Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 24-30/7
EU viện trợ khẩn cấp 209 triệu Euro cho Hy Lạp trợ giúp người tị nạn
Ngày 27/7, Ủy ban châu Âu (EC) công bố khoản viện trợ khẩn cấp mới trị giá 209 triệu Euro (tương đương 245 triệu USD) cho Hy Lạp để trợ giúp cho khoảng 10.000 người tị nạn đang bị mắc kẹt ở nước này.
Tính đến hiện tại, khoản ngân sách trên đã đưa tổng số tiền EU viện trợ khẩn cấp cho Hy Lạp lên gấp đôi là 401 triệu Euro. Theo đó, 151 triệu Euro sẽ được dùng để giúp các gia đình người tị nạn thuê 22.000 căn hộ tại các thành phố, thị trấn ở đất liền và khoảng 2.000 căn hộ trên các hòn đảo của Hy Lạp.
Với kế hoạch này, từ nay tới cuối năm, số người tị nạn tại Hy Lạp sinh sống trong các căn hộ cho thuê sẽ lên tới hơn 30.000 người.
Ngoài ra, một phần của gói viện trợ trên trị giá 57,6 triệu Euro sẽ dành để cung cấp cho những người tị nạn một khoản tiền định kỳ hàng tháng thông qua thẻ ATM, nhằm giúp họ chi trả những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, thuốc men và phương tiện giao thông công cộng.
Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/7 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,0-1,25%, đồng thời cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình lạm phát.
Tuyên bố kết luận sau 2 ngày họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của Fed, được đánh giá là không có nhiều khác biệt so với bản tuyên bố hồi tháng Sáu khi Fed quyết định tăng lãi suất. Fed cho biết tỷ lệ lạm phát của Mỹ hiện vẫn đang ở dưới mức mục tiêu 2% do yếu tố giảm giá ngắn hạn tác động.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng xác nhận kế hoạch giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại chứng khoán được đảm bảo bằng nợ bất động sản. Fed dự định sẽ tăng dần mức trái phiếu bán ra mỗi tháng nhằm đảm bảo thị trường có thời gian điều chỉnh và thích nghi.
Chính phủ Hàn Quốc nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế
Ngày 25/7, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này thêm 0,4% lên mức 3%, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này đang gia tăng các hoạt động xuất khẩu nhờ sự phục hồi chung của nền kinh tế toàn cầu.
Cùng với quyết định tăng dự báo tăng trưởng kinh tế, thông báo của Bộ Chiến lược và Tài chính nước này cũng cho biết năm 2018, mặc dù đầu tư sẽ giảm nhưng nền kinh tế Hàn Quốc vẫn có thể tăng trưởng 3% do thị trường việc làm, phúc lợi xã hội được mở rộng và thu nhập gia tăng sau khi khoản ngân sách bổ sung trị giá 11.000 tỷ Won (khoảng 9,87 tỷ USD) được thông qua và thực hiện.
Như vậy, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay và năm tới tăng nhẹ so với mức tăng trưởng 2,8% được ghi nhận trong các năm 2015 và 2016, nhưng thấp hơn mức 3,3% của năm 2014.
Để đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc tuyên bố sẽ điều hành để tốc độ tăng của việc chi tiêu tài khóa trở nên nhanh hơn tốc độ tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm tới.
IMF kêu gọi các quốc gia nói không với chủ nghĩa bảo hộ
IMF cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới cần phải "bằng mọi giá" tránh sử dụng các chính sách bảo hộ do những chính sách này sẽ gây thiệt hại cho từng quốc gia nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Trong báo cáo công bố ngày 28/7, IMF nêu rõ Tổng thống Donald Trump không ngừng chỉ trích thương mại đang gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ và đe dọa áp đặt những "rào cản" đối với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia IMF khuyến cáo các chính phủ không nên triển khai những chính sách như vậy.
IMF kêu gọi các nước có thâm hụt thương mại quá mức nên thúc đẩy củng cố chính sách tài chính và dần bình thường hóa chính sách tiền tệ với ngăn chặn lạm phát. Đối với các nền kinh tế dư thừa thặng dư, IMF yêu cầu giảm sự phụ thuộc vào chính sách tiền tệ dễ dãi và đẩy mạnh kích thích tài chính.
Ngoài ra, IMF nhấn mạnh, các nền kinh tế phải tránh thực hiện các chính sách bảo hộ, những chính sách gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.
Bình luận