Năm 2016: Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh Sóc Trăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 5,22%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,8 triệu đồng/năm.

Sản xuất lúa gặp khó khăn do ảnh hưởng hạn, mặn, mặc dù vậy, sản lượng cả năm vẫn đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Kết thúc năm lương thực 2016, toàn Tỉnh gieo trồng được 357.331 ha lúa; trong đó, có 148.463 ha lúa đặc sản và lúa thơm (chiếm 41,55% tổng diện tích), tăng 21% so với năm 2015. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt 2,12 triệu tấn (vượt 6% chỉ tiêu Nghị quyết). Mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tiếp tục phát triển; đã thực hiện được 263 cánh đồng trên diện tích 28.575 ha (chiếm 8% diện tích gieo trồng), tăng 14.343 ha so với năm 2015.

Về xây dựng nông thôn mới: Trong năm 2016, toàn Tỉnh huy động được 2.071 tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới; trong đó, vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới chiếm tỷ lệ 8%; vốn lồng ghép 23%; vốn tín dụng 48%, còn lại là vốn đóng góp của cộng đồng. Tính đến cuối tháng 11/2016, toàn Tỉnh có 21 xã được công nhận đạt chuẩn; đối với các xã còn lại, có 23 xã đạt 15 tiêu chí trở lên (trong đó có 3 xã đạt 18 tiêu chí).

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Mặc dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) là 25.000 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 11,37% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 630 triệu USD, tăng 19% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu thủy sản 573,5 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu là 135,4 triệu USD, giảm 28% so cùng kỳ, chủ yếu là nhập khẩu tôm nguyên liệu (chiếm trên 90% tổng giá trị nhập khẩu).

Bên cạnh đó, thương mại và dịch vụ, du lịch có chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội là 56.864,2 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Trong năm 2016 có khoảng 1,13 triệu lượt khách đến tỉnh Sóc Trăng tham quan du lịch, tăng 5,76% so với năm trước.

Về tình hình phát triển doanh nghiệp: Trong năm 2016, toàn Tỉnh có 330 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 9% so với năm trước), 60 doanh nghiệp giải thể (giảm 20%). Tính đến hết năm 2016, toàn Tỉnh hiện có 2.366 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 20.160 tỷ đồng (bình quân 8,5 tỷ đồng/doanh nghiệp). Nhìn chung, doanh nghiệp có nhiều cố gắng trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 tạo thêm việc làm mới cho 4.000 lao động (bình quân 12 lao động/doanh nghiệp). Hoạt động của các doanh nghiệp khả quan hơn so với năm 2015, nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất sau khi cơ cấu lại.

Cùng với đó, kinh tế tập thể có những bước chuyển biến về cơ cấu, trong năm có thêm 10 hợp tác xã thành lập mới và 24 hợp tác xã giải thể; đến nay toàn Tỉnh còn 108 hợp tác xã đang hoạt động với 29.700 thành viên; trong đó có khoảng 81% số hợp tác xã đã chuyển đổi, đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Một số hợp tác xã, tổ hợp tác đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch nhằm giảm chi phí đầu tư, hạn chế được rủi ro, năng suất đạt cao hơn so với người dân chưa vào hợp tác, tăng thu nhập cho thành viên.

Năm 2017, quyết tâm tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế

Với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, năm 2017, Sóc Trăng sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó cần:

Tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, gắn với thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát dịch bệnh.

Phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, công nghệ cao. Từng bước chuyển đổi nuôi tôm nhỏ lẻ sang nuôi tôm tập trung theo hình thức liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác. Ưu tiên kêu gọi đầu tư các trại sản xuất giống thủy sản. Thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng mở rộng Cảng cá Trần Đề giai đoạn 2, khai thác tốt khu dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ tàu thuyền khai thác biển tại Cảng cá Trần Đề.

Huy động nguồn lực để đầu tư đê biển góp phần tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng và khả năng phòng hộ, chống xói lở xâm thực bờ biển, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế cho người dân. Triển khai thực hiện tốt phương án quy hoạch sử dụng đất rừng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn lực cộng đồng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới. Tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn đi đôi với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống nhân dân. Đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và quy trình sản xuất cho các hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát động, thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới theo Kế hoạch số 80/KH-UBND, ngày 31/10/2016 của UBND Tỉnh về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020. Rà soát, đánh giá lại các tiêu chí đã được công nhận, đảm bảo thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới.

Hai là, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy phát triển sản xuất; phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 43/KH-UBND, ngày 30/05/2016 của UBND Tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, ngày 28/4/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ; thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; nghiên cứu thực hiện, xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác xã kiểu mới. Thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”. Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế, các mô hình liên kết bền vững .

Ba là, tăng cường quản lý thu, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước và sử dụng vốn đầu tư công. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều hành ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, trong đó, tăng cường thu hút các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời, dành vốn nhà nước đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội. Đối với các dự án dở dang và các dự án khởi công mới, trong từng dự án thực hiện tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016 và Công văn số 8836/BKHĐT-TH, ngày 24/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.