Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Hệ thống quy hoạch đô thị còn thiếu đống bộ
Quản lý đầu tư, phát triển đô thị nhiều nơi còn buông lỏng
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Kinh tế đô thị đã góp phần đặc biệt quan trọng, kinh tế đô thị và khu công nghiệp chiếm xấp xỉ 80% quy mô của nền kinh tế. Các đô thị thực sự là động lực của nền kinh tế, trở thành hạt nhân của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình về quy hoạch đô thị tại phiên họp thứ 13, Quốc hội khóa XIV |
Bên cạnh kết quả đạt được, thì đô thị còn phát triển theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu, và hiệu quả phát triển đô thị còn thấp. Hệ thống hạ tầng của nhiều đô thị chưa đầy đủ và còn thiếu đồng bộ. Kiến trúc, cảnh quan độ thị ở nhiều đô thị, nhiều khu vực trong đô thị còn thiếu nét đặc trưng riêng và thiếu bản sắc. Việc đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, cả trong đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ và xây dựng công trình.
Tình trạng vi phạm quy hoạch, xây dựng thiếu phép, sai phép còn diễn ra và chưa được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Việc xây dựng nhà ở trong đô thị còn mất cân đối, đặc biệt là xây dựng nhà ở xã hội - nhu cầu rất lớn, phù hợp với đại đa số người dân, nhưng đầu tư còn chậm, thậm chí có địa phương chưa chú ý nhiều đến lĩnh vực này.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực đô thị ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Tình trạng quá tải hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... ngày càng gia tăng. Tình trạng ngập úng tại đô thị lớn, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị rất bức xúc, nhất là ở những đô thị lớn, cả ô nhiễm chất thải rắn, không khí và nước thải. Tình trạng cháy nổ diễn biến nghiêm trọng.
Về nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trước hết do công tác lập quy hoạch nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng được các địa phương tập trung thực hiện. Tuy đã rất nỗ lực, song nhiều khu vực phát triển nhanh, trong khi việc lập quy hoạch xây dựng chậm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng phát triển đô thị.
“Hệ thống quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ. Chất lượng không ít quy hoạch còn thấp, phải điều chỉnh nhiều lần. Tình trạng điều chỉnh quy hoạch ở một số nơi còn tùy tiện, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả, gây thất thoát tài nguyên”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, còn thiếu quy định về quy hoạch dẫn đến tình trạng “có quy hoạch là có đầu tư”, dẫn đến đầu tư theo phong trào, gây dư thừa bất động sản trong một thời kỳ. Công tác quản lý đầu tư, phát triển đô thị ở nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến vi phạm pháp luật. Tổ chức đầu tư hạ tầng theo quy hoạch còn chậm, thiếu đồng bộ do thiếu vốn đầu tư.
Bộ máy quản lý đô thị còn thiếu, nhưng chậm được hoàn thiện. Nghị định 11 của Chính phủ đã quy định cần thành lập Ban quản lý công trình xây dựng, như một “nhạc trưởng” để điều hành sự đầu tư khác nhau của các nhà đầu tư, tạo sự đồng bộ cho hạ tầng đô thị. Nhưng hiện bộ máy quản lý nhiều nơi còn thiếu, mà cơ quan quản lý ở nhiều nơi không có đủ thời gian.
Nhu cầu xã hội cho xây dựng đô thị rất lớn, nhưng đáp ứng từ nguồn lực Nhà nước hạn chế, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn nhu cầu ngày càng tăng, do người dân đi về đô thị để tìm kiếm cơ hội việc làm mới, sinh sống, gây áp lực lớn cho hạ tầng.
Noài ra, công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường, nhưng hiệu quả còn thấp. Thực hiện kết luận sau thanh tra còn chậm, thậm chí chưa nghiêm, mà việc xử lý sai phạm còn thiếu kiên quyết. Trong khi, pháp luật về quản lý đô thị còn thiếu, khi hiện mới có Nghị định về quản lý phát triển đô thị, hiệu lực chưa cao.
Tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển, trước hết sẽ rà soát, đánh giá tổng kết Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng để cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển nói chung.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; rà soát, xây dựng mới nghị định hướng dẫn.
Hai là, đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết về đô thị, đi đôi với nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch xây dựng, cũng như với Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng.
Ba là, cần tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch và có quy hoạch. Yêu cầu các đô thị có kế hoạch phát triển gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 năm và 5 năm. Cân đối với khả năng nguồn lực, khả năng tiêu dùng sản phẩm bất động sản của người dân, để tránh dư thừa bất động sản, cũng như phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng công trình, bảo đảm an toàn, chất lượng và theo quy hoạch, tránh tăng áp lực lên hạ tầng đô thị.
Bốn là, chú trọng đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ từ điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn, công viên, nghĩa trang. Đồng thời, tổ chức kết nối theo vùng, theo lãnh thổ, phát triển giao thông đô thị mới.
Năm là, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại các đô thị, tại các khu kinh tế, các khu công nghiệp. Yêu cầu phát triển các nhà ở xã hội thành khu tập trung hoặc phát tán kết nối với hạ tầng, đặc biệt giao thông đô thị để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các khu vực này.
Sáu là, đẩy nhanh tiến độ phát triển các đô thị vệ tinh của các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, để là nơi thu hút nhiều người về đây để sinh sống và làm việc, giảm áp lực cho đô thị trung tâm.
Bảy là, xác định rõ nguồn lực cho phát triển đô thị, cân đối vốn ngân sách phù hợp cho phát triển cơ sở vật chất hạ tầng, có hình thức huy động vốn hợp lý như hình thức hợp tác công - tư để huy động các nguồn vốn xã hội, cả nguồn vốn nước ngoài.
Tám là, nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó chú ý các địa phương phải thành lập Ban Quản lý phát triển đô thị như Nghị định 11 đã quy định.
Chín là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm về quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị./.
Bình luận