Tăng biên độ tỷ giá thêm 1%

Hôm nay (12/8), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tiếp tục động thái phá giá đồng Nhân dân tệ (RMB) lần thứ hai liên tiếp. Theo đó, tỷ giá tham chiếu ngày 12/8 cho RMB ở mức thấp hơn 1,6% so với ngày hôm qua, với 6,3306 RMB đổi 1 USD.
Trước đó, ngày 11/8, PBoC gây “sốc” khi bất ngờ hạ 1,9% tỷ giá tham chiếu đồng RMB, mức giảm mạnh nhất trong hai thập niên.

Như vậy, cùng với việc giảm 1,9% trong ngày hôm qua, đồng RMB đã mất giá 3,5%. Động thái này của PBoC đã kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác sụt giảm.

Trước tình hình đó, hôm nay, NHNN đã ban hành Quyết định số 1595/QĐ-NHNN ngày 11/8/2015 quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép. Theo đó, điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%. Như vậy, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD hiện nay, thì tỷ giá trần là 22.106 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.

Theo lý giải của NHNN, từ đầu năm đến nay, diễn biến kinh tế thế giới đã xuất hiện nhiều yếu tố mang tính đột biến nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế lớn, như: (i) việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây một phần do quan hệ cung cầu nhưng chủ yếu vẫn do các yếu tố chính trị tạo ra;(ii) sự cộng hưởng của việc Fed dự kiến tăng lãi suất, sự suy thoái của kinh tế châu Âu và cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm cho đồng USD tăng giá cao hơn nhiều so với dự kiến của Fed. Trên cơ sở phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ tổng thể của kinh tế vĩ mô, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành để ổn định tỷ giá theo định hướng đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, với việc RMB được điều chỉnh giảm 1,9% trong ngày 11/8/2015, là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, thì việc điều chỉnh tỷ giá đồng RMB sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam.

Ngay từ đầu năm, NHNN đã đề ra định hướng điều hành tỷ giá tăng không quá 2%. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức điều chỉnh là 2% tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD (vào ngày 7/1) và lên mức 21.673 VND/USD (vào ngày 7/5) nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế.

Sau khi NHNN nâng biên độ tỷ giá USD/VND, giá bán USD tại các ngân hàng đã đồng loạt tăng lên trên mức 22.000 đồng/USD.

Cụ thể, giá bán USD tại Ngân hàng Vietcombank lúc 13h20 ở mức 22.090 VND/USD, giá mua vào ở mức 21.990 VND/USD. So với cuối ngày hôm qua, giá bán USD tăng 245 VND/USD, giá mua tăng 205 VND/USD.

Tại Ngân hàng Eximbank, giá bán USD thấp hơn Ngân hàng Vietcombank 10 VND/USD, ở mức 22.080 VND/USD, giá mua USD tiền mặt cũng thấp hơn 10 VND/USD, ở mức 21.980 VND/USD. Tại Ngân hàng ACB giá bán USD còn thấp hơn, ở mức 22.070 VND/USD.

Như vậy so với mức trần cho phép là 22.106 VND/USD, giá bán USD tại các ngân hàng vẫn đang thấp hơn 16-36 đồng/USD.

Các chuyên gia nhận xét gì?

Trao đổi với hãng tin Bloomberg, chuyên gia kinh tế Alan Phạm cho rằng: “Đây là một hành động chính sách rất kịp thời. Động thái ngày hôm nay sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam đã chịu áp lực lớn từ các thị trường Mỹ và EU”.

Đồng quan điểm dó,TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là quyết định kịp thời để đáp lại việc phá giá đồng RMB của Trung Quốc.

Phát biểu với báo giới, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá động thái của NHNN là quyết định hợp lý, tạo biên độ "mềm", để đảm bảo cạnh tranh và đảm bảo không bị nhập siêu hơn nữa. Ông Phong còn cho rằng, trước giờ NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng và cho biên độ là 1%. Còn hiện tại là giữ nguyên tỷ giá bình quân liên ngân hàng và cho biến động 2% thì cũng không khác gì việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 1% và cho biên độ 1%.

Việc NHNN phản ứng như vậy là chính xác, không nên can thiệp bình ổn tỷ giá vào lúc này bởi rất tốn kém mà không ích gì.

Còn theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hành động của NHNN là tích cực, chi phí mà NHNN phải gánh để can thiệp vào thị trường sẽ giảm đi. Trước đó khi thị trường tự do biến động, NHNN phải bán ra ngoại tệ can thiệp thị trường để giữ được tỷ giá trong biên độ ấn định. Hiện NHNN tăng biên độ sẽ làm hạ nhiệt thị trường tự do đồng thời cũng không cần phải can thiệp quá mạnh tay như trước.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng chỉ ra rằng hàng hóa nhập khẩu tính ra VND giá sẽ cao hơn, đi vào giỏ hàng hóa của cả nước có thể làm tăng lạm phát.

Ông Hiếu nhận định: "Việc tỷ giá tăng có tác động tiêu cực đến lạm phát và làm tăng nợ công". Ông cho biết thêm, nợ công bằng đồng ngoai tệ tính ra VND sẽ tăng đáng kể. Số nợ công đó sẽ tăng thực chứ không phải trên sổ sách và gây bất lợi cho Chính phủ./.