Kết quả này chính thức mở đường cho Chính phủ của Thủ tướng Theresa May thông báo với các nhà lãnh đạo EU về kế hoạch rời khối này.

Tỷ lệ đồng thuận cao

Với tỷ lệ 274 phiếu thuận, 11 phiếu chống, Thượng viện Anh ngày 13/3 đã thông qua dự luật Brexit.

Trước đó cùng ngày, các nghị sĩ Hạ viện đã nhất trí phủ quyết những thay đổi trong dự luật Brexit được Thượng viện đề nghị bổ sung hồi đầu tháng 3 này, sau khi chính phủ London khẳng định, cần không bị hạn chế trong thương lượng để có thể có thỏa thuận tốt với EU.

Hai điều khoản mà Thượng viện yêu cầu gồm “quyền được phủ quyết của các nghị sĩ Anh đối với kết quả đàm phán cuối cùng của Thủ tướng May và EU, và quyền của các công dân EU tại Anh sau Brexit” đã không được bổ sung vào trong dự luật Brexit do Hạ viện phủ quyết.

Kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội Anh diễn ra chỉ vài giờ sau lời kêu gọi của Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon sớm khởi động tiến trình yêu cầu Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về khả năng rời khỏi Anh vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Thủ tướng Anh Theresa May đã chỉ trích mạnh mẽ lời kêu gọi của Thủ hiến Scotland, cho rằng Đảng Dân tộc Scotland có cái nhìn "phiến diện" khi đưa ra đề xuất rời khỏi Anh.

Thủ tướng Anh Theresa May

Bà May nêu rõ, thay vì "chơi trò chơi chính trị với tương lai đất nước", chính quyền Scotland nên tập trung cải thiện chất lượng hoạt động chính phủ, đảm bảo người dân Scotland được hưởng các dịch vụ công tốt. Trang The Telegraph của Anh dẫn lời bà May nhấn mạnh: "Chính trị không phải là một trò chơi”.

Trước đó, nữ Thủ hiến Sturgeon tuyên bố sẽ nỗ lực tìm kiếm sự cho phép của Quốc hội Scotland trong việc nhất trí với chính phủ Anh về tiến trình và thủ tục cho phép Scotland tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập.

Bà Sturgeon bày tỏ mong muốn cuộc trưng cầu ý dân lần 2 này sẽ được tổ chức vào giữa mùa Thu năm 2018 và mùa Xuân năm 2019, trước khi nước Anh rời EU.

Theo quan điểm của Thủ hiến Sturgeon, điều quan trọng là Scotland có thể thực hiện quyền lựa chọn tương lai của riêng mình vào thời điểm phù hợp khi các sự lựa chọn đã rõ ràng hơn, song vẫn phải đảm bảo trước khi quá muộn để quyết định đi hay ở lại Anh.

Khởi động tiến trình Brexit

Theo dự kiến, dự luật Brexit có thể được Nữ hoàng Anh phê chuẩn sớm nhất trong ngày 14/3 (giờ địa phương) để thông qua và triển khai vào thực tế. Sau khi Quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit, Thủ tướng Theresa May sẽ phải chính thức thông báo với lãnh đạo các nước EU ý định của London rời khối này theo kết quả trưng cầu ý dân hồi năm ngoái.

Những người ủng hộ Brexit đã ngay lập tức bày tỏ hoan nghênh quyết định của Quốc hội Anh. Trang tin Express của Anh dẫn lời nghị sĩ đảng Bảo thủ Dominic Raab cho biết, giờ đã đến lúc các bên chính thức bước vào đàm phán, với tham vọng và sự ủng hộ của Chính phủ nhằm đảm bảo một thỏa thuận Brexit tốt nhất, tốt cho cả nước Anh và cả EU.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh sẽ chính thức công bố quyết định Brexit vào ngày 29/3 tới, khởi động tiến trình đàm phán giữa Anh và EU, dự kiến kéo dài 2 năm. Tuy nhiên, bà May từng thể hiện rõ lập trường rằng Anh sẽ sẵn sàng rời khỏi EU mà không cần bất kỳ thỏa thuận nào một khi phía EU gây sức ép.

Theo bà May, một kịch bản “Brexit cứng” còn hơn là chấp thuận những thỏa thuận “thua thiệt” với EU. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Brexit của Anh, ông David Davis nhấn mạnh tại phiên bỏ phiếu của Thượng viện.

“Khi chúng ta đã lên kế hoạch bắt tay vào tiến trình đàm phán sắp tới, chúng ta luôn đặt ra cho mình nguyên tắc làm việc đơn giản. Chúng ta sẽ không làm bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, bao gồm cả lợi ích của người dân Anh sống trong EU và chúng tôi sẽ không nhảy vào đàm phán mà tự trói tay trói chân của mình lại”, ông Davis chia sẻ trên The Telegraph.

Tiến trình Brexit, theo đúng nội dung điều 50 Hiệp ước Lisbon, sẽ kéo dài 2 năm. Nếu vào khoảng tháng 3/2019, Anh và EU vẫn không thống nhất được thỏa thuận về các quyền lợi và nghĩa vụ hậu Brexit, thì Anh vẫn sẽ tự động hết tư cách thành viên EU, không còn quyền lợi và nghĩa vụ EU nào nữa.

Kịch bản này được cho là có nhiều rắc rối và bất định lớn về kinh tế, vì khi không còn tư cách thành viên EU và không có thỏa thuận riêng nào với EU, Anh sẽ quay trở lại làm một thành viên WTO với các quy định thương mại, thuế khóa tương ứng kèm theo. Đó có thể là một cú “hạ cánh cứng” sau khi ra khỏi EU.

Nhiều chuyên gia kinh tế trông đợi vào một kịch bản ít bất ổn hơn, đó là Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit, tạo điều kiện cho Anh nhảy khỏi EU với một cú “hạ cánh mềm”.

Mặc dù vậy, việc Anh thoát khỏi ảnh hưởng của EU, theo nhiều chuyên gia, không hẳn có nghĩa là Anh quốc sẽ bỗng nhiên tự do tự tại. Các giới hạn quốc gia sẵn có khó thay đổi trong ngắn hạn, cùng các mối quan tâm dài hạn về kinh tế, an ninh quốc phòng trong một thế giới đầy bất ổn sẽ buộc Anh phải phụ thuộc nhiều hơn vào các thế lực ngoài EU, như: Mỹ và Trung Quốc. Những sự phụ thuộc đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vai trò quốc tế của Anh trong những năm sắp tới./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.express.co.uk/news/politics/778816/Theresa-may-cleared-trigger-article-50-lords-pass-prime-minister-brexit-bill-parliament

http://www.telegraph.co.uk/news/2017/03/13/nicola-sturgeon-could-derail-brexit-scottish-referendum-demand/

http://www.standard.co.uk/news/politics/path-clear-for-theresa-may-to-trigger-article-50-after-brexit-bill-clears-lords-a3488881.html