Thị trường bán lẻ Việt Nam: Vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến sau
Trong bài tham luận gửi tới Diễn đàn Đầu tư Tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đưa quan điểm, dù thị trường bán lẻ Việt Nam đến nay đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, song sự phát triển cũng chỉ mới là giai đoạn đầu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn
2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa
Theo ông Phú, đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống.
Thời gian tới với sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, đồng thời thay đổi những hành vi mua sắm của người tiêu dùng xã hội, các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh của mình.
“Giai đoạn tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh cả trực tiếp và bán hàng online, mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã có lúc không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình shopping mail, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp…”, ông Phú nhận định.
Trên thực tế 1-2 năm nay trên thế giới đã có một số nhà bán lẻ trực tiếp do không kịp thích ứng với thời đại mới đã phải đóng cửa, trong khi đó các kênh bán hàng online lại phát triển, điển hình như các tập đoàn bán lẻ Online Amazol, Alibaba đang hoạt động mạnh mẽ ở các thành phố trên toàn thế giới. Tác dụng của công nghệ mới không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh mà còn tác dụng tích cực trong việc tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững bởi nếu không có công nghệ thông tin thì các nghiệp vụ như thanh toán, logistic... khó mà phát triển nhanh và hiệu quả được.
Một số các nước đã áp dụng các công nghệ mới vào việc quản lý kho bãi, dự trữ hàng hóa, vận chuyển tương tác thường xuyên với khách hàng. Cá biệt một số nhà bán lẻ có tiềm lực, đã sử dụng trí tuệ nhân tạo, để sử dụng robot trong chuỗi cung ứng của mình, mặc dù chi phí khá cao. Bằng cách phân tích các dữ liệu tập hợp được cho phép các nhà bán lẻ biết được khách hàng của mình là ai, họ đang muốn gì? họ đang ở một điểm nào đó để phục vụ chu đáo, hiệu quả.
Về xu hướng tiêu dùng thời gian tới, chuyên gia Vũ Vinh Phú khẳng định, việc áp dụng công nghệ mới sẽ tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt với đà phát triển của công nghệ mới trong những năm tới thực sự bán lẻ sẽ lột xác để trở thành một ngành công nghệ bán lẻ trong tương lai ở mỗi nước có điều kiện phát triển.
Các nhà bán lẻ Việt Nam cần đi nhanh hơn và đi cùng nhau
Đối với Việt Nam, với dân số trên 90 triệu người, trung bình 1 người có 24h kết nối mạng trong mỗi tuần, với việc phổ biến, sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác là điều kiện để các nhà bán lẻ áp dụng những công nghệ bán hàng tiên tiến của mình.
Ông Phú chỉ rõ, các nhà bán lẻ Việt Nam cần đi nhanh hơn, đi cùng nhau để có một sức mạnh tổng hợp nhất là trong điều kiện đa số các doanh nghiệp Việt còn nhỏ bé trên thị trường.
“Ngành bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% trong tổng mức bán lẻ tiêu dùng xã hội, vẫn còn tiềm năng phát triển mặc dù vậy thực tế cho ta thấy kênh bán hàng truyền thống chiếm 75% còn lại, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%/1 năm trong một vài năm gần đây, so với sự phát triển của 2 con số 1 năm của kênh bán lẻ hiện đại cho ta thấy tương lai của việc áp dụng các công nghệ tiên tiến và sự phát triển của kênh thương mại hiện đại là rất sáng sủa trong những năm tiếp theo”, vị nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đưa nhận định.
Trong bối cảnh mới, các nhà bán lẻ Việt cần nắm bắt công nghệ tiếp thu nhanh và hiệu quả các kinh nghiệm của các nước đi trước để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình ngay ở thị trường nội địa.
Những nhà bán lẻ Việt Nam có khá nhiều lợi thế so sánh với các nhà bán lẻ nước ngoài như tiềm lực về màng lưới sẵn có, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt Nam… không có lý gì để phát huy những lợi thế vốn có đó kết hợp với các công nghệ hiện đại của thế giới, bán lẻ Việt Nam cần phải thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển quỹ hàng hóa Việt để nâng cao năng lực cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước.
Thời đại bây giờ không chỉ là quảng cáo cái gì cũng nhất, mà phải là sự cá biệt, sự đổi mới của từng doanh nghiệp bán lẻ Việt. Chữ tín của các doanh nghiệp phải đưa lên hàng đầu, chiếm được trái tim của người tiêu dùng. Tăng cường kết nối 6 nhà, trong đó có vai trò của nhà phân phối là rất quan trọng.
“Hàng hóa cần phải đẩy mạnh việc tiếp thị, quảng cáo ở thị trường làm ăn trung thực, có trách nhiệm và có văn hóa, tạo mối liên kết, bền chặt giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau”, vị chuyên gia này đề xuất.
Về phía vai trò của Nhà nước, ông Phú cho rằng, Nhà nước cũng cần hỗ trợ để có những tập đoàn lớn và bán lẻ có đủ lực để dẫn dắt thị trường.
Dẫn lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ rằng, Việt Nam muốn có cơ hội phát triển thì trước hết hãy "đào mỏ vàng" ở thị trường trong nước trước đã, ông Vũ Vinh Phú khẳng định, đó là một định hướng đúng đắn mà người đứng đầu đã chỉ ra cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới. Mấy vấn đề cốt yếu của nhà bán lẻ cần lưu ý đó là tốc độ, thương hiệu và niềm tin khách hàng.
Ông Phú thẳng thắn rằng, bây giờ mua bán là mua bán niềm tin , người tiêu dùng không thể thông thái để hiểu biết được 40.000 mặt hàng trong siêu thị, mà bản thân doanh nghiệp bán lẻ phải tạo điều kiện giới thiệu một cách cặn kẽ về những mặt hàng mình có. Từ đó xuất hiện nhu cầu mua hàng hàng ngày của họ.
“Niềm tin và thương hiệu không thể gây dựng một sớm, một chiều mà phải bằng một quá trình dài lâu mới có thể thực hiện được. Niềm tin được chứng minh bằng những hành động cụ thể trong hàng hóa, trong phục vụ, trong giao tiếp hàng ngày”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Ngoài ra, ông Phú còn nhấn mạnh đến chất lượng phục vụ và văn hóa kinh doanh. Theo ông, cần đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực chuyên nghiệp để thu mua, quản lý và bán ra hàng hóa hàng ngày, công nghệ 4.0 đã lan tỏa nhanh vào hệ thống bán lẻ Việt Nam.
“Trong điều kiện thực tế như vậy không có lý do gì mà chúng ta không tận dụng khai thác được nó trong năm 2019 và những năm tiếp theo, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Phú tâm huyết./.
Bình luận