Theo Bộ Công Thương, hiện nay, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu sữa, còn lại phải nhập khẩu. Khi Việt Nam TPP, thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu giảm từ 5% xuống còn 0%.

Tuy nhiên, trả lời trên Báo Thanh niên điện tử, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sữa Hà Nội cho biết: “Cạnh tranh chủ yếu diễn ra trong phân khúc sữa bột. Dự báo, giá sữa bột công thức sẽ giảm nhiều, giá sữa tiệt trùng có thể giảm một ít, nhưng giá các loại sữa còn lại sẽ không giảm hoặc giảm không đáng kể”.

Cũng theo ông Tuấn, do chi phí sữa nguyên liệu chỉ chiếm 20%-25% giá thành sản xuất, vì vậy, việc thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu giảm xuống 0% chỉ giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 0,5%-1%. Chưa kể, các chi phí khác, như: điện, nước, tiền lương... luôn có xu hướng đi lên, nên giá sữa trong nước chỉ giảm không đáng kể, không như kỳ vọng của người tiêu dùng.

Khi TPP được thực thi, những dòng sản phẩm của các quốc gia về sữa, như: New Zealand, Australia, Hoa Kỳ... sẽ tràn vào Việt Nam.

Đáng chú ý, chi phí sản xuất sữa tại các quốc gia này thấp hơn đáng kể so với Việt Nam, chẳng hạn, như: Australia, New Zealand chỉ có 35 USD/100kg sữa tươi, trong khi ở Việt Nam khoảng 42-52 USD/100kg sữa tươi... Khi đó người tiêu dùng sẽ có lợi khi dùng sữa ngoại giá rẻ và chất lượng cao.

Chắc chắn các doanh nghiệp sữa Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn so với sữa nhập khẩu về giá. Như vậy, trong thời gian ngắn sắp tới, sữa và các sản phẩm sữa ở Việt Nam sẽ phải giảm giá so với hiện nay để có thể cạnh tranh tồn tại với sản phẩm nhập khẩu.

Sản xuất và chế biến sữa của Việt Nam không có cách nào khác phải tìm các phương pháp giảm giá thành sản phẩm như đầu tư con giống, công nghệ thu mua chế biến để tăng năng suất, tăng hiệu quả và giảm giá thành sản phẩm.

Bởi vậy, theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hiệp hội Sữa Việt Nam: “Việc giảm giá sữa trong nước cũng cần phải có lộ trình và các doanh nghiệp cũng phải cân nhắc thời điểm chứ không phải thấy thế giới giảm mà họ giảm được ngay, vì giá thành sữa nguyên liệu của nông dân Việt Nam còn khá cao so với giá thành nguyên liệu sữa trên thế giới”.

Việt Nam đã và đang tham gia vào TPP, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, lộ trình trong thời gian tới, giá sữa vẫn chưa giảm được ngay vì các chi phí đầu vào vẫn đang ở mức cao, dự báo chưa có dấu hiệu suy giảm trong giai đoạn này. Nỗi lo của người tiêu dùng về giá sữa thì vẫn sẽ hiện hữu, khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Sớm nhất phải tới năm 2018, TPP mới có thể thực thi. Từ nay tới khi đó, các doanh nghiệp sữa nội chuẩn bị ra sao để “sống khỏe” và chiến thắng trong cạnh tranh với sữa ngoại? Và điều quan trọng hơn tất cả là doanh nghiệp nội thể hiện thế nào trách nhiệm xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt ra sao về dòng sữa đảm bảo và rẻ?

Tham khảo từ các nguồn:

http://baocongthuong.com.vn/gia-sua-trach-nhiem-xa-hoi.html

http://thanhnien.vn/kinh-doanh/ngong-sua-giam-gia-634996.html