Rau quả nhiễm độc Trung Quốc "ung dung" vào Việt Nam: Vì sao?
Dù được cảnh báo, nông sản Trung Quốc vẫn ung dung lọt lưới
Trước đó, vào đầu tháng 6/2014, khi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố có tới 280 tấn rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đã được đưa vào tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2013, nhiều người đã giật mình đặt câu hỏi “Kẽ hở nào cho hàng độc hại Trung Quốc vào Việt Nam quá dễ dàng”?
Không những thế, nhiều người còn thắc mắc vì không hiểu sao việc công bố gần 300 tấn rau, quả Trung Quốc nhiễm độc vào Việt Nam lại được thực hiện sau những một năm? Điều đó đồng nghĩa với việc, chắc chắn mấy trăm tấn hàng hóa độc hại đã được người tiêu dùng vô tư sử dụng mà không hề biết mình đang bị đầu độc trắng trợn.
Đây không phải lần đầu tiên, cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện rau quả xuất xứ Trung Quốc tồn dư hóa chất vượt mức cho phép trên thị trường Việt Nam. Trước đó, nhiều loại rau quả cũng đã được phát hiện, như: khoai tây, cà chua, lê, táo…
Thông tin về rau quả Trung Quốc nhiễm dư lượng thuốc vượt ngưỡng cho phép năm nào cũng được công bố, song đáng nói, các mặt hàng nông sản Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam, thậm chí “đè bẹp” nông sản trong nước.
Ghi nhận cho thấy, sau khi thông tin gần 300 tấn rau quả Trung Quốc nhiễm “độc” bị phát hiện trên thị trường Việt Nam thì các loại rau quả của Trung Quốc vẫn ùn ùn vào chợ, như: chanh, cà rốt, nho, quýt, tỏi, dưa vàng…
Tại chợ đầu mối Long Biên, chợ nông sản lớn nhất miền Bắc, hàng đêm, rau quả từ cửa khẩu vẫn đổ về đây với nhiều chủng loại, như: cải bắp, cà chua, cà rốt, khoai tây, hành tây, nho, táo, quýt…. Từ đây, các loại rau quả này lại được xé lẻ đưa đi tiêu thụ khắp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Và, động thái của cơ quan quản lý nhà nước
Trước tình trạng trên và sự lo lắng của người dân về thực phẩm nhiễm độc vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường, cơ quan quản lý nhà nước dường như vẫn khá thờ ơ và chưa có những động thái quyết liệt về vấn đề này.
Điển hình như vụ việc “khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt”, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng mới chỉ công bố các tiêu chí phân biệt khoai tây Đà Lạt và khoai tây Trung Quốc.
Còn đối với vụ việc gần 300 tấn rau quả Trung Quốc nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiquad) đã có công văn gửi Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc) đề nghị trả lời vụ việc nói trên. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 tháng, phía Trung Quốc vẫn chưa trả lời.
Thậm chí, dư luận còn tỏ ra bất ngờ và phẫn nộ trước câu trả lời tỏ ra thờ ơ và thiếu trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi cho rằng, “hoa quả nhiễm độc Trung Quốc… vẫn an toàn”.
Lý lẽ ông Hồng đưa ra cho rằng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phát hiện trong 300 tấn hoa quả mới chỉ cao hơn 2-3 lần. “Mức này là cực kỳ an toàn và người tiêu dùng đã sử dụng số hoa quả mà chúng tôi phát hiện nhiễm độc vẫn đang còn rất an toàn”.
Dường như để minh chứng cho việc “rất an toàn”, ông cũng khẳng định rằng, bản thân ông vẫn ăn vì chưa ảnh hưởng đến sức khỏe. Và, ông cho rằng, “phải ăn ăn 70 quả táo thì mới mất an toàn. Chúng ta không thể ăn mỗi ngày bằng ấy táo được nên không thể ảnh hưởng đến sức khỏe được”.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, cơ quan sẽ lấy mẫu kiểm tra sau, “chỉ trong trường hợp đặc biệt là ngay sau khi kiểm tra mức độc hại quá cao và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rất lớn thì mới ngay lập tức công bố để người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm đó trong một thời gian, đồng thời truy xuất lại và tiêu hủy”.
Lỗi của lực lượng chức năng hay của Thông tư 13?
Từ lâu, thực hiện thông thương giữa 2 nước Việt Nam- Trung Quốc, rau quả là mặt hàng đánh thuế suất bằng 0%, vì vậy, hầu hết rau quả Trung Quốc vào Việt Nam đều là hàng chính ngạch. Song, người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, vì sao nhập khẩu chính ngạch vẫn có hàng trăm tấn hoa quả nhiễm “độc” lọt lưới, sự kiểm soát của cơ quan chức năng có vấn đề?
Trả lời báo giới về vấn đề xử lý, kiểm định mẫu thực phẩm nhập khẩu, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, cơ quan chức năng đã tiến hành theo đúng quy định tại Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT, ngày 16/3/2011 về hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu của Bộ này.
Như vậy rõ ràng Thông tư 13 của Bộ Nông nghiệp đang “tiếp tay” cho thực phẩm độc Trung Quốc dễ dàng chảy vào tiêu thụ tại Việt Nam?
Quả thật, theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này, thì phương thức kiểm tra, lấy mẫu thông thường được áp dụng theo cách: “Thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất tối đa đến 10% tùy theo mức độ rủi ro của hàng hóa”.
Ngoài ra, “việc lấy mẫu kiểm nghiệm được thực hiện bất kỳ trong số các lô hàng kiểm tra nhập khẩu” và “lô hàng kiểm tra được phép làm thủ tục thông quan không phải chờ kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm”, Thông tư nêu rõ.
Khi hàng Trung Quốc được nhập về Việt Nam chờ thông quan tại các cửa khẩu, cơ quan kiểm định chỉ việc lấy mẫu ngẫu nhiên vài kg rồi mang đi kiểm định, và ngay lập tức xe hàng sẽ được làm thủ tục thông quan dù chưa biết kết quả lô hàng đó có an toàn hay không.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật khẳng định “đó là quy định hoàn toàn đúng, theo thông lệ quốc tế” nhưng với những người dù không nắm chắc cũng nhìn ra kẽ hở của thông tư này.
Tại sao hàng hóa lại dễ dàng được thông quan, được cho phép bán ra trong khi kết quả kiểm định chưa có? Làm vậy chẳng hóa đồng nghĩa với việc kiểm định chỉ để “cho vui”, hay nói theo cách của cơ quan quản lý là “để cảnh báo những lô hàng sau”?
Vấn đề là mỗi ngày có biết bao nhiêu tấn hoa quả độc được cơ quan quản lý cho phép chuyển đến tay người tiêu dùng Việt Nam và ai chịu trách nhiệm về sự nguy hại này nếu cơ quan quản lý cứ một mực “chúng tôi thực hiện đúng theo Thông tư”?
Kẽ hở tại Thông tư 13 đã rất rõ ràng và vấn đề đặt ra là cần thiết phải điều chỉnh ngay Thông tư này cho phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật đã khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Trong trường hợp này Việt Nam đã làm theo đúng trình tự quy định theo thông lệ quốc tế. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ không phải sửa đổi gì quy định hiện hành”.
Dư luận cho rằng, trước một sự việc dù “đúng theo quy định”, nhưng chắc chắn đang có hại cho dân thì với người có trách nhiệm, không bao giờ được phép trả lời dửng dưng như thế!
Thiết nghĩ, người dân cần tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe bản thân trước khi hàng rào kiểm soát hàng kém chất lượng được siết chặt hơn./.
Bình luận