THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA EVNHANOI

Mục tiêu phát triển bền vững luôn là kim chỉ nam xuyên suốt trong các hoạt động và chiến lược phát triển của EVNHANOI trong suốt những năm qua. Chiến lược phát triển EVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 538/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 đã đề ra quan điểm phát triển về tính bền vững, trong đó yêu cầu gắn kết hài hòa mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội được Chính phủ giao đồng bộ và phù hợp với vai trò, năng lực và lĩnh vực hoạt động của EVN; giữa khai thác sử dụng tài nguyên môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại tới môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng dịch vụ cung cấp điện và năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn tài nguyên và nhiên liệu; có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay, EVNHANOI đã và đang triển khai đề tài “Nghiên cứu việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gắn với phát triển bền vững tại EVNHANOI”.

Điều này càng cho thấy, EVNHANOI đang có những bước đi mang tính chiến lược nhằm hệ thống hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động thực thi trách nhiệm xã hội của EVNHANOI vì mục tiêu phát triển bền vững.

Thực tiễn các năm qua cho thấy, trong các hoạt động, EVNHANOI đã linh hoạt, bám sát mục tiêu thực hiện phát triển bền vững như sau:

Một là, thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường gắn liền với việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng điện lưới. EVNHANOI đã tập trung đẩy mạnh triển khai các công trình cải tạo, nâng cấp phát triển hệ thống lưới điện đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trên địa bàn Thủ đô. Theo EVNHANOI, tính đến ngày 31/5/2022, EVNHANOI đã khởi công 9 công trình lưới điện 110kV và 184 công trình lưới điện trung, hạ thế; đóng điện 1 công trình lưới điện 110kV và 51 công trình lưới điện trung, hạ thế; với tổng năng lực thiết bị đưa vào vận hành 191 MBA/77,1 MVA; 280,3 km dây dẫn trung thế; 318,3 km dây dẫn hạ thế các loại...

Toàn bộ các trạm biến áp 110kV, 220kV và các đường dây đấu nối vào trạm đều đã được EVNHANOI lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, đều được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ra quyết định phê duyệt và cấp sổ Chủ nguồn chất thải nguy hại. Đối với lưới điện cấp điện áp 35 kV do các công ty điện lực quản lý, kho Đại Thanh, kho Đông Anh và các đơn vị thuộc khối phụ trợ đã có Hồ sơ bảo vệ môi trường cho hệ thống đường dây và trạm biến áp (UBND quận/huyện ký), Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại và Kế hoạch phòng ngừa - ứng phó sự cố chất thải nguy hại…

Các đơn vị trực thuộc EVNHANOI đều đã có khu vực lưu trữ tạm thời chất thải nguy hại, có đầy đủ biển cảnh báo dán nhãn mã thông tin chất thải nguy hại đầy đủ, công tác thu gom, phân loại và lưu giữ chất thải nguy hại được thực hiện theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch phòng ngừa sự cố chất thải nguy hại, phương án phòng cháy chữa cháy, phân công cán bộ theo dõi công tác bảo vệ môi trường, kịp thời ứng phó các tình huống xảy ra. EVNHANOI luôn thực hiện đúng theo các quy trình quy phạm, thường xuyên kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp, thực hiện công tác thí nghiệm định kỳ các thiết bị nhằm phát hiện sớm những nguy cơ sự cố có thể xảy ra.

Đối với những sự cố liên quan đến các thiết bị chứa dầu như MBA, máy cắt đều có phương án khắc phục sự cố kịp thời đảm bảo cấp điện mà không làm ảnh hưởng đến môi trường. Hàng năm, EVNHANOI tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong EVN, C49, PC49 để kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi khuyến khích cán bộ, nhân viên của EVNHANOI tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, môi trường ứng phó chống biến đổi khí hậu.

Hai là, đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng điện ổn định phục vụ cao nhất sự kiện chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong bối cảnh chung của ngành điện nhiều năm qua đã đầu tư, phát triển mới nguồn điện, với nhiều công trình lớn. Kết cấu hạ tầng của ngành phát triển nhanh, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới. Các quy hoạch điện tiếp tục được cập nhật, xây dựng.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện cục bộ vẫn xảy ra ở một số thời điểm, nhất là khi có tác động từ bên ngoài thách thức mục tiêu bảo đảm điện, bảo đảm an ninh năng lượng, nguy cơ nguồn cung trong nước không đáp ứng yêu cầu mà phải nhập khẩu (như nhập khẩu than cho phát điện là biểu hiện cụ thể). Thách thức này càng lớn hơn khi tỷ lệ giữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có điện, so với tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) ở Việt Nam là hơn 2 lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là dưới 1. Trong khi đó, nhiều tổ máy nhiệt điện than phải dừng hoặc giảm phát, hệ thống điện quốc gia thiếu hụt hơn 3.000 MW, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội với tăng cao hơn kế hoạch, các biện pháp huy động thủy điện và điện khí (lần lượt là 2,17 tỷ và 1,01 tỷ kWh) để bù đắp thiếu hụt của nhiệt điện than, tuy nhiên dự báo giai đoạn 2022-2025, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành luôn thấp hơn tăng trưởng phụ tải nên việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng nắng nóng.

Để ứng phó với tình hình khó khăn chung cũng như đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô, EVNHANOI tiếp tục tăng cường công tác quản lý vận hành lưới điện, tính toán phương thức vận hành tối ưu để phục vụ đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trên địa bàn Thủ đô phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, sinh hoạt của người dân trên địa bàn TP. Hà Nội, như: Đảm bảo điện cho các kỳ họp Quốc hội, các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước; các kỳ thi tuyển sinh các cấp; triển khai có hiệu quả các phương án đảm bảo cung cấp điện cao điểm hè và mùa mưa bão... Triển khai và hoàn thành các chương trình theo lộ trình chuyển đổi số; Chuẩn hóa, nâng cấp hệ sinh thái chăm sóc khách hàng của EVNHANOI nhằm đem đến cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ tốt hơn gắn liền với tuyên truyền đến các khách hàng trên địa bàn Thủ đô cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đặc biệt vào các giờ cao điểm bằng các hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp, như: qua tin nhắn, băng rôn, clip tuyên truyền, tuyên truyền tại tổ dân phố, tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn... nâng cao nhận thức an ninh năng lượng của người dân.

Kết quả, đến hết năm 2021, Tổng Công ty đã đạt được một số chỉ tiêu nổi bật, như: Sản lượng điện thương phẩm năm 2021 đạt 20.674,88 triệu kWh, tăng 3,2% so với năm 2020; Tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 3,55%, giảm 0,12% so với năm 2020; Thời gian mất điện trung bình chỉ còn 163 phút; 100% trạm biến áp 220, 110 kV vận hành không người trực.

Ba là, thực hiện các hoạt động phát triển cộng đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và EVNHANOI nói riêng đã vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu thi đua. Sự tôn vinh này không chỉ khẳng định những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, mà còn ghi nhận những đóng góp quan trọng của EVN trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng cũng như các hoạt động vì cộng đồng. Trong đó, EVNHANOI đã triển khai nhiều chương trình thiện nguyện cho trẻ em, người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các nhóm yếu thế trong xã hội; chương trình tri ân thương binh, liệt sỹ; ủng hộ các chương trình vì biển đảo… bằng các hành động cụ thể như: Lắp mới hệ thống đường điện, bóng đèn đưa ánh sáng đến hàng trăm tuyến thôn xóm, phường, xã đang thiếu ánh sáng điện; Lắp đặt miễn phí hàng nghìn bộ đèn chiếu sáng; Sửa chữa và lắp đặt điện miễn phí cho hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách; Tặng bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm điện. Triển khai nhiều chương trình hiến máu tình nguyện “Tuần lễ Hồng EVN” hàng năm tại trụ sở EVNHANOI.

Trong Văn hóa doanh nghiệp của EVNHANOI có tuyên bố một giá trị cốt lõi kinh doanh thể hiện quyết tâm rất cao đối với nghĩa vụ phát triển cộng đồng: “Bền là tính bền vững, luôn tiếp cận các vấn đề và hành động vì mục tiêu lâu dài, sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt vì những giá trị bền lâu.”. Khẩu hiệu hành động của EVNHANOI: “Chuyên nghiệp – Văn minh – Hiệu quả” cũng hướng tới sứ mệnh và mục tiêu chiến lược phát triển vì xã hội, thông qua các cộng đồng dân cư, nó rộng lớn hơn so với cộng đồng khách hàng.

Bốn là, thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội. Trong nhiều năm qua, EVNHANOI đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của EVN triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội. Công tác này được thực hiện đồng thời, bên cạnh việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân Thành phố. Đây cũng là hành động thiết thực nhất trong việc thực hiện tốt phong trào "Dân vận khéo", đồng thời cũng thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc của đông đảo cán bộ nhân viên và người lao động ngành điện với chính quyền và bà con nhân dân đã có nhiều hỗ trợ, giúp đỡ đối với các công trình điện của ngành.

Phát triển bền vững tại EVNHANOI: Thực trạng và một số đề xuất trong thời gian tới
EVNHANOI chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

Cụ thể: trong giai đoạn 2010-2021, EVNHANOI đã đóng góp, hỗ trợ các công trình và thực hiện tốt nhiều hoạt động công tác xã hội (khoảng 20 đợt thăm hỏi và tặng quà từ thiện/năm), cụ thể như: phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”... đã được EVNHANOI tổ chức với nhiều hình thức, như: Chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh trong Tổng Công ty, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, chương trình tiếp bước cho trẻ em đến trường, chương trình những trái tim đồng cảm, Quỹ Tấm lòng vàng báo Lao động, nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ nhân dân các vùng bị động đất, lũ lụt, Quỹ tình nghĩa của Cụm thi đua số VI UBND TP. Hà Nội… Ủng hộ, tài trợ và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Quỹ Tấm lòng Việt đã triển khai thực hiện thành công hơn 600 ca phẫu thuật mắt từ thiện "Niềm tin Việt" cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở một số địa phương. Đặc biệt, trong gần 2 năm dịch Covid-19 (2020 và 2021), EVNHANOI đã giảm giá điện, giảm tiền điện trong năm 2020 và 2021 với tổng số tiền khoảng 1.850 tỷ đồng (tính đến ngày 30/9/2021).

Năm là, thực hiện tốt phúc lợi cho cán bộ nhân viên. Nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, EVNHANOI đã tham gia đóng góp xây dựng, sửa đổi nhiều chế độ, chính sách liên quan đến chế độ tiền lương cũng như về công đoàn… Bên cạnh đó là, công tác tuyên truyền, vận động công nhân viên chức lao động tham gia các hoạt động trong xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng văn hóa doanh nghiệp EVNHANOI lành mạnh. Đồng thời, EVNHANOI tổ chức thăm và tặng quà cán bộ công nhân viên trong Tổng Công ty có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo; thăm và tặng quà các trung tâm cứu trợ xã hội và các điểm từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI EVNHANOI TRONG THỜI GIAN TỚI

Hiện nay, quá trình phát triển bền vững của EVNHANOI cũng đang đứng trước một số thách thức, như: Chi phí đầu tư lớn trong chuyển dịch năng lượng; Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt; Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng phụ tải hàng năm ở Việt Nam vẫn ở mức cao, việc không phát triển thêm các nguồn nhiệt điện than mới (ngoại trừ các dự án đang triển khai) khi chưa có các nguồn năng lượng khác thay thế, sẽ dẫn tới nguy cơ không đáp ứng đủ nguồn cung, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh năng lượng quốc gia... Vì vậy, để tiếp tục thúc đẩy EVNHANOI phát triển bền vững, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm bảo vệ môi trường, cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; duy trì thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường với các dự án đầu tư mới. EVNHANOI cần chủ động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng môi trường ISO 14001; triển khai quan trắc môi trường liên tục với đầy đủ thông số và tiếp tục kết nối về các cơ quan quản lý nhà nước... EVNHANOI cần thực hiện quản lý tốt hơn các chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại; tiếp tục trồng nhiều cây xanh tại khuôn viên trụ sở làm việc và các khu vực phù hợp.

Thứ hai, về đảm bảo an ninh năng lượng, phải bảo đảm cân đối về điện và năng lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng, đồng thời bảo đảm giá hợp lý không gây tác động tiêu cực tới lạm phát… Để tăng cường tính tự lực, tự cường, tự chủ của ngành Điện, giảm phụ thuộc bên ngoài, giảm nhập khẩu, phải vừa có giải pháp trước mắt, tình thế, vừa có giải pháp căn cơ, lâu dài. Trong đó, những việc cấp bách là vấn đề dự báo phụ tải để có phương án huy động nguồn và vận hành hợp lý, đồng thời kết hợp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải linh hoạt và hiệu quả. Các doanh nghiệp thực hiện ngay các hợp đồng, kế hoạch đã ký kết, giải quyết ngay ách tắc cục bộ, đồng thời bảo đảm ổn định, hạn chế “cú sốc” trong sản xuất, kinh doanh. Để hướng tới phát triển bền vững, phải tăng cường phát triển năng lượng tái tạo phù hợp tình hình, điều kiện; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích ứng dụng công nghệ tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách với sản xuất, kinh doanh, cung ứng điện, than, khí, các nguồn năng lượng tái tạo để bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia.

Thứ ba, về các hoạt động phát triển cộng đồng và an sinh xã hội.

- Tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ và quản trị hiệu quả văn hóa doanh nghiệp của mình để làm nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững, với các hoạt động và mục tiêu chiến lược của mình, trong đó có hành động vì cộng đồng - xã hội.

- Tiếp tục duy trì lâu dài và phát huy các giá trị của các hoạt động và sản phẩm vì cộng đồng kể trên để biến nó thành một phần của văn hóa EVNHANOI. Đồng thời, cần cân nhắc kiến tạo thêm sản phẩm mới để phát triển cộng đồng có tính đặc sắc, có ảnh hưởng và giá trị xã hội cao hơn, đóng góp nhiều hơn về xây dựng niềm tin của cộng đồng xã hội đối với EVN.

- Đầu tư nhiều hơn, quản trị truyền thông xã hội tốt hơn, tạo ra hiệu quả từ hoạt động vì cộng đồng cao hơn so với hiện nay.

Thứ tư, về thực hiện tốt phúc lợi cho người lao động

- Động viên công nhân viên chức lao động đảm bảo vận hành, cung ứng đủ điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sinh hoạt của nhân dân;

- Tham gia xây dựng các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động; Tham gia sắp xếp lao động, giải quyết lao động dôi dư và giải quyết các bức xúc nảy sinh của người lao động tại các đơn vị thực hiện tái cơ cấu, dịch chuyển lao động;

- Phổ biến về các chủ trương lớn của Chính phủ, của EVN, đặc biệt là “Kế hoạch tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” để người lao động hiểu, đồng thuận và chuyển đổi trong nhận thức, tư duy, thay đổi cách làm trong thực hiện nhiệm vụ./.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 538/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

2. EVN (2021). Báo cáo của EVN tại phiên làm việc ngày 17/3/2021 của Đoàn công tác Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, sau khi kiểm tra thực tế tại Trung tâm Điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận trong các ngày 16 - 17/3/2021

3. EVN (2022). Báo cáo của EVN tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo, ngày 3/4/2022

4. Thái An (2021). Điện lực Hà Nội đã giảm khoảng 1.850 tỷ đồng tiền điện hỗ trợ khách hàng, truy cập từ https://nhandan.vn/dien-luc-ha-noi-da-giam-khoang-1-850-ty-dong-tien-dien-ho-tro-khach-hang-post669956.html

5. Đình Liên (2018). Công đoàn Điện lực Việt Nam: Chăm lo, bảo vệ cho người lao động, truy cập từ https://www.evn.com.vn/d6/news/Cong-doan-Dien-luc-Viet-Nam-Cham-lo-bao-ve-cho-nguoi-lao-dong-6-12-21214.aspx

6. T.D.V (2021). Công tác an sinh xã hội của EVN và hiệu quả từ 'Dân vận khéo', truy cập từ https://tuoitre.vn/cong-tac-an-sinh-xa-hoi-cua-evn-va-hieu-qua-tu-dan-van-kheo-20211018154826643.htm

7. EVN (2012). EVN HANOI chú trọng công tác xã hội từ thiện, truy cập từ https://vanhoa.evn.com.vn/d6/news/EVN-HANOI-chu-trong-cong-tac-xa-hoi-tu-thien-5-130-5513.aspx

8. EVN (2022). Cán bộ công nhân viên EVN đã vượt khó để giữ vững nguồn điện trong mọi tình huống, truy cập từ https://evn.com.vn/d6/news/Can-bo-cong-nhan-vien-EVN-da-vuot-kho-de-giu-vung-nguon-dien-trong-moi-tinh-huong-0-12-30008.aspx

ThS. Nguyễn Danh Duyên - Tổng Giám đốc EVNHANOI

ThS. Trần Văn Thương - Thành viên Hội đồng thành viên EVNHANOI

ThS. Nguyễn Xuân Giáp - Phó Ban Tổ chức và Nhân sự EVNHANOI

ThS. Đỗ Trung Tuyến - Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) – Đại học Quốc gia Hà Nội

ThS. Nguyễn Hùng Tiến - Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) – Đại học Quốc gia Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 8/2022)