Ngày 14/10/2019, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị người sử dụng lao động quốc gia năm 2019, đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Toàn cảnh Hội nghị

“Nóng” chuyện làm thêm giờ

Nói về vấn đề làm thêm giờ, ông Chu Văn An, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, doanh nghiệp thủy sản hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nguồn tài nguyên khai thác từ ngư dân, có tính mùa vụ và sản phẩm về nhà máy là phải chế biến ngay, do đó không thể tháng nào cũng như tháng nào mà áp trần giờ làm việc bình thường 44 giờ/tuần, rồi áp khung giờ làm thêm không quá 40 giờ/tuần và không quá 400 giờ/năm, như vậy là doanh nghiệp Việt chịu “một cổ ba tròng”.

“Hàng chục năm nay, ngành tôm chỉ nhiều nguyên liệu nhất từ 3-5 tháng mới cần làm thêm giờ. Còn các tháng khác làm không đến 8 giờ, thậm chí chỉ làm khoảng 5 giờ đã hết nguyên liệu. Minh Phú hiện có 44 nhà máy chế biến tôm, để chạy hết công suất chỉ cần 20.000 lao động. Mặc dù thu nhập cao, và có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng Tập đoàn chỉ tuyển được khoảng 13.000 lao động. Thiếu khoảng 35% năng lực sản xuất” - ông An cho hay.

Do đó, ông An đề nghị khi Chính phủ trình Quốc hội cần sửa lại quy định làm thêm giờ theo hướng: bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày và không quá 500 giờ trong 1 năm (bỏ quy định ràng buộc giờ làm thêm theo tháng).

Tham luận tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho biết, ngành điện tử đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất nhưng vẫn không thể thay thế con người, nên trong sản xuất vẫn phải tăng ca. Thực tế có thời điểm người lao động không làm đủ 48 giờ/tuần, nhưng cũng có khi vì hợp đồng giao hàng nên phải tăng giờ làm thêm.

"Vì quy định làm thêm giờ, nên có những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài phải thuê cả máy bay để chuyển hàng cho kịp thời gian hợp đồng. Giờ làm thêm nên gói theo năm, chứ không nên quy định theo tháng bởi sẽ rất vướng cho các doanh nghiệp" - bà Hương đề xuất.

Đồng quan điểm với những ý kiến của các doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, những lĩnh vực, như: thủy sản, chế biến nông sản có tính mùa vụ không thể để nông sản, thủy sản “chờ” thời gian làm việc bình thường để làm, bắt buộc phải chế biến ngay. Trong khi đó, thực tiễn doanh nghiệp đều trưng biển tuyển lao động nhưng không được.

“Doanh nghiệp Nhật Bản còn phàn nàn không tuyển được lao động, thì doanh nghiệp nào tuyển được. Cùng với đó, chi phí làm thêm giờ thì cao hơn lao động bình thường nên khi doanh nghiệp không thể tuyển lao động, lại vẫn phải thu mua nông sản cho người dân nên bắt buộc phải tăng giờ làm”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo Chủ tịch VCCI, người lao động cũng muốn tăng giờ làm thêm và sẵn sàng làm thêm. Vì thế, ông cho rằng, nếu áp quy định tại Dự luật như hiện nay, thì với thực tế này, doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt vi phạm quy định và các đối tác hủy hợp đồng.

"Những câu chuyện này là từ thực tế, từ đó đặt ra những vấn đề pháp luật", ông Lộc nêu rõ quan điểm.

Nên để chủ doanh nghiệp và người lao động “tự thỏa thuận”

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, thực tế có một số doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giờ làm thêm, nhưng đây là số rất ít. Do đó, không thể vì một số nhỏ doanh nghiệp lợi dụng mà bó buộc tất cả các doanh nghiệp.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, cần phải thống nhất lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động

Khẳng định rằng, đây không phải là quan điểm riêng của VCCI hay doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong mọi nền kinh tế, thì quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động là thống nhất với nhau.

“Cần phải tôn trọng quyền có việc làm của người lao động và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng sự thỏa thuận tự nguyện của người lao động và người sử dụng lao động trong thị trường lao động”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Đặc biệt, ông Lộc cho biết, 80% doanh nghiệp không tuyển được lao động có trình độ cao từ quản lý trở lên. Do đó, sửa đổi Luật phải căn cứ theo cơ cấu kinh tế, cơ cấu doanh nghiệp, phải phù hợp với tình hình hiện tại.

“Chúng ta không thể "nhảy cóc" lên nền sản xuất công nghệ cao. Do đó, sửa đổi Luật Lao động phải lắng nghe hơi thở nền kinh tế, phải đứng trên đôi chân ở trên mặt đất, không thể trên trời, không thể là kỳ vọng”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cho hay, cộng đồng doanh nghiệp quan ngại với những văn bản được đưa ra trước đó khi đứng quá nhiều về phía người lao động. “Nếu giảm giờ làm thì thu nhập của người lao động sẽ giảm đi. Tiền lương giảm đi thì người lao động vẫn buộc phải làm thêm những công việc khác, đó là nhu cầu chính đáng và họ vẫn có sức khỏe, có thời gian”, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định. Đồng thời cho biết cần rất cân nhắc quy định này.

Lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đang làm việc rất say mê, không quản ngày đêm. “Do đó, giờ làm thêm với quy định mức trần bó buộc như hiện nay gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, cần cân nhắc, doanh nghiệp kiến nghị tăng thêm 100 giờ làm thêm/năm so với quy định hiện nay”, TS. Vũ Tiến Lộc nói./.