Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao: Vẫn còn nhiều việc phải làm
Nhờ sự quan tâm từ phía Nhà nước, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Việt Nam tích cực thu hút tối đa nguồn vốn FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trong những năm qua, Việt Nam đã dần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài các luật, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…, nhiều văn bản pháp lý liên quan đã được ban hành. Cụ thể là: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/08/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ ra sự cần thiết phải “…có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả huy động vốn ODA và FDI”; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (giai đoạn 2008-2013) khẳng định, cần “mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn”; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, theo đó quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và khuyến khích tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn không phân biệt doanh nghiệp ở khu vực sở hữu nào…; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/04/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, từ chủ trương “phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”, Việt Nam tích cực thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nhờ sự quan tâm từ phía Nhà nước, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI vào nông nghiệp Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Tính đến tháng 10/2024, tổng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam ước đạt khoảng 4,8 tỷ USD, với khoảng 1.300 dự án đang hoạt động. Sự đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học.

Các nước và vùng lãnh thổ châu Á, như: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc… là những đối tác đầu tư lớn nhất vào ngành nông nghiệp. Các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực cơ bản như: trồng rau, trồng hoa và chế biến nông sản, chăn nuôi. Phần lớn các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp đều tập trung vào những địa phương có lợi thế về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, khí hậu…

Có thể thấy rõ, FDI đã tạo ra một số phương thức mới, có hiệu quả cao, nhất là các dự án đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu, góp phần cải thiện tập quán canh tác và điều kiện hạ tầng yếu kém, lạc hậu ở một số địa phương. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2023 đạt 53,01 tỷ USD.

Năm 2024, đã có những động thái tích cực trong thu hút FDI vào ngành nông nghiệp công nghiệ cao. Cụ thể, tháng 1/2024, Công ty Finc Bio-Tech Pte.Ltd (Singapore) đề xuất thuê 10 ha đất tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh để đầu tư dự án trồng nấm, tổng vốn đầu tư 33 triệu USD.

Nhà đầu tư cho biết, nhà máy trồng nấm sẽ được quản lý theo hệ thống quản lý chất lượng HACCP, áp dụng các tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khi được chấp thuận, nhà đầu tư dự kiến hoàn tất công tác xây dựng giai đoạn I trong 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh trồng nấm, doanh nghiệp sẽ đầu tư cả trung tâm lưu trữ các giống nấm ăn và trung tâm nghiên cứu, phát triển các giống nấm ăn.

Một doanh nghiệp FDI khác là Công ty HSC (Nhật Bản) hợp tác với Công ty cổ phần Smart Eco Farm (SEF) đề xuất thuê 3 ha tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM để xây dựng nhà máy chế biến trái cây bằng công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản. Dự kiến, 20 - 30% lượng sản phẩm sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam; 70-80% xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường quốc tế.

Cuối tháng 3/2024, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh tiếp và làm việc với đoàn Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan tại Việt Nam để bàn về việc hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Sau buổi làm việc và khảo sát thực tế, Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan tại Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ giới thiệu các doanh nghiệp Hà Lan có nhu cầu đầu tư hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam.

Không chỉ doanh nghiệp Hà Lan, các doanh nghiệp Mỹ cũng đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh. Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, trong tuần này, một phái đoàn gồm 46 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc tiểu bang Washington (Mỹ) sẽ đến TP. Hồ Chí Minhvà khảo sát tại Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi. Được biết, trong phái đoàn có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh.Trước đó, đ

Đa phần các nhà đầu tư đến từ các nước có công nghệ chưa cao

Mặc dù tỷ trọng FDI của cả nước có xu hướng tăng, nhưng dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, quá nhỏ cả về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng vốn FDI của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như thế mạnh phát triển nông nghiệp của Việt Nam.

Mặt khác, FDI trong khu vực nông nghiệp cao cũng có sự chênh lệch cao giữa các ngành nghề, thường tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh, như: chế biến nông sản thực phẩm, chế biến lâm sản, sản xuất thức ăn gia súc… Ngành trồng trọt ít thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

Về cơ cấu vùng, các dự án đa phần tập trung ở khu vực Đồng bằng Nam Bộ, tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là những địa bàn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… thích hợp cho phát triển nông nghiệp. Còn những khu vực có thời tiết, địa hình, giao thông… khó khăn như Trung du và miền núi phía Bắc, thì rất ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Hơn nữa, mặc dù đã có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, song đa phần các nhà đầu tư đến từ các nước có công nghệ chưa cao, còn những nước có nền công nghệ hiện đại, như: Mỹ, EU…, thì chúng ta chưa thu hút được nhiều dự án FDI. Không chỉ vậy, phần lớn các dự án FDI là quy mô nhỏ.

Nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ: (i) Đầu tư vào nông nghiệp mang tính rủi ro cao, chịu ảnh hưởng rõ rệt từ khí hậu, thời tiết, bệnh dịch. (ii) Công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng phục vụ nông nghiệp còn hạn chế. (iii) Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và các giải pháp số phục vụ ngành và đáp ứng như cầu ứng dụng công nghệ số trong quản lý vận hành từ trang trại đến thành phẩm. (v) Công tác vận động xúc tiến thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa hiệu quả, thiếu cả về nguồn lực và kinh phí để triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, chưa kết nối toàn quốc và danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong ngành.

Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao: Vẫn còn nhiều việc phải làm
Cần thúc đẩy khả năng thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao

Để tăng sức hấp dẫn thu hút FDI cho nông nghiệp công nghệ cao

Trong thời gian tới, để thúc đẩy khả năng thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm.

Thứ nhất, xây dựng khung chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và tăng nguồn vốn hỗ trợ. Khung chính sách này cần quy định cụ thể những mức ưu đãi dựa trên lĩnh vực, nguồn vốn mà các doanh nghiệp này sẽ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao có tính đến lợi ích của dự án đối với tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần bãi bỏ một số tiêu chuẩn, điều kiện để cho doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi và bảo đảm nguồn vốn đến được đúng đối tượng.

Thứ hai, quy hoạch lại ruộng đất, giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai và cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất đai có thời hạn. Trước tiên, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dồn điền, đổi thửa, quy hoạch đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn điền để tạo được các quỹ đất có diện tích lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và hạn chế hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để có thể thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các hoạt động đào tạo, dạy nghề, cử đi chuyên tu ở ở các nước tiến bộ. Đặc biệt, cần chú trọng cung cấp thông tin cho người nông dân qua các chương trình ứng dụng, các trang tin điện tử giúp người nông dân chủ động trong việc đổi mới tư duy sản xuất.

Thứ tư, tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp công nghệ cao. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần phải đầu tư hơn nữa vào hệ thống cầu đường… có như vậy mới sức thu hút được nhiều nguồn vốn FDI. Chính phủ cũng nên triển khai các chính sách liên quan đến logistics, hệ thống lưới điện, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống thủy lợi, các chính sách liên quan đến hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… để tạo nền tảng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phát triển, giúp tăng khả năng thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực này.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để hiện đại hóa sản xuất nhằm giảm thiểu những nguy cơ từ dịch bệnh và thiên tai. Có như vậy, Chính phủ mới điều tiết được các nguồn vốn FDI vào các địa bàn, lĩnh vực mong muốn. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể phát huy được thế mạnh của mình trong từng lĩnh vực, địa bàn để có các phương án đầu tư hiệu quả.

Ngoài ra, tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao; tiến hành khảo sát, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các quốc gia trong khối ASEAN./.