Tuyên bố chung thiếu Mỹ

Rạng sáng ngày 10/6 theo giờ Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada đã bế mạc và ra tuyên bố chung sau hai ngày làm việc (8-9/6).

Tuyên bố chung dài 8 trang của G7 khẳng định vai trò cốt yếu của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy định, nêu rõ sự cần thiết của một nền thương mại toàn cầu "tự do, công bằng và cùng có lợi", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hiện đại hóa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sớm nhất có thể và "nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ".

Về vấn đề hạt nhân Iran, các nhà lãnh đạo G7 cam kết đảm bảo Iran "sẽ không bao giờ tìm kiếm, phát triển hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân".

Về quan hệ với Nga, lãnh đạo các nước G7 kêu gọi Moskva chấm dứt cái gọi là "hành vi gây bất ổn" và việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuyên bố chung của G7 cũng đồng thời lên án "vụ tấn công sử dụng chất độc thần kinh cấp độ quân sự ở Salisbury, Anh", bày tỏ sự ủng hộ đối với "đánh giá của Anh rằng nhiều khả năng Nga phải chịu trách nhiệm đối với vụ tấn công" với lý do "không có cách giải thích hợp lý nào khác". Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí sẽ tiếp tục "can dự với Nga để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực và thách thức toàn cầu".

Một tuyên bố đáng chú ý khác là việc các nhà lãnh đạo G7 thừa nhận đã thất bại trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận với Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo các nước G7 thảo luận tại Canada

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ở khách sạn La Manoir Richelieu thuộc vùng Charlevoix, tỉnh Quebec, Thủ tướng nước chủ nhà Canada Justin Trudeau khẳng định, các nước G7 đã đạt được nhất trí về một tuyên bố chung "tham vọng" với "những cam kết mạnh mẽ về các hành động cần thực hiện”. Cũng theo Thủ tướng Trudeau, 5 trên 7 nước thành viên G7 đã đạt được nhất trí về nội dung giảm rác thải nhựa để thúc đẩy bảo vệ môi trường và các đại dương. Đây cũng là chủ đề được thảo luận tại phiên họp mở rộng của G7 với các nhà lãnh đạo của 11 nước khách mời, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, từ trên chuyên cơ Air Force One đang bay đến Singapore dự hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump thông báo rút khỏi tuyên bố chung của G7. Lý do mà người đứng đầu nước Mỹ đưa ra là “không hài lòng” với “tuyên bố sai trái” của Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau trong cuộc họp báo sau hội nghị.

Trong dòng trạng thải đăng tải trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Dựa trên những tuyên bố sai trái của Justin tại cuộc họp báo của ông ấy, và thực tế là Canada đang áp đặt hàng loạt loại thuế lên các nông dân, công nhân và doanh nghiệp của chúng tôi, tôi đã chỉ đạo các đại diện Mỹ không tán thành tuyên bố chung".

Trong một thông điệp thứ hai đăng tải trên Twitter, ông Trump giải thích thêm: "Thủ tướng Justin Trudeau của Canada cư xử rất nhẹ nhàng và lịch thiệp trong cuộc gặp G7 giữa chúng tôi, để rồi tại một cuộc họp báo sau khi tôi rời đi đã tuyên bố rằng, 'các mức thuế suất của Mỹ là xúc phạm' và ông ấy 'sẽ không bị chi phối'. Rất thiếu trung thực và non kém. Các mức thuế của chúng tôi nhằm đáp trả thuế suất 270% của ông ấy đánh vào bơ sữa".

Chia rẽ sâu sắc trong nhóm G7

Phát biểu họp báo của các nhà lãnh đạo G7 sau hội nghị cho thấy các nước trong nhóm hiện chia rẽ sâu sắc về hàng loạt vấn đề.

Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau cho biết, dù đã có những cố gắng nhưng vẫn tồn tại nhiều khác biệt giữa lãnh đạo các nước với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thủ tướng Trudeau xác nhận, Canada sẽ có các biện pháp đáp trả tương ứng việc Mỹ áp thuế đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu của Canada từ ngày 1/7 tới.

"Người Canada chúng tôi lịch sự, chúng tôi biết lý lẽ nhưng chúng tôi cũng sẽ không để bị ức hiếp" - The Guardian dẫn lời Thủ tướng Trudeau nói với các phóng viên.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, dù có những nguyên tắc chung nhưng "những khó khăn không ngờ tới vẫn nằm ở các chi tiết".

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận, một bản tuyên bố chung không thể bao gồm tất cả mọi vấn đề và các nước G7 sẽ tiếp tục làm việc với nhau "trong những tuần, những tháng tới".

Một vấn đề khác cũng nổi lên tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay là việc Mỹ đã kêu gọi chấm dứt việc loại Nga ra khỏi nhóm này, đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của Moscow tại các hội nghị thượng đỉnh G7. Phát biểu bên lề hội nghị, Tổng thống Trump cho rằng các nước thành viên G7 cần để Nga trở lại tham gia bởi sự cần thiết của Moscow trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, theo ông, việc có trở lại G7 hay không phụ thuộc hoàn toàn vào Nga.

Mặc dù vậy, phía Nga đã bác đề xuất kêu gọi trở lại G7, khẳng định Moskva đang tập trung vào những khuôn khổ hợp tác và đối thoại khác. EU cùng ngày cũng khẳng định, hiện chưa phải thời điểm để Nga trở lại G7. Phát biểu bên lề hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay các đại diện của EU đều nhất trí rằng hiện Nga vẫn chưa đáp ứng được những điều kiện để trở lại G7.

Theo giới phân tích, dù gây bất ngờ, song kết quả này đã phản ứng đúng tình hình thực tế đang diễn ra trong mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ với các nước còn lại trong G7. Ngay cả đối với bản tuyên bố chung được công bố trước đó cũng bị coi là một “nỗ lực nhằm che đậy sự bất đồng giữa các thành viên”./.

Tham khảo từ:

https://www.theguardian.com/world/2018/jun/10/g7-in-disarray-after-trump-rejects-communique-and-attacks-weak-trudeau

https://vov.vn/the-gioi/hoi-nghi-thuong-dinh-g7-lan-thu-2-khong-the-ra-tuyen-bo-chung-772740.vov

http://bnews.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-g7-ra-tuyen-bo-chung-de-cap-nhieu-van-de/87141.html