Nhìn lại CPI năm 2017, dự báo và những giải pháp kiểm soát cho năm 2018
2017 - Năm kiểm soát lạm phát thành công
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2017 tăng 0,21% so với tháng trước. CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so với tháng 12/2016, bình quân mỗi tháng tăng 0,21%.
Biểu đồ: Diễn biến CPI 12 tháng năm 2017
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nhìn lại diễn biến CPI năm 2017 (Biểu đồ), có thể thấy nổi lên một số điểm đáng chú ý như sau:
- CPI quý I có chiều hướng gia tăng. Đến quý II, CPI có xu hướng giảm. Quý III, CPI có chiều hướng gia tăng cao nhất trong năm 2017. Quý IV, CPI vẫn tiếp tục tăng, song mức độ tăng thấp hơn quý III.
Diễn biến CPI trong năm cho thấy, tháng 05/2017, CPI là tháng có chỉ số thấp nhất trong năm (giảm 0,53% so với tháng trước). Bởi, có 7/11 nhóm nhóm mặt hàng tăng giá không đáng kể, nhưng có tới 4 nhóm mặt hàng giảm giá mạnh.
Nguyên nhân làm giảm CPI tháng 05/2017 là chỉ số giá nhóm lương thực giảm 0,06% do các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, cùng với tình hình xuất khẩu lúa gạo giảm, nên giá một số loại gạo giảm kéo theo chỉ số nhóm lương thực giảm so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 2,27% (nhóm hàng có tỷ trọng cao nhất trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống), làm chỉ số CPI chung giảm khoảng 0,51%, chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống. Giá xăng giảm 520 đồng/lít, dầu diesel giảm 550 đồng/lít vào các ngày 05/05/2017 và ngày 20/05/2017, dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,71% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,03%. Đây cũng là mức CPI thấp nhất trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Bình quân 05 tháng, lạm phát cơ bản là 1,56%, thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%.
Tháng 08/2017, CPI tăng cao nhất 0,92% so với tháng trước đó. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá, đó là: thuốc và dịch vụ y tế, đây cũng là nhóm tăng cao nhất với 2,86%, chỉ có một nhóm giảm là bưu chính viễn thông với mức giảm 0,04%. Chỉ số CPI tháng 08/2017 có mức tăng khá cao do một số nguyên nhân, như: chỉ số giá nhóm thực phẩm tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng mưa bão; giá trứng các loại tăng 2,59% do nhu cầu nguyên liệu tăng để chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp Tết Trung thu.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét cũng làm cho giá rau xanh tăng 3,89% so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 1,64%, góp phần tăng chỉ số CPI khoảng 0,37%. Ngoài ra, giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 04/08 và ngày 19/08, giá xăng tăng 1.110 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 470 đồng/lít làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,13%. Từ ngày 01/08/2017, giá gas trong nước cũng điều chỉnh tăng 27.000 đồng/bình 12 kg, tăng 8,91% so với tháng 07/2017 do giá gas thế giới tăng 85 USD/tấn lên mức 440 USD/tấn.
Đối với nhóm dịch vụ y tế là nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, nguyên nhân là do giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tăng theo quyết định của UBND 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02/2017/TT-BYT, ngày 15/03/2017 của Bộ Y tế, nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,72% khiến cho CPI tăng khoảng 0,14%. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
- Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 12/2017 tăng 1,29% so với cùng kỳ; năm 2017 so năm 2016 tăng 1,41%. Bình quân năm 2017, lạm phát cơ bản là 1,41% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8% cho thấy, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định. Điều đó chứng tỏ tác động của yếu tố tiền tệ đối với lạm phát không nhiều.
- CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016, CPI tháng 12/2017 so với tháng 12/2016 tăng 2,6%. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2017.
Bình quân năm 2017 so với năm 2016, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
- Cơ hội do CPI tăng thấp dưới mục tiêu của Quốc hội có nhiều, nhưng có thể nhận diện trên một số mặt đáng lưu ý như sau: Lạm phát thấp có điều kiện tập trung hơn cho tăng trưởng. Một khi CPI tăng thấp có điều kiện hạ lãi suất cho vay, vừa để tạo điều kiện cho việc vay vốn khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đứng vững trên thị trường, vừa giảm chi phí, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Đây cũng là thời cơ để tăng trưởng tốc độ tín dụng. Ngoài ra, khi CPI, tỷ giá VND/USD tăng thấp, nguồn ngoại tệ còn tồn đọng lớn trong dân, Ngân hàng Nhà nước có thể đẩy mạnh việc mua ngoại tệ, cũng như sự chuyển hóa từ nội tệ sang ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân. Như vậy, năm 2017 kiểm soát lạm phát đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra dư địa quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
- Không chỉ đảm bảo mục tiêu Quốc hội đặt ra, mà Chính phủ còn thực hiện thêm được một bước là chuyển các loại phí dịch vụ công theo tín hiệu của thị trường gắn với quá trình đổi mới cơ chế tài chính, biên chế và tổ chức nhân sự của các đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2017 đã nối tiếp thành công của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát, đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao là kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là thành quả đáng được ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều thách thức, biến động.
Nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân của CPI năm 2017 tăng thấp là sự cộng hưởng của cả các yếu tố khách quan và chủ quan. Cụ thể như sau:
- Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được thiết lập vững chắc, môi trường kinh doanh được cải thiện với sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế. Nền tảng tài chính được củng cố, hỗ trợ cho tăng trưởng với việc cơ cấu thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần phụ thuộc vào khu vực ngân hàng, cung ứng vốn từ thị trường vốn gia tăng.
Về cân đối ngân sách, bội chi so với GDP năm 2017 ở mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Cơ cấu thu - chi cải thiện tích cực hơn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngân sách. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước chiếm 81,5%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (68%), dần tiến tới mục tiêu giai đoạn 2016-2020 (84%-85%). Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn kế hoạch do các khoản thu chính đều vượt và bằng dự toán. Nợ công so với GDP dự kiến giảm còn 62,6% so với cuối năm 2016 là 63,6%, do tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với các giải pháp đồng bộ về cơ cấu lại ngân sách, nợ công của Chính phủ. Theo đó, dư nợ và áp lực trả lãi của Chính phủ có xu hướng giảm.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô với các kỷ lục mới, như: kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt mức 400 tỷ USD, xuất siêu 2,7 tỷ USD; kỷ lục về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân vốn đầu tư, chỉ số thành lập doanh nghiệp (có hơn 120.000 doanh nghiệp thành lập mới); thu hút gần 13 triệu khách du lịch. Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tốt với động lực dẫn dắt là công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc; chất lượng tăng trưởng có dấu hiệu cải thiện…
- Chính phủ đã điều hành giá linh hoạt, bám sát tình hình, diễn biến của thị trường, đi đúng lộ trình đặt ra, không để xảy ra hiện tượng tăng giá quá cao vào một thời điểm, cung - cầu hàng hóa được đảm bảo. Bên cạnh đó, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, thương mại đã góp phần bổ trợ cho công tác điều hành giá, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
- Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã có sự phối hợp chặt chẽ, dự báo và đưa ra các kịch bản điều hành, kiến nghị các giải pháp phù hợp để thảo luận, tham vấn tới Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ trong điều hành lạm phát đã rất coi trọng bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cho nền kinh tế.
- Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm cập nhật thông tin giá cả trên địa bàn, cập nhật thường xuyên thông tin thị trường và kiên trì điều hành giá theo tín hiệu thị trường là những nhân tố để thực hiện kiểm soát lạm phát trong năm 2017.
Dự báo CPI năm 2018
Với những nền tảng tích cực của năm 2017, triển vọng CPI năm 2018 tiếp tục được dự báo là vẫn kiểm soát được ở mức như mục tiêu đề ra. Theo đó, trong năm 2018, giá cả thị trường hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới dự báo sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, đáng chú ý là dịch bệnh đối với vật nuôi luôn có nguy cơ xảy ra, gây ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm. Thời tiết, khí hậu vẫn là yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và nguồn cung nông sản trên thị trường. Ngoài ra, triển vọng tăng giá của nhóm hàng nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới giá xăng bán lẻ trong nước.
Giữ lạm phát ở mức 4% cũng là một thách thức không nhỏ, khi các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năm 2017, như: đẩy nhanh đầu tư, nới tăng trưởng dư nợ tín dụng… có thể tác động trễ tới diễn biến CPI trong năm 2018.
Lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công và giá thực phẩm. Giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020, nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể, tương đương năm 2017, khoảng 2-2,5 điểm %. Trong khi đó, giá thực phẩm thịt lợn 2017 giảm chủ yếu do dư cung. Do vậy, nhiều khả năng, năm 2018 giá thực phẩm sẽ phục hồi khi nguồn cung thịt lợn giảm do ngành chăn nuôi có những điều chỉnh tác động không nhỏ đến lạm phát năm 2018.
Tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát từ năm 2017 sang năm 2018 không lớn, do hệ số thâm dụng tín dụng trong năm 2017 ước đạt 2,04 lần, giảm so với mức 2,81 lần của năm 2016. Giá hàng hóa thế giới sẽ không gây áp lực nhiều lên lạm phát, do dự báo ít biến động trong năm 2018 và giá dầu được dự báo chỉ tăng nhẹ 6% so với mức tăng 24% của năm 2017.
Giả thiết tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,5%-6,8%. Theo đó, 6,5% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát, tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018. Bên cạnh đó, nếu các chính sách cải thiện cung phát huy tác dụng, thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn.
Dựa vào những nhân tố nêu trên, lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp, khoảng 4% trong các năm 2018 và năm 2019.
Căn cứ vào các yếu tố vĩ mô, tình hình chính trị, kinh tế trong nước và quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước là: Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra dự báo chỉ số CPI trong năm 2018 đều ở mức dưới 4%. Từ các dự báo đó, ngày 27/12/2017, tại phiên họp năm đánh giá về công tác điều hành giá năm 2017, đề ra phương hướng, kịch bản và giải pháp kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cũng tin tưởng hoàn hoàn đủ khả năng kiểm soát lạm phát năm 2018 trong mức Quốc hội giao dưới 4%.
Một số đề xuất
Để thực hiện được mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%/năm trong năm 2018 như Nghị quyết của Quốc hội đề ra, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.
Hai là, điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung - cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính.
Trong đó, cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn, mặt hàng kê khai giá... Tất cả những mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước định giá, trong năm 2018 cần điều chỉnh cho phù hợp theo từng thời điểm, tránh hiện tượng đưa vào thời điểm cao độ, dẫn đến phản ứng dây chuyền. Đồng thời, phải theo dõi sát sao thị trường, không để xảy ra biến động
Ba là, chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, bám sát các diễn biến thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính vẫn cần là ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nỗ lực neo giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp hợp lý, nhằm giảm rủi ro và bất định cho nền kinh tế. Đồng thời, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và từng bước phấn đấu giảm hơn nữa lãi suất khi có điều kiện thích hợp. Không bơm tiền ra thị trường ồ ạt dẫn đến tình trạng không hấp thụ được, nếu phát triển kinh tế dựa trên tăng trưởng tín dụng rất rủi ro về nợ xấu. Ngoài ra, khi cung cấp nguồn vốn phải cân nhắc khả năng hấp thụ của doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả; hơn nữa, không điều chỉnh tỷ giá đột ngột, gây sốc cho thị trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là tín dụng cho vay thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Trên thị trường ngoại hối, có một thuận lợi là hiện trạng thái ngoại tệ khá tốt, nên Ngân hàng Nhà nước đã tăng mua ngoại tệ trong năm vừa qua, đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng theo sát thị trường trong nước để sẵn sàng can thiệp kịp thời những tác động của hoạt động mua ngoại tệ thông qua các công cụ tiền tệ và thị trường mở (OMO).
Bốn là, phải có chính sách tài khóa thắt chặt. Phải sử dụng nguồn ngân sách một cách hợp lý nhất. Chính sách tài chính cũng vô cùng quan trọng, tác động tới kiểm soát lạm phát. Với chính sách tài khóa chặt chẽ được thực thi một cách có hiệu quả, cũng như kiểm soát việc chi tiêu của nguồn ngân sách một cách hợp lý, thì chắc chắn mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 là 4% có thể khả thi.
Năm là, trước những áp lực lên lạm phát, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cần chủ động và phối hợp chặt chẽ trong đánh giá tình hình giá cả, xây dựng các phương án điều hành giá (giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện, giá nước sinh hoạt), lãi suất và tỷ giá để chủ động kiểm soát lạm phát. Trước khi điều chỉnh giá của các loại hàng hóa và dịch vụ kể trên cần tính toán, thống nhất và báo cáo Chính phủ.
Sáu là, tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nhanh chóng sửa đổi, ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng giảm lãi suất, giảm chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bảy là, ở Việt Nam hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có hơn, mức thu nhập bình quân của người dân tăng... Do đó, thúc đẩy khả năng mua sắm, tiêu dùng nội địa tăng theo là giải pháp nên được tính đến. Dự báo trong năm 2018 và những năm tới, xu hướng này vẫn tiếp tục tăng, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nội địa./.
Tài liệu tham khảo
Tổng cục Thống kê (2017). Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, ngày 27/12/2017
Bình luận