Nỗ lực của cộng đồng DN Việt Nam trước bối cảnh đại dịch Covid-19
Doanh nghiệp phải đối mặt với “khó khăn kép”
Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên toàn cầu; làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại Việt Nam, lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang chịu rất nhiều tổn thất dịch bệnh. Doanh nghiệp trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, như: du lịch, hàng không, hậu cần du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục… đã rơi vào tình trạng “ngủ đông” trong suốt 3 tháng qua.
Trong tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp phải đối mặt với “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, như: may mặc, da giầy, điện tử, điện thoại, sản xuất ô tô…
Nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng “ngủ đông” suốt 3 tháng qua.
Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện từ ngày 10/4 đến ngày 22/04/2020 cho thấy, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao.
Gần 58% số doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%, trong đó doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa không xuất khẩu được hàng hóa chiếm 46,2%; tỷ lệ này thấp hơn ở nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ lần lượt là 40,7% và 28%.
Doanh thu quý I/2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày, như: chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng…
Hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh cao nhất với gần 50% số doanh nghiệp.
Còn theo ngành kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp bị thiếu hụt vốn cao nhất với trên 51% số doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã ví dòng tiền như là máu trong cơ thể, thiếu máu thì cơ thể không thể khoẻ mạnh được và nếu tình trạng này tiếp tục.
Bên cạnh đó, các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, thể hiện ở việc giảm mạnh về số doanh nghiệp thành lập mới (giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019) và tổng số vốn đăng ký bổ sung giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2019; quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019).
Nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh, như: áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh…
Hơn hết là trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn, cụ thể: khoảng 90% doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp khác; trên 50% doanh nghiệp thực hiện giãn công nợ cho doanh nghiệp đối tác; gần 50% doanh nghiệp thực hiện giảm giá; gần 40% chia sẻ khách hàng với doanh nghiệp khác; gần 30% doanh nghiệp chia sẻ thị trường; 6% thực hiện cho doanh nghiệp khách hàng vay. Đã có nhiều doanh nghiệp chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.
Cùng với sự nỗ lực cố gắng vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành hoặc nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành.
Với thông điệp “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cấp, các ngành, các địa phương đã được triển khai quyết liệt và đã đạt những kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.
Song song với nhiệm vụ chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất. Ngay từ khi dịch Covid-19 mới ảnh hưởng tới Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều hoạt động nắm bắt khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trên cơ sở đó phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 04/03/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Chỉ thị ban hành 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: (i) Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; (ii) Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; (iii) Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; (iv) Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; (v) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; (vi) Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; (vii) Đẩy mạnh thông tin truyền thông.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách quan trọng đã được các bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể đó là các nhóm chính sách: về hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhóm chính sách tài khóa; hỗ trợ người dân, người lao động, hộ kinh doanh; tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường../.
Bình luận