Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 19/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Với kết quả 408/456 đại biểu tán thành, chiếm 84,12% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức được thông qua.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức được thông qua
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2019, Luật này sửa đổi, bổ sung 37 Điều của Luật Giáo dục đại học. Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung quy định trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học như sau: “Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ của giáo dục đại học bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông. Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên, cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. Chính phủ quy định trình độ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù”.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng quy định rõ về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học: “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm: ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật.
Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm: ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật.
Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm: ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về các nguồn thu, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật”./.
Bình luận