Tham nhũng có chiều hướng gia tăng

Tại phiên họp thường trực mở rộng của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa diễn ra, các đại biểu đã nghe ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, theo Văn phòng Quốc hội.

Tham nhũng có chiều hướng gia tăng
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chủ trì phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2021, tệ nạn tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước... Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 26.576 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật.

Chính phủ nhận định, trong những năm tới, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Trình bày ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhóm nghiên cứu cho rằng, trong năm 2021 tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như: đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế…, trong đó có sự câu kết, “thổi giá” giữa cơ quan Nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định giá.

Đáng lưu ý là đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 với một số hành vi phổ biến như: mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh; lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi… Tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng vẫn còn. Do đó, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế.

“Mạnh tay” với cán bộ chống tham nhũng nhưng lại tham nhũng

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ đánh giá chi tiết về những lĩnh vực còn sơ hở, những quy định chưa phù hợp, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, những văn bản chậm được sửa đổi, bổ sung…, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra những hạn chế nêu này. Đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các quy định của luật, đồng thời bảo đảm hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Tham nhũng có chiều hướng gia tăng
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, cần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Quốc hội

Nhóm nghiên cứu còn đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tăng cường chỉ đạo xử lý kiên quyết, nghiêm hơn tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, trọng tâm là hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công quy hoạch, đấu thầu; khẩn trương hoàn thành, kết luận thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh…/.