Tóm tắt

Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới với quy mô và tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua. Với thị trường hơn 100 triệu người tiêu dùng, trong đó, đa phần là người trẻ và sự đô thị hóa mạnh mẽ, nên ngành bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Bài viết khái quát thực trạng thị trường bán lẻ ở nước ta hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của thị trường này.

Từ khóa: thị trường bán lẻ, người tiêu dùng, tiềm năng phát triển

Summary

According to the Ministry of Industry and Trade, Vietnam's retail market is one of the most attractive in the world with large scale and double-digit growth rate for many years. A a market of more than 100 million consumers, most of which are young people, and the strong urbanization indicate that Vietnam's retail sector has huge potential for development. The article summarizes the current situation of the retail market in our country and proposes some solutions to promote the development of this market.

Keywords: retail market, consumers, development potential

GIỚI THIỆU

Việt Nam đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu với kinh tế khu vực và thế giới. Các chủ thể kinh tế của Việt Nam đang trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu (CCUTC) của rất nhiều nhóm ngành hàng một cách toàn diện, từng bước khẳng định được vị thế của mình. Hoạt động bán lẻ ở Việt Nam - một khâu trong CCUTC - đã đang và sẽ có những thay đổi đáng kể để phù hợp với sự thay đổi của CCUTC. Vì vậy, cần thiết có một nghiên cứu về thực trạng và một số khuyến nghị nhằm phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ VIỆT NAM NĂM 2022

Tác động sâu rộng của dịch Covid-19 và những xung đột chính trị - quân sự giữa một số quốc gia ở một số khu vực trên thế giới, cùng những yếu tố khó lường khác đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường bán lẻ toàn cầu, trong đó có thị trường bán lẻ Việt Nam.

Thị trường bán lẻ thế giới đang dần sôi động trở lại sau khi các quốc gia mở cửa lại nền kinh tế (muộn nhất là Trung Quốc – nền kinh tế thứ hai thế giới – sau 3 năm thực hiện chính sách “zero covid”). Với những chính sách và giải pháp quyết liệt, sát với thực tế của Quốc hội và Chính phủ, kinh tế nước ta đã có sự phục hồi mạnh mẽ, có tác động tích cực tới sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong nước. Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường bán lẻ nước ta năm 2022 đạt khoảng 142 tỷ USD và dự báo năm 2025 tăng lên 350 tỷ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách (Nguyễn Vân, 2022). Thị trường bán lẻ trong nước sau 3 năm trầm lắng do đại dịch Covid-19 đã có những dấu hiệu tích cực trong năm 2022, thể hiện qua một số điểm sau:

- Doanh số bán lẻ đã có sự tăng trưởng nhanh. Đại bộ phận doanh nghiệp bán lẻ đều tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tốt của thị trường bán lẻ trong nước. Khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo năm 2022 cho thấy, tuy 42% nhà bán hàng ghi nhận sự sụt giảm doanh thu so với năm 2021, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30%, doanh thu chiếm 6,36%.

- Các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp liên tục thực hiện các hoạt động quảng bá, khuyến mại để thu hút khách hàng, đi kèm với các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong điều kiện mới. Điển hình như: Bộ Công Thương phát động Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022 trên phạm vi toàn quốc; các địa phương lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đều phát động Chương trình Tháng khuyến mại hàng năm; các siêu thị, trung tâm thương mại cũng phát động tháng khuyến mại trong năm với nhiều ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng.

- Các chủ thể tham gia hoạt động bán lẻ (doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) sử dụng đa dạng và linh hoạt phương thức tiếp cận với khách hàng; không chỉ dựa vào mạng lưới cửa hàng hoặc website bán hàng; áp dụng phương thức bán hàng đa kênh trên cả 2 nền tảng là trực tiếp và trực tuyến.

- Tác động từ giai đoạn bị phong tỏa do dịch Covid-19 và bùng nổ các ứng dụng mới của AI, IoT, Bigdata… đã thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử với các phương thức khác nhau (website, mạng xã hội, marketplace…), tạo ra những tiện ích mới cho khách hàng khi “dạo quanh thị trường” để tìm kiếm thông tin và quyết định mua hàng.

- Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’, tăng tỷ trọng hàng Việt Nam trong danh mục mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng của sản xuất trong nước. Kết quả thăm dò dư luận xã hội về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai vào tháng 9/2022 cho thấy, 94% người được hỏi cho rằng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ít nhiều có hiệu quả đối với việc thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ người đánh giá “Hiệu quả cao” đạt 43%, tỷ lệ đánh giá “Hiệu quả có mức độ” chiếm đa số (51%) (Bảo Châu, 2022).

- Các chủ thể bán lẻ ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, AI, chuyển đổi số, eBanking… trong tổ chức kinh doanh và quản lý, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, về nhân lực, về chia sẻ và bảo mật thông tin với các đối tác và khách hàng.

- Những mô hình kinh doanh hiện đại có sự phát triển nhanh chóng, như: cửa hàng tiện lợi (MiniMart; Conveniences Story): Family Mart (Nhật Bản), 7 Seven (Mỹ), Circle K (Mỹ), Winmart+ (Việt Nam), K-Mart (Việt Nam)…, các trung tâm thương mại như: AEON (Nhật Bản), VinCom, Go!, MegaMaill… Trong đó, mô hình cửa hàng tiện lợi đã được phát triển ở các khu vực ngoài đô thị do phát huy được lợi thế về tính chất mặt hàng (chủ yếu là hàng nhật dụng), quy mô không gian cửa hàng không lớn, linh hoạt trong lựa chọn địa điểm. Những mô hình hiện đại này đã góp phần làm thay đổi phương thức kinh doanh và phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của khách hàng; tăng mức độ cạnh tranh trong hoạt động bán lẻ.

Bên cạnh những kêt quả tích cực, thị trường bán lẻ trong nước vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: vẫn còn hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... được đưa vào kinh doanh (kể cả ở một số trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị của doanh nghiệp bán lẻ lớn); thị trường khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa chủ yếu hoạt động bán lẻ vẫn do các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình kinh doanh, gây khó khăn trong công tác quản lý; mối liên kết trong chuỗi cung ứng giữa nhà bán lẻ với nhà sản xuất (nhất là với hàng nông sản) có lúc, có khu vực chưa tốt, chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng; kiểm soát hoạt động bán lẻ trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo...) còn hạn chế.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Nhằm phát triển thị trường bán lẻ trong nước, tác giả khuyến nghị với các chủ thể có liên quan đến hoạt động bán lẻ của Việt Nam như sau:

Về phía Nhà nước

- Bộ Công Thương đề xuất với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện một số chính sách về tài chính, về quy hoạch và phát triển lĩnh vực logistics (trọng tâm là về hạ tầng giao thông vận tải)… để hỗ trợ cho hoạt động thương mại.

- Tăng cường sự phối hợp liên ngành để giải quyết việc cấp phép đầu tư vào lĩnh vực thương mại; ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc tình trạng gian lận thương mại; hỗ trợ việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại.

- Các địa phương trên cơ sở phân cấp về thẩm quyền, thực hiện tốt việc quy hoạch về phát triển mạng lưới bán lẻ; đơn giản hóa thủ tục hành chính và hỗ trợ việc đầu tư các cơ sở kinh doanh theo mô hình hiện đại về vị trí bố trí cơ sở kinh doanh, liên kết với nhà xuất địa phương trong cung ứng hàng hóa.

Về phía các chủ thể kinh doanh

- Tăng cường mối liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng (nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ logistics, ngân hàng, viễn thông...) theo hướng bền vững, ổn định và lâu dài để đảm bảo được sự ổn định, khả năng kiểm soát từ nguồn của mặt hàng kinh doanh cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

- Mở rộng mô hình kinh doanh hiện đại dưới dạng cửa hàng tiện lợi (theo phương thức nhượng quyền) ở thị trấn, thị tứ, điểm du lịch tại khu vực nông thôn, miền núi.

- Với các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh theo mô hình chuỗi cửa hàng - siêu thị, trung tâm thương mại (như WinMart, Coo-Mart, Bách hóa xanh, Hapro...) cần tiếp tục có sự cải tiến về mô hình kinh doanh, tạo sự khác biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Tăng cường hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, quy hoạch không gian cửa hàng, huấn luyện kỹ năng phục vụ của nhân viên để tạo ra sự trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Với bán lẻ trực tiếp, điều này được thể hiện ở quy hoạch không gian cửa hàng, thiết kế tủ giá bày hàng bắt mắt, tinh thần và thái độ của đội ngũ nhân viên, tính đa dạng và thường xuyên đổi mới mặt hàng kinh doanh. Với bán hàng trực tuyến thể hiện ở việc thiết kế website bán hàng, tính thuận tiện trong việc tiếp cận và tương tác của khách hàng. Với các mạng xã hội, đề cao việc sáng tạo nội dung (contents creation), sử dụng người ảnh hưởng KOLs (key opinion leader), lưu giữ hồ sơ truy cập về sản phẩm của khách hàng…

- Tích cực tham gia vào hình thành “chuỗi cung ứng xanh”, “chuỗi cung ứng tuần hoàn” thể hiện qua việc giảm sử dụng túi nilon đựng hàng cung cấp cho khách hàng; thu hàng cũ đổi hàng mới (với hàng điện tử - điện lạnh), xử lý hàng thực phẩm đến hạn sử dụng hợp lý hơn (tập hợp, phân loại để làm công tác xã hội – từ thiện); phối hợp với người sản xuất sử dụng bao bì hàng hóa chế tạo từ nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc tăng khả năng tái sử dụng, tái chế...

- Sử dụng đa dạng các hình thức thanh toán. Đây là xu hướng với các nhà bán lẻ do thành tựu công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng (eBanking), hạ tầng mạng viễn thông, xu hướng sử dụng đồng tiền số (Trung Quốc đang đi đầu trong việc phát triển và thí điểm sử dụng đồng nhân dân tệ số). Đồng thời, đây cũng là yêu cầu bắt buộc khi Chính phủ yêu cầu các chủ thể kinh doanh từng bước hạn chế việc giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt.

- Gia tăng việc sử dụng các nền tảng xã hội (Facebook, Instagram,YouTube, Zalo, TikTok...) để khai thác cơ hội khách hàng ngày càng sử dụng nhiều phương tiện công nghệ thông minh (điện thoại, máy tính, TV...). Với việc tăng thêm các mạng xã hội và gia tăng số lượng người tham gia, truy cập; độ tuổi của người tham gia và theo dõi ngày càng đa dạng; khả năng tương tác nhanh và linh hoạt, có thể uplowd theo thời gian thực… các nền tảng xã hội đang thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng bán hàng Social commerce. Các nền tảng này cho phép người bán hàng sử dụng các tính năng livestream, video 360 độ, hình ảnh 3D, trí tuệ nhân tạo AI… để nâng cao hiệu quả tiếp cận, tương tác và mang đến những trải nghiệm mua sắm phong phú, từ đó thúc đẩy người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng và khả năng đáp ứng đơn hàng một cách nhanh chóng.

- Tham gia xây dựng “chuỗi cung ứng xanh”, “chuỗi cung ứng tuần hoàn”. Đây là vấn đề cấp bách do áp lực từ tình trạng biến đổi khí hậu, những thay đổi có tính cực đoan khó lường về khí hậu thời tiết; tình trạng suy kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, rác thải… Chính phủ Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp để thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế; đồng thời cũng tạo áp lực lên các chủ thể sản xuất kinh doanh trong nước để thực hiện. Việc xây dựng/tham gia các dạng chuỗi cung ứng trên, không còn là trách nhiệm xã hội mà còn là yêu cầu bắt buộc, liên quan đến lợi ích của các thành viên tham gia chuỗi, của quốc gia và có ý nghĩa toàn cầu.

- Chú trọng đến nghiên cứu nhu cầu mua sắm của khách hàng trẻ tuổi (thế hệ gen Z) do chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số, có khả năng tiếp cận nhanh chóng với nền kinh tế số, có sự độc lập về kinh tế, xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh với sự đa dạng về cơ cấu, mẫu mã hàng hóa. Nhà bán lẻ phải đa dạng cách thức chào hàng, thường xuyên đổi mới danh mục hàng hóa và tăng mức độ trải nghiệm cho nhóm khách hàng này.

- Tăng cường mối liên kết với các thành viên khác trong hoạt động du lịch, trong bối cảnh thị trường du lịch Việt Nam đã mở cửa trở lại, sớm hình thành dạng TourShopping, hoặc hình thành điểm đến mua sắm trong tour của các doanh nghiệp du lịch lữ hành dành cho khách du lịch./.

PGS, TS. Nguyễn Văn Minh

Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16, tháng 6/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Bảo Châu (2022), Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, truy cập từ https://tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-lam-thay-doi-nhan-thuc-va-hanh-vi-cua-nguoi-tieu-dung-141624.

2. Nguyễn Vân (2022), Thị trường bán lẻ dự kiến sẽ sôi động trong năm 2023, truy cập từ https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-ban-le-du-kien-se-soi-dong-trong-nam-2023-119489.html.

3. Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo (2022), Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán lẻ năm 2022.

4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 13/7/2021 phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

5. Trường Đại học Thương mại (2023), Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam năm 2022, Nxb Hồng Đức