THỰC TRẠNG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT Ở VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt, như: tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương… Người tiêu dùng có thể sử dụng các giấy tờ có giá, tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ để thanh toán, nhưng chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người tiêu dùng và người bán trực tiếp trao đổi với nhau. Tại Việt Nam, Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12/2006 phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 được coi là hành lang pháp lý đầu tiên đề cập tới hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Mục tiêu tổng quát của Đề án này là nhằm đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, phát triển kết cấu hạ tầng thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, giảm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt trong thanh toán, tạo sự chuyển biến làm thay đổi tập quán thanh toán trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý nhà nước.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Việt Nam đã và đang bắt nhịp theo xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và đạt những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận.

Tiếp đến là Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 23/02/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 11/04/2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự… Tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, bao gồm: học phí, viện phí, điện, nước, môi trường... Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, như: Quyết định số 711/QÐ-NHNN, ngày 15/4/2020 ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số Việt Nam; Thông tư số 04/2020/TT-NHNN, ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN, ngày 05/12/2013 về ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo đó điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng… Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo toàn ngành ngân hàng tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam - NAPAS (với vai trò là tổ chức chuyển mạch), cho phép kết nối thanh toán trực tiếp qua Cổng dịch vụ công quốc gia với tất cả các tổ chức tín dụng/trung gian thanh toán có nhu cầu. Nhờ đó, thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ.

Hạ tầng thanh toán phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng được cải thiện. Các ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ, giải pháp mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán. Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng và phát huy hiệu quả. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn.

Mặt khác, các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng, như: eKYC, QR code, thanh toán không tiếp xúc..., đồng thời từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng, đó là: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế…

Vì vậy, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam thời gian qua vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 4/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271.000 POS và hơn 19.000 ATM. Giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020 (Nhuệ Mẫn, 2021).

Hạn chế và nguyên nhân

Là chủ trương lớn của Chính phủ, được triển khai rộng rãi với những ưu điểm “ích nước, lợi nhà”, nhưng thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng. Điều đáng nói là không chỉ với người dân, mà ngay cả chính các doanh nghiệp cũng đang “ngại” với hình thức thanh toán này. Nguyên nhân là do:

Thứ nhất, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn.

Một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử diễn biến phức tạp, như: một số tổ chức, cá nhân sử dụng máy POS, thiết bị di động có nguồn gốc từ nước ngoài để chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, không tuân thủ quy định pháp luật; hay hoạt động thanh toán cho các dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung ứng xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam... còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý.

Thứ hai, kết cấu hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán còn kém hiệu quả. Nếu so với các nước trong khu vực, tỷ lệ số lượng máy ATM trên dân số của Việt Nam vẫn còn thấp: tỷ lệ ATM/100.000 người trưởng thành bình quân của khu vực ASEAN năm 2017 là 42,34, trong khi Việt Nam là 24,44 (Phạm Tiến Dũng, 2019).

Hơn nữa, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung phát triển tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và khu chế xuất. Thực tế cho thấy, mạng lưới máy rút tiền tự động hay máy POS còn rất hạn chế do được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn…, trong khi ở khu vực nông thôn, miền núi còn ít, gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày dẫn đến việc thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn lớn.

Thứ ba, chi phí phát hành thẻ cao. Chi phí bình quân phát hành 1 thẻ vào khoảng 5 USD/thẻ, trong khi chi phí phát hành thẻ trên thế giới khoảng 1 USD/thẻ (Lưu Phước Vẹn, 2019). Lãi suất cho vay qua thẻ cao cộng thêm các khoản phí dịch vụ theo thẻ, như: phí thường niên, phí in sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ, phí giao dịch… khiến người sử dụng còn e ngại.

Thứ tư, thông tin tuyên truyền về các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được quan tâm, chú trọng. Những mục tiêu chiến lược, định hướng và các chính sách lớn để phát triển hoạt động thanh toán chưa được công chúng nhận thức đầy đủ và đúng đắn. Vì vậy, không chỉ người dân mà cả các doanh nghiệp hiểu biết còn ít hoặc hiểu biết mơ hồ về các dịch vụ thanh toán và phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán. Hơn nữa, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn đang phổ biến, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán khá cao so với nhiều nước trên thế giới. Theo Báo cáo “Thái độ thanh toán của người tiêu dùng” do Visa công bố, tiền mặt vẫn là hình thức người dân Việt Nam được ưa chuộng nhất với tỷ lệ người trả lời cho biết đang dùng tiền mặt để thanh toán tăng thêm 20%, từ 71% năm 2017 lên 91% năm 2018 (Hình).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để thúc đẩy hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, thời gian tới cần chú trọng những giải pháp chủ yếu sau:

Về phía Nhà nước

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới.

- Nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia (hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng); thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả, liên tục, đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh chóng, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng của hoạt động thanh toán điện tử, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại nhằm tăng mức độ tiện lợi, giảm chi phí sử dụng và rủi ro, đảm bảo an toàn về tài sản và thông tin của người sử dụng. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng (KYC) bằng phương thức điện tử để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định.

Về phía các tổ chức tín dụng

- Tăng cường các hoạt động marketing hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử. Tận dụng sự phát triển của các kênh truyền thông online, mạng xã hội, tăng cường truyền thông để mỗi người dân hiểu rõ ưu, nhược điểm của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán, đồng thời tự quyết định chọn lựa hình thức thanh toán phù hợp nhất.

- Đẩy mạnh tích hợp các loại thẻ với các thẻ thanh toán mà người dân đang sử dụng phổ biến để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng. Chủ động liên kết với nhà mạng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng sang các ví điện tử của khách hàng tại các thuê bao khi những dự án của nhà mạng được pháp luật cho phép.

- Nghiên cứu điều chỉnh mức phí hợp lý cho những khách hàng có nhiều giao dịch trong một ngày, nhất là những giao dịch nhỏ.

- Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính; phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng. Cần ưu tiên mở rộng cơ sở hạ tầng tới vùng sâu, vùng xa để tiếp cận, cải thiện những khó khăn còn tồn đọng trong thanh toán không dùng tiền mặt của những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa đạt điều kiện sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của xã hội./.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020

2. Thủ tướng Chính phủ (2020). Chỉ thị số 22/CT-TTg, ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

3. Phạm Tiến Dũng (2019). Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Khách hàng là trọng tâm, Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

4. Visa (2019). Báo cáo Thái độ thanh toán của người tiêu dùng

5. Nhuệ Mẫn (2021). Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh cả số lượng và chất lượng, truy cập từ https://tinnhanhchungkhoan.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tang-manh-ca-so-luong-va-chat-luong-post271755.html

6. Lưu Phước Vẹn (2019). Phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam hiện nay, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/phat-trien-hoat-dong-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-o-viet-nam-hien-nay-306208.html

TS. Nguyễn Thị Thùy Hương - Học viện Tài chính

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8/2021)