Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 30/11-6/12
ECB công bố gói kích thích kinh tế mới cho khu vực Eurozone
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 3/12 đã công bố gói kích thích kinh tế mới cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), theo đó sẽ điều chỉnh chính sách lãi suất và đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng định lượng.
Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, cơ quan này quyết định cắt giảm lãi suất đối với các phương tiện tiền gửi từ mức -0,20% hiện nay xuống -0,30%, trong khi lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn và lãi suất cho các phương tiện vay giới hạn vẫn được giữ nguyên ở các mức tương ứng hiện nay là 0,05% và 0,30%.
Ông Draghi cũng thông báo ECB đã quyết định kéo dài chương trình mua tài sản (APP) trị giá 60 tỷ Euro/tháng cho tới cuối tháng 3/2017, thậm chí sẽ được tiếp tục sau thời hạn này nhằm giúp ổn định nền kinh tế và duy trì lạm phát ở ngưỡng mục tiêu dưới 2%.
Các nước đang phát triển châu Á “cán đích” tăng trưởng
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 3/12 công bố báo cáo cho biết các nước đang phát triển ở châu Á đang hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm nay và 6% trong năm 2016, bất chấp những tác động tiêu cực từ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Chuyên gia kinh tế Shang-jin Wei thuộc ADB cho hay mặc dù một số nền kinh tế có thể đối mặt với tăng trưởng đi xuống, song nhìn chung triển vọng kinh tế của các nước này vẫn sẽ ổn định do được hỗ trợ bởi sức tiêu dùng mạnh tại thị trường Trung Quốc và xu hướng mở rộng sản xuất của Ấn Độ và các quốc gia khác.
Thủ tướng Nga phê chuẩn các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 1/12 đã ký một chỉ thị chính phủ phê chuẩn một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ Ankara bắn hạ một máy bay chiến đấu của Moskva.
Chỉ thị trên, được công bố trên trang web chính thức của chính phủ Nga, bao gồm một danh sách những sản phẩm nông nghiệp mà Nga sẽ không nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 1/1/2016, trong đó có các loại rau và qủa như cà chua, hành, nho và táo cũng như các sản phẩm từ gà.
Tuy nhiên trong bản danh sách không có chanh và các loại quả hạch, vốn là những mặt hàng mà Nga nhập khẩu với số lượng lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe thiệt hại 11 tỷ USD do thiên tai
Tổ chức Lương - Nông của Liên hợp quốc (FAO) ngày 3/12 cho biết những thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra đối với các vụ mùa và vật nuôi ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong thời gian từ năm 2003 đến 2013 đã lên tới 11 tỷ USD.
Theo FAO, trong thời gian trên, tổng cộng có 37 thảm họa thiên nhiên tác động đến 19 quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe, gây thiệt hại cho những nước này tới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó hơn một nửa mức thiệt hại là do lũ lụt gây ra, 30% là do hạn hán và số còn lại là do các cơn bão gây ra.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất về sản lượng nông nghiệp do thiên tai. Tiếp đó là Colombia bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt vào các năm 2007, 2010 và 2011, Mexico chịu ảnh hưởng do cơn bão Emily và nạn hạn hán hồi năm 2011 và Paraguay chịu tác động mạnh của hạn hán vào các năm 2011 và 2012./.
Bình luận