Thị trường nông sản thế giới trong tuần qua
Doanh số bán hàng xuất khẩu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 11/12 vượt quá kỳ vọng, đạt 1,1 triệu tấn bắp, trong khi các thị trường thế giới chỉ kỳ vọng đạt trong khoảng 450.000-650.000 tấn. Theo Terry Reilly, nhà phân tích cao cấp hàng hóa tại Futures International: “Indonesia có thể nhập khẩu 3 triệu tấn bắp trong năm 2016 để đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng mạnh của thị trường nước này”. Đối với những thương vụ giao cuối kỳ, giá bắp giao tháng 3 đã tăng tới 1.3%, ước đạt 3.783 USD/giạ.
Trong khi đó, doanh số bán hàng xuất khẩu lúa mì của Mỹ cuối tuần qua dưới mức mong đợi, dừng ở mức 225.100 tấn. So với tuần trước đó, doanh số đã giảm 43%, và giảm 45% so với mức trung bình trong 4 tuần. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã xuất khẩu 14,7 tấn lúa mì, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái (17,375 tấn). Bên cạnh đó, lượng lúa mì xuất khẩu của các nước trong khối EU cũng giảm, chỉ đạt 563.000 tấn trong tuần qua. Tuy nhiên, trong đó khoảng 500.000 tấn lúa mì là cung cấp cho thị trường Algeria theo thỏa thuận trong cuộc đấu thầu với nước này. Trên sàn Chicago, giá lúa mì giao tháng 3 chốt phiên giảm 1%, ở mức 4,946 USD/giạ trong những thương vụ cuối kỳ.
Đậu tương là một trong những mặt hàng có doanh số tăng mạnh, đạt 1,453 triệu tấn, trong khi các thị trường thế giới chỉ kỳ vọng trong khoảng 700.000-1,1 triệu tấn. Tuy nhiên, thế giới đang lo ngại về giá đậu tương của Argentine (quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới) khi ông Mauricio Macri vừa nhậm chức tổng thống nước này vào ngày 10/12. Ông Macri cam kết thực hiện các cải cách nhằm khuyến khích các mặt hàng xuất khẩu, và theo đó, Argentine có nhiều khả năng sẽ nhanh chóng đẩy lượng dự trữ đậu tương nước này ra các thị trường toàn cầu. Khi thuế xuất khẩu đậu tương giảm 5% vừa chính thức được áp dụng tại Argentine, thị trường toàn cầu đang chờ đợi việc tất yếu sắp xảy ra là đồng nội tệ nước này mất giá so với đồng đô la, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nội địa. Giá đậu tương giao tháng 1/2016 đã tăng 0,3% trong các giao dịch cuối kỳ, ước đạt 8,792 USD/giạ.
Thị trường mía đường thế giới bắt đầu xu thế giảm giá từ cuối năm 2011. Đây là kết quả của tình trạng dư thừa nguồn cung mía đường thế giới. Trong phiên chốt tuần qua, giá trị thô mía đường sụt giảm đột ngột, dự báo có nhiều khả năng sẽ diễn ra tình trạng thanh lý vốn mía đường toàn cầu. Đồng real Brazil đang suy yếu so với đồng đô la gây ảnh hưởng đến đà suy giảm của giá mía đường do quốc gia này hiện là nước xuất khẩu mía đường lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc này cũng thúc đẩy sản lượng xuất khẩu mía đường của nước này ra thị trường thế giới khiến cho tồn kho toàn cầu tăng. Giá trị đường thô giao tháng 3/2016 hiện chốt giảm tới 3,6%, ở mức 14,55 cent/lb tại thị trường New York.
Từ tháng 11 đến nay, diễn biến giá mía đường thế giới tăng giảm liên tục, có khi cán đỉnh 15,49cent/lb, do thông tin việc sản xuất mía đường của Ấn Độ sụt giảm mạnh do bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng khô hạn do hiện tượng El Nino, khiến cho sản lượng niên vụ 2015/16 của nước này ước giảm khoảng 2 triệu tấn so với niên vụ trước đã hỗ trợ giá mía đường tăng lên; nhưng có lúc lại giảm mạnh dưới mức 14cent/lb do đồng đô la tăng mạnh ảnh hưởng đến hoạt động bán ra của các nhà xuất khẩu mía đường Brazil.
Tình hình lượng mưa ngày càng nhiều tại các vùng trồng cà phê chính của Brazil (quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới) đã tạo áp lực lớn khiến cho giá cà phê thế giới khó có khả năng phục hồi. Giá cà phê kỳ hạn arabica New York đóng cửa giảm 1.30 cent/lb còn 119.90 cent/lb, giá cà phê kỳ hạn robusta mất 23 USD/tấn còn 1.505 USD giao tháng 3/2016.
Tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam 11 tháng đầu năm
Theo thống kê của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 11 năm nay, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính trong nước ước đạt 12,74 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó các mặt hàng giảm mạnh là cà phê và cao su. Cụ thể, xuất khẩu cà phê 11 tháng đạt 1,13 triệu tấn với tổng giá trị 2,3 tỷ USD, giảm 27,7% về khối lượng và giảm 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Còn mặt hàng cao su ước tính khối lượng xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 983 nghìn tấn, giá trị đạt 1,35 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Bình luận