Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 16-22/11
Hy Lạp đạt thỏa thuận với chủ nợ để nhận 12 tỷ Euro giải ngân
Ngày 17/11, Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế giúp "mở khóa" đợt giải ngân tiếp theo trị giá 12 tỷ Euro trong gói cứu trợ trị giá 86 tỷ Euro (khoảng 93 tỷ USD) được ký hồi tháng Bảy vừa qua.
Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos thông báo ngày 17/11, sau khi kết thúc các cuộc đàm phán nước rút với các chủ nợ quốc tế.
Ông Tsakalotos cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận cho phép giải ngân 12,8 tỷ USD vào ngày 20/11 tới, đổi lại Hy Lạp sẽ phải thực hiện thêm 48 biện pháp cải cách nữa; trong đó có việc đẩy nhanh việc xử lý các khoản vay thế chấp mua nhà bằng cách tịch biên tài sản, một biện pháp hà khắc mà Chính phủ Hy Lạp trước đó khá lưỡng lự nhằm bảo vệ các hộ gia đình có điều kiện khó khăn.
Trung Quốc phá vỡ quỹ tín dụng đen trị giá hơn 64 tỷ USD
Tân Hoa xã ngày 19/11 đưa tin công an Trung Quốc đã triệt phá một "hệ thống ngân hàng ngầm" (hay còn gọi là quỹ tín dụng đen) lớn nhất nước này liên quan tới các giao dịch với tổng trị giá lên tới 410 tỷ Nhân dân tệ (64,24 tỷ USD). Đây là một phần trong chiến dịch chống nạn rửa tiền tại nước này.
Công an tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, đã bắt giữ khoảng 100 kẻ tình nghi thuộc 8 băng nhóm tín dụng đen kể từ khi tiến hành cuộc điều tra hồi tháng 9/2014.
Các băng nhóm này có liên quan tới một "ông trùm" điều hành hàng chục công ty tại Hong Kong (Trung Quốc) có liên quan tới các giao dịch ngoại tệ trái phép và rửa tiền.
Nga cấm nhập khẩu thực phẩm của Ukraine từ năm 2016
Reuters đưa tin ngày 18/11, hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết Chính phủ nước này đã quyết định áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Ukraine, bắt đầu từ ngày 1/1/2016.
Quyết định trên được đưa ra là do Ukraine tham gia vào các biện pháp trừng phạt của Phương Tây nhằm vào Moskva.
Hồi tháng 8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moskva sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm Ukraine từ năm 2016 nếu thỏa thuận liên kết kinh tế giữa Kiev và Liên minh châu Âu có hiệu lực.
BRICS kêu gọi G20 hợp tác để giảm rủi ro với kinh tế toàn cầu
Mới đây, các lãnh đạo Nhóm các nền kinh kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) - gồm Brazil (Brazil), Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã nhóm họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ và nhận định rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn chưa bền vững.
Các lãnh đạo của BRICS cho rằng cần phải có sự tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô giữa các thành viên G20 để tránh những tác động tiêu cực và giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng vững mạnh.
Nhóm BRICS đã kêu gọi Nhóm các quốc gia phát triển và đang phát triển hàng đầu thế giới (G20) tăng cường hợp tác trong các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm ngăn chặn những tác động xấu của kinh tế toàn cầu và hạ giảm những rủi ro đối với quá trình tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có BRICS. /.
Bình luận