Sẽ không có "cuộc dạo chơi lãng mạn" nào trong năm 2017!
Kinh tế thế giới đầy bất trắc
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), bên cạnh những vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế nội địa, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Chính vì thế, cần phải rất thận trọng ứng phó với những cú sốc trong thời gian tới.
Cụ thể, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản, đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Theo nhiều chuyên gia, điều hành kinh tế năm 2017 cần rất thận trọng
Một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.
Ngoài ra, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị đồng Việt và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng, khi đồng USD tăng giá. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, từ đó dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản, làm giá có thể giảm hoặc tăng chậm hơn dự kiến và điều này có thể gây ra những rủi ro cho các dự án bất động sản vốn đã đang trong tình trạng nhạy cảm, dễ tổn thương, từ đó lan sang hệ thống ngân hàng. Mặc dù điều này chưa xảy ra rõ ràng, nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng cần lưu ý.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu của VEPR cũng nhận định việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 01/2017 có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Mặc dù điều này là có lợi cho cán cân ngân sách, những việc giá dầu thô và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại có thể tạo ra sức ép lên lạm phát trong nước, vốn đã bị đẩy lên trong thời gian gần đây do việc điều chỉnh giá các nhóm dịch vụ công.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của việc Donald Trump phản đối ký kết TPP, có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm. Điều này có thể gây ra một số hệ lụy nhất định, đòi hỏi sự cải cách tốt hơn điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh, nhằm duy trì động lực tăng trưởng cho Việt Nam
Bổ sung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển nhận định, hiện tại chưa thể nói kinh tế vĩ mô ổn định vì nợ công lớn, lạm phát cao. Chính vì vậy, theo ông Tuyển, năm 2017, kinh tế cực kỳ bất định, nền kinh tế sẽ vừa có động lực và cả rào cản. Cụ thể, như: tín hiệu về cải thiện môi trường kinh doanh đang tạo ra động lực mới cho khu vực kinh doanh; dự báo tầng lớp trung lưu phát triển khá nhanh, dự kiến năm 2020 sẽ có 33 triệu người có thu nhập thu nhập trung lưu (15 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại cho rằng, 2017 sẽ là một năm không dễ dàng, không có cuộc dạo chơi lãng mạn, do đó cần đề cao tinh thần chiến đấu. Nội lực phải mạnh, để chuẩn bị đối phó với các cú sốc mới của nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng
Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, bên cạnh nhưng động lực trên, năm 2017 Việt Nam cũng gặp nhiều lực cản trong phát triển kinh tế và xã hội. Các lực cản chủ yếu như: đầu tư công hạn chế, nợ xấu chưa được xử lý triệt để, chưa kể, lãi suất trong năm 2017 hoàn toàn có thể tăng, thậm chí lạm phát cũng tăng cao hơn 2016. Tuy nhiên, tín hiệu về cải thiện môi trường kinh doanh đang tạo ra động lực mới cho khu vực kinh doanh. Khi kinh tế tư nhân phát triển, thì khu vực này trở thành động lực tăng trưởng.
Kinh tế tư nhân được kỳ vọng là động lực tăng trưởng trong năm 2017
Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng nhận định điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2017 được kỳ vọng là hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp chế biến, chế tạo.
Cụ thể, doanh nghiệp đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong năm 2016 được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích thêm: Dù năm 2016, kinh tế Việt Nam hết sức khó khăn, nhưng cần lưu ý, sự nỗ lực của Chính phủ khi thực hiện đối thoại với doanh nghiệp rất đáng ghi nhận. Đó sẽ là tiền đề tạo dựng môi trường, nền tảng tốt cho doanh nghiệp phát triển./.
Bình luận