Sửa Luật Thi đua, khen thưởng, đừng nặng “khen”, nhẹ “thưởng”
“Thưởng” cần tương xứng với “khen”
“Sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số hạn chế, bất cập...”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết tại hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức sáng nay (ngày 6/9), theo Văn phòng Quốc hội.
Các chuyên gia đề xuất nhiều ý kiến thẳng thắn cho dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội |
Đề cập cụ thể những hạn chế của Luật Thi đua, khen thưởng, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, đối tượng điều chỉnh khá rộng, song chưa bao quát được đầy đủ các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế... Thủ tục hành chính về khen thưởng còn phức tạp. Một số phong trào thi đua còn hình thức. Việc khen thưởng còn tràn lan, chưa kịp thời, một số trường hợp chưa chính xác, một số nơi còn hiện tượng cào bằng, chưa thực sự quan tâm khen thưởng người lao động trực tiếp sản xuất...
Để khắc phục những bất cập trên, qua đó mang lại tinh thần mới cho Luật Thi đua, khen thưởng, TS. Mai Thị Mai, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, hiện dự thảo Luật mới chỉ nhấn mạnh phần quy định liên quan đến “khen”, còn nội dung về “thưởng” thì chưa đầy đủ. Tuy dự thảo có nội dung liên quan đến quỹ thi đua - khen thưởng, nhưng còn rất thiếu và chưa cụ thể...
Cùng góc nhìn trên, PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, quy định về “khen” và “thưởng” phải tương ứng, đúng mức, hợp lý theo yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, thì mới có tác dụng tạo động lực thật sự cho công tác thi đua...
Về quy định “xử lý vi phạm về thi đua khen thưởng”, TS.Mai cho rằng, tại Khoản 6 Điều 96 của dự thảo có quy định: “Chính phủ quy định thủ tục hủy bỏ quyết định khen thưởng, tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước và thu hồi các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, hiện vật và tiền thưởng.”. Như vậy, có nội dung về việc thu hồi tiền thưởng từ việc thu hồi, huỷ bỏ, tước các danh hiệu vinh dự nhà nước, danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Thế nhưng, tại khoản 3, khoản 4 của Điều 96 dự thảo Luật có quy định: “Cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, pháp nhân bị xét xử oan, sai và đã được cơ quan có thẩm quyền minh oan, sửa sai, thì được xem xét phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước”, nhưng lại không đề cập đến việc hoàn trả số tiền thưởng của danh hiệu vinh dự nhà nước đã bị thu hồi trước đó.
Đừng khen khi không xứng đáng
Theo ông Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nội vụ Hà Nội, bất kể ai nhận nhiệm vụ hay công việc đều được xem là cam kết hoàn thành công việc hay nhiệm vụ đó. Do vậy, việc hoàn thành công việc là bình thường không phải là một thành tích, chỉ khen khi có minh chứng rõ ràng về sự đóng góp sáng tạo trong công việc và nhiệm vụ.
Theo ThS. ậu Công Hiệp, một trong những bất cập hiện nay là thi đua trở nên cào bằng, thậm chí nhường nhau để phân bổ danh hiệu nhằm hưởng quyền lợi như nâng lương trước hạn, quy trình còn nhiêu khê, gây ra tâm lý làm cho qua ở nhiều cơ quan, đơn vị. |
Đồng tình với cách tiếp cận trên, Ths.Đậu Công Hiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị cần thay từ “chính xác” trong nguyên tắc khen thưởng tại điểm a, khoản 2, Điều 6 của dự thảo Luật thành “xứng đáng” để nhấn mạnh mức độ và hình thức khen thưởng phải tương ứng với thành tích, công trạng...
Để khắc phục tình trạng khen thưởng hình thức, ông Sửu đề xuất tinh thần sửa Luật cần xác định cơ chế: “quần chúng là người phản biện đề xuất khen thưởng của cấp trên trực tiếp của người được khen, cũng như người đề xuất khen thưởng phải có trách nhiệm về sự đề xuất đúng đắn của mình, thậm chí cần có cơ chế rút hay hủy quyết định khen thưởng”.
“Đối tượng được khen thưởng Huân chương các loại như quy định hiện hành mới chỉ từ cấp lãnh đạo quản lý và tương đương trở lên, trong khi có nhiều trường hợp, nhất là cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có vài chục năm công tác ở cơ sở, vừa không có lương hoặc lương chỉ là tượng trưng lại không được động viên thích đáng bằng tinh thần. Điều này là không công bằng. Do đó, cần mở rộng khen thưởng cho đối tượng có quá trình cống hiến như cán bộ cơ sở, thôn, bản....”, bà Dương Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thẳng thắn.
Theo Kế hoạch, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới./.
Bình luận