Tăng trưởng quý IV/2021: Vẫn còn nhiều cửa sáng cho nền kinh tế phục hồi
Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, |
Covid-19 và giãn cách kéo gãy động lực tăng trưởng “công nghiệp”
Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê ngày 29/9/2021, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), ông Phạm Đình Thúy cho biết, vì đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng, do đó tăng trưởng công nghiệp 9 tháng và quý III đều rất thấp. Đặc biệt ở khu vực phía Nam - vùng kinh tế có quy mô lớn nhất cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong 9 tháng đầu năm và quý III, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh lần lượt giảm 13% và giảm 47,1%, do đây là trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn nhất cả nước nên chịu tác động nặng nề nhất.
Chỉ số này trong 9 tháng và quý III của Bến Tre lần lượt âm 11,2% và âm 44,8%; của Cần Thơ lần lượt âm 9,8% và âm 41,9%; của Vĩnh Long lần lượt âm 4,5% và 36,8%; của Đồng Tháp lần lượt âm 9,9% và âm 34,1%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Theo Tổng cục Thống kê, số liệu sơ bộ cho thấy, hầu hết tỉnh trong khu vực đều có quý III tăng trưởng âm sâu, duy chỉ có Bình Phước tăng trưởng dương. Có 12/19 tỉnh tăng trưởng âm quý III trên 10%, riêng TP. Hồ Chí Minh suy giảm trên 20%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
“Khả năng rất cao hầu hết địa phương không hoàn thành được mục tiêu phát triển công nghiệp, cũng như phát triển kinh tế của cả năm, do đó ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành phát triển kinh tế của cả nước”, ông Thúy nói. Bởi, bình thường, 19 tỉnh thành Nam Bộ chiếm 44,4% tổng GDP của nước.
Cũng theo kết quả khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê trong tháng 9 vừa qua, 94,3% số doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó 19 tỉnh phía thành phía Nam có tới 98,9% số doanh nghiệp gặp khó khăn nặng nề, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
“Với những khó khăn như vậy, việc đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng không còn là dự báo mà chắc chắn xảy ra”, ông Thúy nhấn mạnh. Tổng cục Thống kê đánh giá tăng trưởng công nghiệp hiện nay chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch.
Trong khi thông thường, lĩnh vực công nghiệp xây dựng hiện nay chiếm trên 30% GDP và luôn đóng góp tích cực nhất cho bức tranh chung của nền kinh tế trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng chỉ ước tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%).
Dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, GDP quý III đã giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP đến nay; ngoại trừ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất đạt tăng trưởng dương 1,04%, các khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ giảm lần lượt 5,02% và 9,28% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn có những điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng 9 tháng đầu năm
“Mặc dù quý III âm sâu 6,17%, 9 tháng tăng trưởng có 1,42% nhưng nhìn trong tổng thể bức tranh chung chúng ta vẫn nhìn thấy điểm sáng”, phát biểu với báo giới ngày 29/9/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
|
Bà Hương chỉ rõ, trong bối cảnh khó khăn, khu vực nông lâm thủy sản vẫn giữ được vai trò trụ đỡ. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung.
“Điều này được coi như là nền tảng, đảm bảo được an sinh, an dân trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhờ đó, nguồn lương thực thực phẩm cho người dân, đặc biệt ở vùng dịch vẫn được đảm bảo. Trụ đỡ của nền kinh tế đã được khẳng định”, bà Hương chỉ rõ.
Điểm sáng tiếp theo đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng cao. Lý giải cho nhận định này, người đứng đầu Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%.
“Những con số này cho thấy chúng ta vẫn đảm bảo được sự kết nối với thế giới, khu vực”, bà Hương chia sẻ.
Tiếp theo là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện qua vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tăng thêm của các dự án.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, bà Hương cũng phải nhắc tới những con số không thể lượng hóa được đó là những tấm lòng, của cải vật chất không quy đổi bằng tiền, không tính qua tổng mức bán lẻ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc.
“Nhiều người trực tiếp mang đến tận vùng dịch. Những tấm lòng này phần nào giữ được ổn định đời sống nhân dân trong lúc khó khăn nhất”, bà Hương nói.
Ở góc độ điều hành chính sách trên thực tiễn, nguyên Viện trưởng CIEM, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã thay đổi, đã có các giải pháp phù hợp hơn với phương châm “bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”.
Ông khẳng định, đó là bước ngoặt tất yếu phải diễn ra. Một động thái quan trọng có thể kể đến là chiến lược ngoại giao vaccine Covid-19 được tiến hành rộng khắp và hiệu quả, góp phần đưa hơn 40 triệu liều vaccine về Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển hướng từ “Zero F0” sang sống an toàn, thích ứng với dịch.
Quý IV/2021: Tăng trưởng có thể tương đương quý II
"Thực tế với tăng trưởng chúng ta đạt được trong chặng đường 9 tháng đầu năm nay là thấp. Tuy nhiên với những quan sát mang tính dài hạn, qua những gì chúng tôi thấy thì tăng trưởng âm cả năm nay là khó xảy ra", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Thị Hương nhận định.
Theo bà, kịch bản này chỉ có thể xảy ra khi có những tác động mang tính bất ngờ, đột biến, không thể lường trước được của dịch bệnh.
“Đến lúc này, chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh và thời gian tới, tôi vẫn tin chúng ta kiểm soát được tốt. Tôi kỳ vọng quý IV có tăng trưởng cao, thậm chí cao hơn quý I và tương đương quý II. Hy vọng tình hình kinh tế sẽ khởi sắc cuối năm", bà Hương kỳ vọng.
Khẳng định khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho cả năm là khó khả thi, ông Nguyễn Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, dựa vào tăng trưởng 9 tháng của năm, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2021. Theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 2,5%. Để đạt được mức trên, thì tăng trưởng quý IV/2021 phải đạt 5,3%. Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 3%. Để đạt được mức này thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,1%.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, với kịch bản 1 thì mức tăng trưởng quý IV đạt 5,3%, mức này cao hơn quý I với 4,48% nhưng thấp mức 6,61% của quý II, nên sẽ khả thi hơn là kịch bản 2.
|
Đánh giá ở góc độ thực tế, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định rằng, khó khăn và tổn hại mà dịch gây ra vẫn còn tiếp tục và khó khắc phục trong thời gian ngắn, song ông cũng chỉ rõ, vẫn những yếu tố tích cực tạo đà cho phục hồi và tăng trưởng.
Đó là độ phủ vaccine đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các khu đô thị lớn, trung tâm kinh tế; dịch đang dần được kiểm soát; lạm phát tăng thấp dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững; mặt bằng lãi suất bình quân giảm…
Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được đưa ra kịp thời và có hiệu lực hơn trước, thể hiện qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có tỷ trọng đóng góp cao nhất vào GDP, có đến 73,7% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá quý IV sẽ ổn định và tốt hơn.
“Chính vì thế, có cơ sở để tin rằng quý và cả năm 2021 tình hình sẽ khả quan hơn”, ông Cung nêu quan điểm.
Dẫn các mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á công bố lần lượt là 4,8% và 3,8%, ông Cung lưu ý, những dự báo của các tổ chức đều giả định dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý III và các biện pháp cách ly dần được nới lỏng trong quý IV, sớm chuyển mọi hoạt động của đời sống xã hội trở lại bình thường mới, vị chuyên gia này dự báo: “theo tôi, chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế có thể chỉ đạt mức 2%-3%”.
Để nền kinh tế giữ được nhịp tăng trưởng dương trong năm 2021, theo TS. Nguyễn Đình Cung, cùng với đẩy nhanh hơn độ phủ vaccine, cần xây dựng khung khổ, tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của dịch bệnh để phân vùng theo nguy cơ: thấp, trung bình, cao; xây dựng quy định tiêu chuẩn về an toàn đối với sản xuất, kinh doanh và giao tiếp xã hội trong từng vùng và đối với di chuyển giữa các vùng; tiêu chuẩn an toàn trong mở cửa vận tải hành khách quốc tế và các chỉ tiêu về an toàn phòng dịch, được giám sát bởi công nghệ thông tin và công cụ thích hợp./.
Bình luận