả năng truyền tải; đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là than và khí; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các quy định ngành điện, khắc phục nhanh chóng những sự cố xảy ra, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng đảm bảo vận hành hệ thống; điều tiết hợp lý các nhà máy thuỷ điện đảm bảo dự phòng công suất điện năng trong cao điểm mùa khô; đồng thời tăng cường công tác rà soát các đường dây truyền tải 500kV, 200kV, kiểm tra khắc phục các khiếm khuyết nếu có, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố; tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, ngay trong tháng 2, tháng 3 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị cục, vụ liên quan của Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn làm việc với các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối, qua đó, rà soát đảm bảo tình hình cung ứng điện cả năm, đặc biệt là mùa khô năm 2024.

Điều chỉnh giá điện theo lộ trình để giảm tác động tới người dùng điện

Liên quan đến việc Quyết định 05/2024/QĐ-TTg mới được ban hành cho phép EVN rút ngắn thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng có thể khiến cho giá điện liên tục tăng, ông Hữu cho biết "Quyết định 05/2024/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg vừa mới ban hành có tính kế thừa và chỉ điều chỉnh một số nội dung mới cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ về thị trường năng lượng nói chung và thị trường điện nói riêng, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định, việc ban hành quy định không có nghĩa cứ 3 tháng giá điện sẽ được thay đổi một lần. Việc tăng giá điện hay không còn phụ thuộc kết quả đánh giá tác động với kinh tế vĩ mô, cũng như kết quả cập nhập tính toán các yếu tố tác động đến giá điện đã đủ đến mức xem xét điều chỉnh hay chưa. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện phải theo lộ trình để giảm tác động với kinh tế vĩ mô và người dùng điện. “Cần điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ tối thiểu điều chỉnh giá điện để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN; bên cạnh đó cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường. Nội dung đề xuất này cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng", ông Nguyễn Thế Hữu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hữu, để đảm bảo sự công bằng, trong Quyết định số 25 và cả Quyết định 05/2024/QĐ-TTg đều giữ vai trò của Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong điều hành giá điện. Với vai trò Bộ quản lý ngành, Bộ Công Thương giữ vai trò rà soát, kiểm tra các chi phí của EVN trong việc tính toán giá điện, cũng như trong tham mưu cho Thủ tướng về điều chỉnh giá điện. “Hàng năm Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan có kiểm toán và công bố công khai chi phí giá điện đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp được giám sát”, ông Hữu nói.

Quy hoạch điện VIII chậm trễ do còn nhiều vướng mắc

Thông tin về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Căn cứ Điều 45 Luật Quy hoạch, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024 và các năm tới
Quy hoạch điện VIII chậm trễ do còn nhiều vướng mắc

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII hiện đang là tâm điểm trông mong rất nhiều của các chủ đầu tư, tuy nhiên vẫn có sự chậm trễ vì còn nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc. Về việc này, ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh mong nhà đầu tư thông cảm, vì có nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc. "Quy hoạch này được nhiều cấp ngành trong ngoài nước quan tâm, có nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhằm có kế hoạch tổng thể, có tính khả thi, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội", ông Hùng lý giải nguyên nhân chậm trễ.

Ông Hùng cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện quy hoạch này với 6 lần trình Chính phủ. Chính phủ cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, trong đó gần đây có 2 cuộc họp ngày 29/02/2024 và 25/03/2024 đánh giá Quy hoạch điện VIII là nội dung khó, được nhiều cấp ngành trong ngoài nước quan tâm, có nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhằm có kế hoạch tổng thể, có tính khả thi, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình xây dựng, mặc dù Bộ Công Thương đã rất nỗ lực, cố gắng hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo đúng tiến độ, các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ. Song, trong quá trình thực hiện có 17 địa phương gửi danh mục đề xuất các dự án về năng lượng tái tạo bị chậm nhiều so với thời gian yêu cầu của Chính phủ, do đó, trong lần phê duyệt lần 1, Bộ Công Thương tạm thời chưa rà soát, tổng hợp nội dung danh mục dự án của các địa phương này.

Sau khi tiến hành rà soát tính pháp lý, tiêu chí các dự án do địa phương cung cấp, Bộ Công Thương đã hoàn thiện danh mục và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy mô công suất nguồn điện năng lượng tái tạo được phân bổ. Đối với những địa phương chưa hoàn thành danh mục, ông Hùng cho biết, Bộ đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng triển khai, khẩn trương hoàn thiện để Bộ Công Thương thẩm tra, đánh giá tính pháp lý để trình lên Thủ tướng Chính phủ trong lần trình tiếp theo./.