Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 6-11/2
Singapore đưa ra 7 chiến lược thúc đẩy phát triển nền kinh tế
Ngày 9/2, Ủy ban Kinh tế tương lai của Singapore đã công bố một báo cáo bao gồm 7 chiến lược thúc đẩy nền kinh tế nước này tiếp tục tiến lên phía trước.
7 chiến lược mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Đào sâu và đa dạng hóa các kết nối quốc tế nhằm tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới; Hình thành các kỹ năng chuyên sâu cho người lao động; Tăng cường năng lực doanh nghiệp để đổi mới và mở rộng quy mô; Tạo lập một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ; Xây dựng một thành phố sôi động và kết nối các cơ hội; Chuyển đổi cơ cấu thúc đẩy các ngành công nghiệp; Xây dựng các quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển và đổi mới.
Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế tương lai khuyến nghị chính phủ cần thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư tận dụng việc giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan thông qua các sáng kiến như Cộng đồng kinh tế ASEAN hay các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực; thành lập một Liên minh Đổi mới toàn cầu để tạo sự gắn kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy sự đổi mới.
Trung Quốc thắt chặt quản lý các sàn giao dịch bitcoin
Trong một động thái nhằm thắt chặt quản lý đồng tiền ảo bitcoin, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 9/2 đã có cuộc họp với các nhà quản lý 9 sàn giao dịch bitcoin tại Bắc Kinh.
Tại cuộc họp, PBoC cảnh báo các công ty này không được tham gia các giao dịch ký quỹ, rửa tiền hay vi phạm các quy định về tỷ giá hối đoái, thuế và quảng cáo. Đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn tình trạng "chảy máu" vốn và giảm sức ép lên đồng Nhân dân tệ.
Trung Quốc đang nỗ lực quản lý các sàn giao dịch bitcoin
Một số ý kiến cho rằng, đồng bitcoin tăng giá đã trở thành lựa chọn hấp dẫn giúp những người Trung Quốc hiểu biết công nghệ "lảng tránh" đồng Nhân dân tệ đang yếu và "lách" quy định hạn mức ngoại tệ 50.000 USD mà các cá nhân có thể mua mỗi năm, từ đó đã đẩy nhu cầu mua bitcoin của nhà đầu tư Trung Quốc lên cao trong những tháng gần đây.
Việc PBoC thắt chặt quản lý các sàn giao dịch bitcoin được cho là sẽ có những ảnh hưởng lớn trên thị trường thế giới, do ba sàn giao dịch lớn nhất Trung Quốc (gồm BTC China, Okcoin và Huabi) chiếm tới 98,4% tổng khối lượng giao dịch bitcoin toàn cầu.
Tổng thống Venezuela hối thúc các nước tăng hỗ trợ giá dầu
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang kêu gọi các thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhóm họp để đi đến một thỏa thuận về việc làm thế nào để bảo vệ giá dầu.
Mặc dù các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ gần đây đã nhất trí một kế hoạch cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu, song ông Maduro vẫn mong muốn một cách tiếp cận mang tính dài hạn hơn.
Nền kinh tế Venezuela phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, vốn đã giảm mạnh kể từ khi giá dầu lao dầu hồi năm 2014.
Canada thâm hụt thương mại gần 20 tỷ USD trong năm 2016
Cơ quan Thống kê Canada ngày 7/2 công bố số liệu cho thấy, nước này đạt thặng dư thương mại 923 triệu CAD (700 triệu USD) trong tháng 12/2016, nhờ xuất khẩu gia tăng khi giá năng lượng cao. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 12/2016 tăng nhẹ lên mức cao kỷ lục 46,4 tỷ CAD (35,3 tỷ USD), trong bối cảnh giá các mặt hàng khí đốt tự nhiên tăng do thời tiết mùa Đông lạnh hơn.
Tuy nhiên, trong cả năm 2016, thâm hụt thương mại của Canada vẫn lên tới 26,1 tỷ CAD (19,8 tỷ USD), cao hơn đáng kể so với con số thâm hụt 23 tỷ CAD (17,5 tỷ USD) của năm 2015.
Nguyên nhân là do nước này nhập khẩu nhiều máy bay và máy móc công nghiệp, dẫn đến giá trị nhập khẩu nói chung tăng. Nhập khẩu vàng chưa chế tác của Canada cũng tăng, trong khi đó nhập khẩu dầu thô giảm./.
Bình luận