Ngày 27/05 vừa qua, giá cà phê Arabica đã trở thành hàng hoá giảm giá nhiều nhất năm 2015 trong rổ các sản phẩm giao dịch năng đông nhất trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn ICE Futures US, khi giảm 47% từ mức giá đỉnh cao thiết lập ngày 13 tháng 10 năm 2014. Khi đó, giá cà phê Arabica giao tháng 09/2015 giảm xuống mức 126,30 cent/lb, mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua.

Tương tự, khi đó, giá cà phê Robusta giao tháng 09/2015 cũng giảm về mức 1592 USD/tấn, giảm hơn 600 USD so với mức đỉnh cao 2.252 USD/tấn thiết lập ngày 13/10/2014 và giá cà phê nhân xô tại Việt Nam giảm còn 34.5 triệu/tấn, giảm hơn 8 triệu mỗi tấn so với mức giá cuối năm trước.

Nhưng, kể từ đầu tháng 06/2015, giá cà phê đã đảo chiều tăng mạnh. Kết thúc tuần lễ giao dịch vừa qua, giá cà phê Arabica tăng 3,01% và giá cà phê Robusta tăng 11,37% so với mức giá thấp nhất vào cuối tháng 05. Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tăng 4 triệu mỗi tấn lên mức 38,4 triệu/tấn.

Dự báo, nguồn cung cà phê toàn cầu thiếu hụt 8,1 triệu bao so với nhu cầu tiêu thụ

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) trong báo cáo phát hành ngày 31/05 vừa qua đưa ra dự báo, nguồn cung cà phê toàn cầu thiếu hụt 8,1 triệu bao so với nhu cầu tiêu thụ và cơ quan cung cấp số liệu nông sản của Chính phủ Brazil (CONAB) dự báo sản lượng cà phê Brazil chỉ ở mức 44,3 triệu bao trong niên vụ 2015/2016, thấp hơn nhiều so với các dự báo của các tổ chức khác là các thông tin cơ bản ủng hộ giá cà phê tăng.

Hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố báo cáo thường niên về ngành cà phê toàn cầu lại dự báo sản lượng cà phê toàn cầu sẽ tăng thêm 6,4 triệu bao lên mức 152,7 triệu bao là con số khác biệt lớn so với báo cáo của ICO và CONAB nên trong ngắn hạn đã tác động tiêu cực lên giá cà phê. Tuy nhiên, USDA cũng dự báo thiếu hụt cà phê Robusta là chủ yếu và sức tiêu thụ nội địa của các nước sản xuất cà phê và nhu cầu nhập khẩu của các nước tiêu thụ cà phê chính của thế giới đang gia tăng, nên sẽ hậu thuận giá cà phê trong trung hạn.

Bên cạnh đó, USDA cũng điều chỉnh một số dữ liệu của báo cáo trước theo hướng dự báo giảm sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2014/2015. Đây cũng là thông tin tốt cho các nhà đầu tư giá lên.

Điểm nổi bật trong những tháng gần đây trên thị trường cà phê là, ngoài các yếu tố cung cầu, thời tiết, các yếu tố kinh tế - địa chính trị toàn cầu đang nổi lên như là những yếu tố lèo lái giá cà phê, đặc biệt nhất trong số đó là sự tăng giảm mạnh của đồng USD và sự trồi sụt của đồng nội tệ Brazil.

Đồng USD tăng giá mạnh mẽ từ năm 2014 đến tháng 04/2015 và sự mất giá kỷ lục của đồng nội tệ BRL của Brazil là tác nhân chủ yếu khiến giá cà phê giảm mạnh từ cuối năm 2014 tới cuối tháng 05/2015.

Qua đầu tháng 06/2015, sau những thông điệp do dự, thiếu tự tin của Fed về chính sách tiền tệ và các dấu hiệu chững lại của nền kinh tế Mỹ, đồng USD giảm nhiều và đồng BRL hồi phục đã kéo giá cà phê tăng.

Ghi nhận từ đầu tháng 06 cho thấy, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch kỳ hạn ICE Futures Europe và giá cà phê nhân xô tại Việt Nam tăng nhiều trong khi giá cà phê Arabica chỉ tăng cầm chừng trên sàn giao dịch kỳ hạn ICE Futures US.

Chênh lệch giá Arabica so với Robusta giảm sát mức 50 cent so với mức cao kỷ lục 127 cent hồi tháng 10 năm ngoái do giá cà phê Arabica đang “rẻ” di nhiều so với giá cà phê Robusta.

Các nhà phân tích cho rằng, sản lượng cà phê Robusta của Brazil giảm nhiều trong khi sản lượng cà phê Arabica gia tăng là nguyên nhân cơ bản.

Cùng với đó, sức kháng giá của người dân và nhà kinh doanh cà phê tại Việt Nam và Indonesia (hai nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới) là yếu tố hỗ trợ giá cà phê Robusta.

Ngoài ra, chênh lệch giá giữa hai loại cà phê Arabica và Robusta đang giảm dần do nguyên nhân đây đang là thời điểm Brazil thu hoạch rộ cà phê Arabica, trong khi Việt Nam đang bước vào cuối niên vụ và Indonesia đã thu hoạch xong vụ mùa hồi tháng 05/2015.

Khép lại phiên cuối tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 09/2015 đóng cửa ở mức 1773 USD/tán, giá cà phê nhân xô được giao dịch quanh mức 38,2-38,6 triệu/tấn còn giá cà phê Arabica giao tháng 09/2015 chốt ở mức 130,10 cent/lb.

Sản lượng cà phê Việt Nam theo thống kê và dự báo của USDA

Còn chưa đầy 4 tháng nữa là niên vụ cà phê 2015/2016 sẽ bắt đầu. USDA dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ tới sẽ tăng 400.000 bao lên mức 28,6 triệu bao do thời tiết thuận lợi.

Xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam được dự báo tăng 500.000 bao lên mức 25,5 triệu bao, trong khi đó, tồn kho cà phê vẫn ở mức cao.

Các dự báo

Hãng tin Bloomberg trong một khảo sát mới đây cho biết, lượng tồn kho cà phê trong dân ở Việt Nam đang ở mức cao và mới chỉ có hơn 40% sản lượng cà phê thu hoạch trong niên vụ 2014/2015 của Việt Nam được bán ra thị trường.

Họ cũng cho rằng, đa số người dân trồng cà phê chỉ quyết định bán ra nếu giá cà phê nhân xô trên 40 triệu/tấn.

Đang có nhiều dự báo khác nhau về tương lai của giá cà phê, nhưng nếu không có những biến cố bất thường về thời tiết, như: xảy ra sương giá tại Brazil (hiện tượng thời tiết này có thể gây thiệt hại nặng nề cho cây cà phê nên sẽ khiến giá cà phê tăng đột biến), giá cà phê trong những tháng cuối năm đang phụ thuộc chủ yếu vào báo cáo sản lượng cà phê thực tế của Brazil và diễn biến của đồng USD cũng như BRL.

Một nhà phân tích từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong chính sách tiền tệ sẽ là yếu tố quan trọng nhất tác động tới giá cà phê trong năm 2015 chứ không phải các yếu tố cung - cầu thông thường của ngành cà phê.

Nhà phân tích này cho rằng, đồng USD sẽ yếu trở lại và giá cà phê có thể tăng trong những tháng cuối năm 2015./.