Lao động thất nghiệp tăng 16.400 người

Số liệu thống kê cho thấy, số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp trong quý II/2016 đã tăng 16.400 người so với quý I/2016. Trong số 1,1 triệu người thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật. Nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ đại học trở lên có 191.300 người, tiếp đến là nhóm cao đẳng chuyên nghiệp có 94.800 người và trung cấp chuyên nghiệp có 59.100 người.

Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn còn khá cao (7,1%), con số này cao hơn tỷ lệ thất nghiệp của quý trước và cùng kỳ năm trước. Riêng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3% tổng số người thất nghiệp, gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Ngoài ra, số người thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng chiếm tới 22,6% tổng số người thất nghiệp.

Đáng chú ý, Bản tin cũng cho thấy, trong quý II/2016, số người có việc làm là 53,24 triệu, giảm 50.000 người (- 0,09%) so với quý I/2016. Trong đó, có 93,6 nghìn lao động làm công hưởng lương bị giảm trong quý II so với quý I (lĩnh vực giảm nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm 46,5 nghìn người).

Chất lượng lao động thể hiện qua tỷ lệ đào tạo nói chung cải thiện chậm, chiếm khoảng 20,62% lực lượng lao động, chỉ tăng 0,56 điểm phần trăm so với quý 2/2015.

Thất nghiệp thanh niên vẫn là thực trạng nhức nhối trong thị trường lao động Việt Nam

Thu nhập người lao động giảm

Theo số liệu từ Bản tin, thu nhập bình quân tháng trong quý II/2016 của người lao động làm công hưởng lương đạt 4,85 triệu đồng, giảm 228.000 đồng so với quý I. Trong đó, nhóm quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập bình quân tháng cao nhất (gần 8 triệu đồng), song thu nhập của nhóm “lao động giản đơn” tăng nhanh hơn (đạt 3,28 triệu đồng), thu hẹp khoảng cách với nhóm còn lại.

Đáng chú ý, khu vực nhà nước luôn được coi là khu vực trì trệ, năng suất lao động thấp và có mức thu nhập “không đủ ăn”. Nhưng điều tra trong bản tin cho thấy khu vực này luôn có mức lương cao nhất (6,72 triệu đồng), thậm chí cao hơn cả khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (5,53 triệu đồng).

Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho hay, nhóm nhà nước bao gồm cả khu vực hành chính nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Lương của khu vực hành chính nhà nước có thể thấp, nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước thì cao hơn. Bên cạnh đó, nếu xem về phân bố nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, khu vực DNNN bao giờ cũng có tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao hơn nên tiền lương khu vực này cũng phản ánh tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.

Cùng với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cuối năm, Bản tin đưa ra dự báo việc làm trong một số ngành sẽ tăng gồm: xây dựng, thông tin truyền thông, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, lao động trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy giảm do hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường tiếp tục tác động bất lợi đến nông nghiệp, làm cho sản lượng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cũng được dự báo có thể giảm xuống khoảng 2% trong các quý cuối năm 2016./.