Tóm tắt

Hành lang Kinh tế Đông - Tây (East-West Economic Corridor - EWEC) đi qua 13 tỉnh, thành của 4 nước gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar và là một trong 5 hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) được thành lập tháng 10/1998. Ở Việt Nam, EWEC đi qua 3 tỉnh, thành gồm Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng; trong đó, Quảng Trị là điểm đầu trên tuyến EWEC về phía Việt Nam. Bài viết nêu vai trò của EWEC đối với phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị và đề xuất các giải pháp phát huy vai trò này trong thời gian tới.

Từ khóa: Hành lang Kinh tế Đông – Tây, vai trò, kinh tế tỉnh Quảng Trị

Summary

The East-West Economic Corridor (EWEC), which passes through 13 provinces and cities of 4 countries including Vietnam, Laos, Thailand, Myanmar and is one of five economic corridors in the Greater Mekong Sub-region (GMS), was established in October 1998. In Vietnam, EWEC passes through 3 provinces and cities including Quang Tri, Thua Thien - Hue and Da Nang; in which, Quang Tri is the starting point of Vietnam on the EWEC route. The article outlines the role of EWEC in the economic development of Quang Tri province and proposes solutions to promote this role in the coming time.

Keywords: East-West Economic Corridor, role, economy of Quang Tri province

GIỚI THIỆU

Hành lang EWEC là một chương trình hợp tác phát triển kinh tế thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, là tuyến đường bộ dài 1.450 km, bắt đầu từ Mawlamyine, Myanmar, kết thúc tại Đà Nẵng, Việt Nam, nối liền 4 nước thuộc bán đảo Đông Dương gồm: Myanmar, Thái Lan, LàoViệt Nam.

Chương trình này được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đưa ra sáng kiến tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Kông Mở rộng lần thứ tám, tổ chức tại Manila vào năm 1998. Hành lang này bắt đầu hoạt động vào ngày 12/12/2006. Thông qua EWEC, thời gian di chuyển giữa Băng CốcYangon là ba ngày, so với vận chuyển trên biển thường lệ thông qua eo biển Malacca cần 2 đến 3 tuần [1].

Tuyến EWEC chính là thành tố quan trọng để tăng cường hợp tác phát triển kinh tế ở Tiểu vùng sông Mê Kông. Với quá trình hình thành, phát triển và triển khai trên thực địa, EWEC đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân các nước trong khu vực. Theo đó, Quảng Trị được coi là điểm đầu cầu về phía Việt Nam trên tuyến EWEC, là giao điểm huyết mạch về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu hai miền Bắc - Nam, có tuyến đường xuyên Á gần và thuận lợi nhất để tỉnh có điều kiện mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Vai trò của EWEC trong phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị là rất quan trọng.

VAI TRÒ CỦA TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG – TÂY TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Với vai trò quan trọng trong khu vực, nhất là các tỉnh miền Trung nằm trên tuyến, EWEC đã được xác định là một trong những tuyến hành lang chính trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên 4.739 km2, 10 đơn vị hành chính cấp huyện, với 187,864 km biên giới đường bộ tiếp giáp với hai tỉnh Savanakhet và Salavan của nước bạn Lào, 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay; bờ biển dài 75 km. Tổng dân số của Tỉnh khoảng 64 vạn người [3]. Quảng Trị nằm trên các điểm giao thông huyết mạch về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu 2 miền Bắc - Nam, nhất là có Quốc lộ 9 nằm trên tuyến EWEC, tuyến đường xuyên Á gần nhất và thuận tiện nhất nối Việt Nam với các nước ASEAN qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuận lợi trong giao lưu và phát triển kinh tế khu vực miền Trung và cả nước.

Đối với tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, sự hợp tác, liên kết với EWEC cũng đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Từ năm 1998, tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham gia Chương trình hợp tác GMS và Chương trình hợp tác phát triển Hành lang này.

Tỉnh đã ban hành một loạt các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với EWEC, như: Nghị quyết về phát triển KT-XH miền Tây, miền biển; về phát triển du lịch; về xây dựng, phát triển đô thị... Đặc biệt, ngày 12/12/2006, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ra Nghị quyết về đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây đến năm 2010, có tính đến năm 2015.

Ngoài việc ban hành nhiều nghị quyết, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với EWEC, Tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch hệ thống giao thông đa dạng về hình thức: về đường bộ (theo hướng Bắc Nam là các trục chính, như: Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường Hồ Chí Minh… và theo hướng Đông Tây có Quốc lộ 9, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Quốc lộ 15D…); về đường sắt (theo hướng Bắc Nam có đường sắt Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao; theo hướng Đông Tây có đường sắt Cam Lộ - Lao Bảo); về đường thủy có: cảng nước sâu Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt; về hàng không có Cảng hàng không Quảng Trị.

Nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đã được hình thành như: Phú Bài, Liên Chiểu, Hòa Khánh, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu kinh tế: Lao Bảo, Vũng Áng, Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai... Hệ thống cửa khẩu quốc tế được thành lập và phát huy hiệu quả, như: Lao Bảo, La Lay, Cha Lo, Cầu Treo… Các hoạt động giao lưu văn hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa các địa phương trên tuyến EWEC được quan tâm, tổ chức thường niên.

Bên cạnh đó, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của EWEC, tỉnh Quảng Trị đang triển khai xây dựng đề án “Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan)” (gọi tắt là PARA-EWEC). Đây là tuyến hành lang giao thông mới rất thuận lợi kết nối từ cực Nam của nước bạn Lào với Biển Đông của Việt Nam có chiều dài hơn 420 km. Việc hình thành thêm tuyến hành lang này là hành lang kết nối ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua các quốc gia Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam và ra cảng nước sâu Mỹ Thủy (tỉnh Quảng Trị).

Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang, các khu dịch vụ du lịch biển, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tạo nên chuỗi đô thị dọc theo EWEC và các vùng phụ cận cũng đã được đầu tư xây dựng.

Hành lang EWEC được chú trọng đầu tư để kết nối vận tải, giao thương và vùng; qua đó, đã tạo nên chuỗi đô thị dọc theo hành lang này và vùng phụ cận, như: Lao Bảo và Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), Krông Klang (huyện Đakrông), Cam Lộ (huyện Cam Lộ), Cửa Việt (huyện Gio Linh) và TP. Đông Hà.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet (Lào) đang triển khai xây dựng Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới này nằm ở khu vực cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavan. Cặp cửa khẩu quốc tế này đã có 2 khu kinh tế gồm: Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) và Khu thương mại biên giới Densavan (Lào) đối xứng nhau. Ngoài ra, EWEC còn kết nối trực tiếp với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang và các khu dịch vụ du lịch ven biển của Quảng Trị.

Từ năm 2020 đến nay, các hoạt động đầu tư nước ngoài tại tỉnh Savanakhet, nhất là tại huyện Sê pôn, nơi có Khu kinh tế thương mại Densavan tiếp giáp với Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) đang trở nên sôi động. Hàng hóa quá cảnh từ cảng Đà Nẵng qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sang Lào và ngược lại tăng đột biến. Năm 2020, có 620.000 lượt phương tiện với khối lượng hàng hóa 1,53 triệu tấn, trị giá 8,9 tỷ USD (23.387 container quá cảnh sang Lào, 31.218 container quá cảnh từ Lào đi Đà Nẵng); năm 2021, khối lượng và trị giá hàng hóa quá cảnh tăng trên 30% so với năm 2020. Từ ngày 03/12/2021, tuyến đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Côn Minh (Trung Quốc) chính thức vận hành, mở ra cơ hội hình thành hành lang giao thông Đà Nẵng - Lao Bảo - Viêng Chăn - Côn Minh, kết nối tiểu vùng GMS rộng lớn. Các hoạt động đầu tư, thương mại tại khu vực Lao Bảo (Việt Nam) - Densavan (Lào) sẽ trở nên sôi động. Năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt trên 542 triệu USD, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh trên 181.830 lượt, hành khách xuất nhập cảnh hơn 438.400 lượt. Đến tháng 3/2023, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã thu hút được 71 dự án với tổng số vốn đầu tư 7.7000 tỷ đồng [2].

Hoạt động thương mại cũng đã thúc đẩy tăng trưởng toàn tỉnh Quảng Trị. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 đạt 6,63%; năm 2022 đạt 7,17%; dự kiến năm 2023 đạt 7,2%. Bình quân GRDP giai đoạn 2021-2023 dự kiến đạt 7%/năm (mục tiêu bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,5%-8%). GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,5 triệu đồng; năm 2022 đạt 62,8 triệu đồng; dự kiến năm 2023 đạt 69,4 triệu đồng, đạt tỷ lệ 81,6% so với kế hoạch (mục tiêu đến năm 2025 là 85- 90 triệu đồng). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 là 14.402,1 tỷ đồng, đạt 67% so với kế hoạch (mục tiêu giai đoạn 2020-2025 đạt 21.500-22.500 tỷ đồng) [3].

Cũng trên hành lang EWEC hạ tầng logistics đã và đang được quan tâm đầu tư với cảng biển Cửa Việt có năng lực thông quan trên 1,1 triệu tấn/năm. Tuyến EWEC cũng đã kết nối với nhiều tuyến đường bộ huyết mạch của Việt Nam theo trục Bắc-Nam gồm: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, cao tốc đường bộ Bắc-Nam phía Đông, đường ven biển, đồng thời kết nối với đường sắt Bắc – Nam. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi giúp Quảng Trị tiếp cận dễ dàng hơn với các trung tâm kinh tế của vùng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ.

Để giảm tải cho tuyến EWEC (Quốc lộ 9) và tăng kết nối vùng, tỉnh Quảng Trị cũng đang triển khai Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 70 km chạy song song với Quốc lộ 9, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m với tổng vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng [4].

Tuy nhiên, việc khai thác và phát triển EWEC còn gặp nhiều khó khăn, do phần lớn các đại phương của Quảng Trị còn nghèo, trình độ phát triển thấp, thiếu vốn, thiếu công nghệ; xa cách về mặt địa lý và xa các trung tâm, đô thị phát triển. Kết cấu hạ tầng giao thông còn kém phát triển, thiếu đồng bộ, cơ chế phối hợp giữa các địa phương trên toàn tuyến EWEC vẫn còn hạn chế, bất cập. Quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển còn yếu, chưa mang tính đồng bộ và bền vững…

NHỮNG GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA EWEC ĐỐI VỚI QUẢNG TRỊ TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong bối cảnh hậu Covid-19, bất ổn địa chính trị và các nguy cơ khác gia tăng, thì xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu càng trở nên rõ nét. Việc phát triển theo EWEC có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Vì vậy, cần phải có định hướng phát triển rộng hơn và xa hơn, cần tận dụng lợi thế của hành lang kinh tế này, với vai trò là con đường huyết mạch nối liền với không gian kinh tế sông Hằng (Ấn Độ) với khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn, là con đường ngắn nhất nối hai bờ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; là chiếc cầu kết nối thị trường Trung Quốc với khu vực ASEAN.

Hành lang pháp lý chung cần được hoàn thiện theo hướng thông thoáng, thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục thông quan hàng hóa giữa các nước trong EWEC; có các cơ chế, chính sách hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là chính sách phát triển các khu phi thuế quan. Bên cạnh đó, cần phải kêu gọi được doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đóng vai trò là “Sếu đầu đàn”, đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển EWEC xứng tầm với khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, để khai thác hiệu quả vai trò của EWEC trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị cần lưu ý thực hiện các giải pháp sau:

Về phía Chính phủ

Thứ nhất, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch hợp lý hệ thống cảng biển; điểm tiếp bờ của các mỏ khí Báo Vàng, Kèn Bầu cũng như phát triển các nhà máy điện khí trong các quy hoạch ngành quốc gia… Bổ sung các dự án logistics trọng điểm vào quy hoạch về logisitcs để tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và quy hoạch vùng, quốc gia nếu có điều chỉnh.

Thứ hai, sớm hoàn thiện Đề án Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị) - Densavan (Savannakhet) để triển khai xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị) - Densavan (Savannakhet). Chính phủ cần cho phép Quảng Trị, Salavan phối hợp xây dựng Đề án Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan)” (PARA-EWEC), cũng như xây dựng Khu kinh tế La Lay - La Lay giữa hai tỉnh Quảng Trị và Salavan.

Thứ ba, hoàn thiện tuyến Quốc lộ 15D nối cảng Mỹ Thủy và C

ửa khẩu quốc tế La Lay và đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo để hiện thực hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của EWEC cụ thể là 2 hành lang Đông Hà - Lao Bảo và Mỹ Thủy - La Lay.

Về phía tỉnh Quảng Trị

Tỉnh cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước, bao gồm: các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, thu hút đầu tư xã hội, nhất là các giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm để đóng góp mới vào tăng trưởng kinh tế; huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát huy hiệu quả các huyết mạch giao thông trọng điểm quốc gia đang và sẽ đầu tư đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, hỗ trợ bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị./.

TS. Đỗ Văn Nhân - Học viện Chính trị Khu vực III

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 5/2023)


Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Anh Tuấn (2022), Hành lang Kinh tế Đông - Tây: Thành tố quan trọng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế ở Tiểu vùng sông Mê Công, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/825022/hanh-lang-kinh-te-dong---tay--thanh-to-quan-trong-thuc-day-hop-tac-phat-trien-kinh-te-o-tieu-vung-song-me-cong.aspx.

2. Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị (2019-2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị các năm, từ năm 2019 đến năm 2022.

3. Lâm Quang Huy (2023), Quảng Trị niềm tin và sự kỳ vọng lớn, truy cập từ https://nhandan.vn/quang-tri-niem-tin-va-su-ky-vong-lon-post749797.html.

4. Nguyên Lý (2023), Quảng Trị hợp tác kinh tế cửa khẩu gắn với hành lang kinh tế Đông-Tây, truy cập từ https://bnews.vn/quang-tri-hop-tac-kinh-te-cua-khau-gan-voi-hanh-lang-kinh-te-dong-tay/285274.html.