Việt Nam là thành viên tích cực của đối tác NDC

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của mình và đệ trình INDC lên Ban thư ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH vào tháng 09/2015.

Quang cảnh hội thảo

Theo INDC của Việt Nam, Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với BĐKH tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Sau khi Việt Nam phê duyệt Thỏa thuận Paris ngày 31/10/2016, INDC của Việt Nam chính thức trở thành NDC và Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện từ năm 2021 trở đi.

Theo ông Martin Hoppe, Tham tán phát triển Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đánh giá, kể từ khi Việt Nam đệ trình INDC vào tháng 09/2015, một số chính sách mới đã được thông qua trong những năm gần đây như: Tổng sơ đồ Phát triển Điện 7 sửa đổi, chiến lược năng lượng tái tạo cũng như các mức tham chiếu REDD mới... Tiềm năng giảm nhẹ của Chiến lược năng lượng tái tạo còn lớn hơn tiềm năng giảm nhẹ đã xác định trong NDC.

Việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược năng lượng tái tạo nhằm giảm 25% lượng phát thải từ lĩnh vực năng lượng cho tới năm 2030 sẽ giúp đạt được mục tiêu có điều kiện của NDC. Điều này mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng đáng kể mức cam kết giảm nhẹ trong NDC cập nhật và đóng góp cho nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Chúng tôi tin rằng việc sử dụng tiềm năng giảm nhẹ này ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa về kinh tế trên cả quan điểm môi trường và quan điểm kinh tế.

Đặc biệt, ông Martin Hoppe nhấn mạnh, trong số 67 quốc gia là thành viên của Đối tác NDC, Việt Nam là một thành viên tích cực của Đối tác NDC kể từ khi thành lập. Vai trò quan trọng của Việt Nam đã được phản ánh thông qua việc Việt Nam là thành viên của Ban Chỉ đạo Đối tác NDC. Hiện Việt Nam cũng đang chủ trì Đơn vị Hỗ trợ cho Đối tác NDC.

Thành lập Tổ công tác chuyên ngành rà soát, cập nhật NDC

Thực tế, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP21) là Thỏa thuận lịch sử, là văn bản pháp lý đầu tiên ràng buộc trách nhiệm và cam kết thông qua NDC của mỗi quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Thỏa thuận, các quốc gia được kỳ vọng trình NDC cập nhật 5 năm một lần, xác định cam kết của mình nhằm góp phần giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2°C vào cuối thế kỷ; nỗ lực để hướng tới ngưỡng 1,5°C và phát thải bằng không vào nửa sau của thế kỷ này.

NDC là đóng góp của quốc gia nên cần có sự tham gia xem xét kỹ lưỡng của tất cả các bên đóng góp chính, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện đóng góp. Các bên cần hiểu rõ đóng góp của mình là gì; cần chuẩn bị gì để thực hiện đóng góp đó; trách nhiệm thực hiện thế nào sau khi đóng góp đó được thông qua…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đối tác phát triển và các bên liên quan rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai rà soát, cập nhật NDC

Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ rà soát, cập nhật NDC này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của các Bộ, ngành và các nhà khoa học. Kết quả thực hiện mỗi bước sẽ được thông báo rộng rãi và xin ý kiến của tất cả các bên có liên quan trước khi thực hiện các bước tiếp theo.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, các Bộ, ngành sớm cử cán bộ tham gia Tổ công tác rà soát, cập nhật NDC để có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Thứ trưởng Nhân mong muốn các bộ, ngành, địa phương, các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Dự kiến quá trình quan trọng này phải được hoàn thành trong năm 2019, trước thềm Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26).

Đánh giá về kế hoạch rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam, ông Martin Hoppe cho rằng, sự tham gia của các cơ quan, bộ ngành chủ quản ngay từ giai đoạn đầu của quá trình rà soát và cập nhật sẽ là một yếu tố chủ chốt mang lại thành công trong việc cập nhật cũng như triển khai NDC trong những năm tiếp theo. Bởi vì các bộ ngành liên quan đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai. Điều quan trọng là các biện pháp NDC đã được lồng ghép vào quá trình lập kế hoạch quốc gia, kế hoạch phát triển ngành cũng như quá trình dự toán ngân sách.

Rà soát, cập nhật NDC theo ba nội dung trọng tâm

Theo thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, việc rà soát, cập nhật NDC trong thời gian tới sẽ được triển khai theo ba nội dung trọng tâm. Cụ thể:

Một là: Việt Nam sẽ rà soát, cập nhật NDC để phản ánh được những yêu cầu mới trong nước và quốc tế. Vì thế, việc rà soát, cập nhật phải trên cơ sở NDC hiện tại, bổ sung thông tin về các chính sách mới của Việt Nam có liên quan đến biến đổi khí hậu, cũng như các diễn biến mới của quốc tế về biến đổi khí hậu, thu thập hoặc bổ sung thêm những khía cạnh mà quá trình xây dựng INDC chúng ta chưa có điều kiện xem xét. Mục đích chính và trên hết là làm sao NDC của Việt Nam phải khả thi; phản ánh nỗ lực cao nhất của Việt Nam trong điều kiện, hoàn cảnh hiện tại cũng như dự báo đến năm 2030.

Hai là: NDC là đóng góp của quốc gia, nên cần có sự tham gia xem xét kỹ lưỡng của tất cả các bên đóng góp chính; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện đóng góp. Các bên phải hiểu rõ đóng góp của mình là gì; cần chuẩn bị gì để thực hiện đóng góp đó; trách nhiệm thực hiện thế nào sau khi đóng góp đó được thông qua…

Ba là: Để đảm bảo tính tin cậy, khả thi của bản NDC cập nhật, cần thu thập tài liệu, thông tin, kết quả nghiên cứu và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở tất cả các lĩnh vực và từ các đối tượng bị tác động của biến đổi khí hậu.

Theo đó, Thứ trưởng Nhân kêu gọi các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các Bộ, ngành cung cấp các thông tin cần thiết hoặc thực hiện các nghiên cứu bổ sung để Nhóm công tác rà soát, cập nhật NDC hoàn thành nhiệm vụ. Bản NDC cập nhật sẽ là kết quả chung của sự nỗ lực, hợp tác, hỗ trợ của tất cả các Bên có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bởi thực tế, việc thực hiện tốt Thỏa thuận Paris không những thực hiện tốt cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, mà còn thể hiện trách nhiệm đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng ít phát thải, chống chịu cao trước tác động biến đổi khi hậu trách nhiệm việc khởi động, rà soát và cập nhật NDC là bước khẳng định cam kết của Việt Nam được đưa ra hết sức có trách nhiệm, bảo đảm sẽ khả thi và là nỗ lực cao nhất của Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay và dự báo đến năm 2030.

Cũng tại hội thảo, bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cập nhật NDC và khởi động quá trình này kịp thời. Đồng thời, bày tỏ niềm tự hào sẽ là một trong những đối tác phát triển hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong quá trình quan trọng này từ nay tới năm 2019./.