Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại biển Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 4693/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại biển Việt
Về các mục tiêu cụ thể, Quy hoạch xác định, tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ven biển giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 9,0%-9,5%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10,5-11,0%/năm; Tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 khoảng 16,5%-17,0%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 17,5%-18,0%/năm; Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 -2020 đạt khoảng 13,5%-14,0%/năm và giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 13,0%-13,5%/năm.
Quy hoạch cũng chỉ rõ, định hướng phát triển cụ thể đối với ngành công nghiệp tập trung vào các ngành có tiềm năng và lợi thế: khai thác và chế biến than, dầu khí, hóa chất, sản xuất điện (nhiệt điện và năng lượng tái tạo), cơ khí, luyện kim, điện tử, chế biến thủy, hải sản; Ưu tiên phát triến các lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh; các sản phẩm trong chuỗi sản xuất toàn cầu thuộc các ngành cơ khí, điện, hoá chất và các sản phấm linh kiện, phụ tùng.
Đối với ngành thương mại, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa từ các chương trình hợp tác kinh tế quốc tế, kết hợp phát triển nhanh các hình thức thương mại hiện đại để từng bước mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất - nhập khẩu và thương mại trong nước; Phát triển hệ thống logistics, hệ thống chợ đầu mối thủy sản, nông sản tổng hợp, các trung tâm trung chuyển và kho vận đảm bảo đáp ứng cho hoạt động lưu thông hàng hóa nội địa và quốc tế.
Mục tiêu của Quy hoạch là tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ven biển
giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 9,0%-9,5%/năm
Quy hoạch cũng xác định từng ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:
Đối với ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim: Đến năm 2025, phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất thép, kết cấu thép, cơ khí nặng, thiết bị siêu trường, siêu trọng, phương tiện vận tải, thiết bị hạ thủy, máy móc sản xuất nông – lâm nghiệp, thiết bị, máy móc chế biến thủy hải sản... Đến năm 2035, tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế và ưu tiên phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao, đặc biệt là đầu tư phát triển các sản phẩm cơ điện tử, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thiết kế, chế tạo khuôn mẫu...
Đối với ngành công nghiệp hóa chất: Đến năm 2025, thu hút đầu tư một số dự án sản xuất hóa chất vô cơ phục vụ cho nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp và các dự bán sản xuất sản phẩm hóa chất hữu cơ gắn liền với các dự án lọc dầu tạn dụng nguồn nguyên liệu từ lọc, hóa dầu và nguồn nguyên liệu khí thiên nhiên. Đến năm 2035, đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa dầu và chất xúc tác cho nhà máy lọc dầu. Đồng thời, thu hút các dự án sản xuất hóa dược, hóa mỹ phẩm cao cấp, bao bì sinh học, nhựa công nghiệp và các sản phẩm phụ trợ cho ngành cơ khí và điện tử.
Đối với ngành công nghiệp chế biến thủy, hải sản, thực phẩm: Đến năm 2025, tập trung thu hút đầu tư vào chế biến thủy, hải sản xuất khẩu theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, kết hợp với triển khai dự án có lợi thế về nguồn nguyên liệu của khu vực... Tầm nhìn đến năm 2035, ưu tiên đầu tư mới các dự án chế biến hải sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của các địa phương trong khu vực biển và tiếp tục đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Đối với ngành năng lượng: Đến năm 2025, hoàn thành việc thăm dò, thử nghiệm than nâu bể than Đồng bằng sông Hồng và tiếp tục triển khai các dự án tổ hợp lọc hóa dầu và các dự án điện. Tầm nhìn đến năm 2035, tiếp tục triển khai và hoàn thành các dự án lọc dầu, sản xuất điện và chú trọng đầu tư một số dự án điện gió và điện mặt trời, kết hợp với tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại: Đến năm 2025, xây dựng các trung tâm phân phối công nghiệp tiêu dùng tại các khu vực Duyên hải Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung, khu vực Đà Nẵng, khu vực TP. Hồ Chí Minh và duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long... Đầu tư phát triển trung tâm logistics hạng I tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số trung tâm hạng II tại các khu vực ven biển Đông Nam Bắc Bộ, Đông Bắc Bắc Bộ, duyên hải Bắc Trung Bộ... Đến năm 2035, tiếp tục xây mới hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa và kho bãi kết hợp với nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp theo hướng hiện đại của các trung tâm buôn bán và hệ thống kho vận đáp ứng nhu cầu tập kết, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất khẩu. Đầu tư mới một số trung tâm logistics hạng II và xem xét nâng cấp một số trung tâm lê hạng I...
Để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch nói trên, Bộ Công Thương cũng đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, đó là:
Phát triển nhanh các công trình hạ tầng có ảnh hưởng trên phạm vi rộng, có tính liên vùng như hệ thống đường quốc lộ ven biển, hệ thống hạ tầng khu kinh tế ven biển, hệ thống chợ đầu mối, trung tâm logistics, trung tâm phân phối hàng hóa và kho vận nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành.
Đồng thời, phối hợp giữa các địa phương trong khu vực xây dựng chương trình tổng thể về xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án quy mô lớn làm động lực phát triển kinh tế cho khu vực và thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành để tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tổ chức phân phối hàng hóa một cách hợp lý và ban hành cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, nhằm đáp ứng nhu cầu của lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu vực./.
Bình luận