TS. Vũ Tiến Lộc, Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị “Hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thích ứng trong điều kiện kinh doanh mới”, ngày 17/12/2021.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm và trong năm 2022
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VIAC

Việt Nam vẫn “hút” vốn ngoại

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, với những nỗ lực của các doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước với gần 49 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư trên cả nước.

Chỉ ra nguyên nhân thị trường Việt Nam vẫn “hút” vốn ngoại, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự kiểm soát và vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với tình hình đã được ban hành.

“Đây là tín hiệu tốt, tạo cơ sở cho sự phục hồi dần của các doanh nghiệp, kéo theo đó, dự kiến vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm và trong năm 2022”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) nhận định, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài phát triển tại Việt Nam vẫn rất lớn.

Lý giải cho nhận định này, ông Dương chỉ rõ, hiện Việt Nam có đà phục hồi kinh tế rất tích cực. Bên cạnh đó là các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, như: CPTTP, RCEP… Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cơ hội đến từ RCEP có ý nghĩa hơn rất nhiều đối với Việt Nam.

"So với Hiệp định CPTPP, EVFTA thì Hiệp định RCEP ít được các chuyên gia, truyền thông trong nước nhắc đến hơn. Nhưng dù vậy, ý nghĩa của nó không vì thế mà kém to lớn, thậm chí có sự bổ sung rất lớn để Việt Nam tận dụng tốt hơn các thị trường mà các hiệp định trước đã mở ra", ông Dương cho biết.

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích nhất từ RCEP khi có các mặt hàng thế mạnh như nông, thuỷ sản đáp ứng nhu cầu hầu hết thành viên tham gia. RCEP, với sự tham gia của 15 thành viên các nước thuộc khu vực châu Á, thiết lập nên một chuỗi thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây do dịch Covid-19 gây ra.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm và trong năm 2022
"Các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, tư duy thực hiện FTA là cân nhắc toàn bộ các cơ hội mình hiện có, chứ không nhìn riêng FTA nào". Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) nêu quan điểm.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, ông Tharabodee Serng Adichaiwit - Phó Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) chia sẻ, các nhà đầu tư Thái sẽ rót thêm vài tỷ đôla Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới.

Những lĩnh vực tiềm năng đã và đang được nhà đầu tư Thái Lan quan tâm như sản xuất, bán lẻ, năng lượng.... Ước tính, lũy kế đến tháng 10/2021, Thái Lan là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 của Việt Nam với 636 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 13 tỷ USD.

Mặc dù trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua có tới 90% doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam bị ảnh hưởng trong sản xuất, song tới hiện tại các đơn vị đã hoạt động trở lại gấp đôi công suất.

“Chúng tôi tin nền tảng tốt trong quá trình chống dịch của Việt Nam sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tăng trưởng tốt trong tương lai. Riêng với Thái Lan, chúng tôi kỳ vọng sẽ có khoảng 4.000-5.000 nhà đầu tư và hàng trăm ngàn du khách Thái Lan sẽ đến Việt Nam trong năm 2022” - ông Tharabodee Serng Adichaiwit nói.

Ông Frank Van Oojien – CEO Công ty TNHH Cleandye Vietnam cho biết, việc áp dụng chính sách “3 tại chỗ” do Chính phủ ban hành tiêu tốn một khoản chi phí lớn để đảm bảo việc thực thi đáp ứng đủ các yêu cầu nghiêm ngặt. Thế nhưng, nhờ vào sự hỗ trợ của công tác y tế địa phương và chính sách tiêm chủng kịp thời của Nhà nước đã giúp doanh nghiệp dần phục hồi và có những tín hiệu tăng trưởng mới đáng mừng.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm và trong năm 2022
Ông Frank Van Oojien, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cleandye Vietnam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam cũng nhận định kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi khả quan trong năm 2022, đồng thời có kế hoạch mở rộng kinh doanh, mở rộng thị trường cũng như tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

Cụ thể tại Hội nghị, bà Catherine Tran - Giám đốc Công ty, Leonglee đã lập kế hoạch kinh doanh dài hạn để thích ứng, cố gắng tập trung đổi mới sáng tạo, quản lý ngân sách để duy trì dòng tiền, đảm bảo nguồn doanh thu ổn định, đồng thời mở hoạt động sang những lĩnh vực có tiềm năng.

Doanh nghiệp FDI đang gặp nhiều khó khăn

Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2021, do tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động, đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trải qua nhiều biến động. Tính tới cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh, đầu tư mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký tăng thêm là 26,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên vốn triển khai thực hiện ước tính chỉ đạt 15,5 tỷ USD giảm 4,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư mới và điều chỉnh có tăng nhưng mức tăng giảm; tổng số dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý III/2021, khi nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam đồng loạt giãn cách xã hội ở mức cao nhất, “sức khỏe” của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đã có tới 18% số đơn hàng của doanh nghiệp thành viên phải dịch chuyển sang các thị trường khác, 1/3 số thành viên phải tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng, hoặc tìm hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất. Riêng hoạt động giao thương Việt – Pháp đã giảm 12,7% so với năm 2020, nhiều nhà đầu tư không thể vào Việt Nam để triển khai các dự án đã đăng ký.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm và trong năm 2022
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự kiểm soát và vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với tình hình được đưa ra.

Còn ông Frederick R. Burke - Cố vấn cấp cao Baker & McKenzie (Vietnam) LTD, Trọng tài viên VIAC nhận định, do tình hình dịch bất ổn như hiện nay, thương mại toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai.

Với sự tập trung vào khả năng phục hồi ở các thị trường xuất khẩu khi các nước đang muốn đẩy mạnh việc mang hoạt động sản xuất về lại nước mình, các doanh nghiệp sẽ khó có thể thu hút được nguồn vốn FDI dồi dào như trước.

“Bên cạnh đó, những mắt xích yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự thiếu hụt các điểm đến đầu tư tin cậy hay mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe cộng đồng với nền kinh tế đều là những quan ngại mà các nước đang phải đối mặt”, ông Frederick R. Burke chỉ rõ.

Còn bà Catherine Tran – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leonglee cho biết, doanh nghiệp hiện đang gặp phải muôn vàn khó khăn như: phí logistics tăng mạnh, thủ tục hải quan mất nhiều thời gian để hoàn thành, hạn chế đi lại ở một số tỉnh thành…

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thiếu hụt lao động là tình trạng đã làm cho hàng hóa xuất nhập khẩu bị mắc kẹt và cần nhiều thời gian để giải quyết. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lo ngại do tâm lý không chắc chắn về hoạt động sản xuất, kinh doanh do biện pháp phòng chống dịch của chính quyền địa phương thời gian đó.

Phó Chủ tịch ThaiCham cho biết, khoảng 80%-90% các doanh nghiệp Thái Lan hoạt động tại Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn, chỉ có một số doanh nghiệp bán lẻ còn hoạt động tốt do cung cấp mặt hàng thiết yếu cho người dân. Trong đó, số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, khoảng 70% phải tạm dừng sản xuất, 30% còn lại có khả năng duy trì sản xuất, nhưng với quy mô nhỏ.

"Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đều là doanh nghiệp có lượng nhân công lớn như may mặc…", ông Tharabodee Serng Adichaiwit.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm và trong năm 2022
Ông Tharabodee Serng Adichaiwit - Phó Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) chia sẻ, các nhà đầu tư Thái sẽ rót thêm vài tỷ đôla Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới.

Cần phục hồi chuỗi cung ứng trong bối cảnh cung lao động thiếu hụt

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình rằng, vấn đề cấp thiết hàng đầu cần tháo gỡ hiện nay là phục hồi chuỗi cung ứng trong bối cảnh cung lao động thiếu hụt.

Việc tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng đã đồng hành cùng Việt Nam trong giai đoạn khó khăn vừa qua, không chỉ góp phần thúc đẩy đà phục hồi kinh tế - xã hội, mà còn tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và động lực bền vững thu hút dòng vốn FDI trong dài hạn. Ông Dương chia sẻ: “Thời gian qua, tôi có trao đổi với một số doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho biết đã cố gắng liên hệ với người lao động, kêu gọi họ quay trở lại làm việc, nhưng một số lao động phản hồi rằng, phải qua Tết hoặc thậm chí cuối quý I/2022 họ mới quay lại. Như vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong nước cần có chính sách, động thái tạo điều kiện cho người lao động, để họ yên tâm quay lại sản xuất càng sớm càng tốt”.

Cũng theo ông Dương, Việt Nam đang chuẩn bị ban hành Chương trình phục hồi kinh tế. "Chương trình phục hồi không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài cũng được hưởng lợi. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến vấn đề này", ông Dương cho hay.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm và trong năm 2022
"Các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, tư duy thực hiện FTA là cân nhắc toàn bộ các cơ hội mình hiện có, chứ không nhìn riêng FTA nào cả", ông Dương nêu quan điểm.

Việc thực hiện chương trình phục hồi phải song song với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua hành lang cơ chế, pháp lý thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.

“Chúng ta có hàng chục hiệp định thương mại tự do, nhưng nếu không có quy trình thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp thì khó tận dụng được”, ông Dương dẫn giải.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác được từ các FTA thế hệ mới trong tiến trình cũng như chiến dịch đầu tư dài hạn.

"Câu chuyện về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sắp có hiệu lực là một ví dụ điển hình. Nếu RCEP có hiệu lực trong giai đoạn 2013-2014 thì tác động kinh tế của nó có thể tương đối nhỏ nếu so sánh với EVFTA hay CPTPP. Nhưng khi RCEP có hiệu lực vào tháng 1/2022, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi khó khăn như hiện nay thì tác động và cơ hội từ nó là tương đối lớn. Bởi ở thời điểm này, bất cứ điều gì đóng góp được dù chỉ 1 đồng vào tăng trưởng cũng là rất tích cực rồi”, ông Dương nhận định.

Ông Dương đưa ra những gợi mở về các phương án phù hợp để các nhà đầu tư nước ngoài thích ứng với bối cảnh mới, cụ thể như: học hỏi tư duy mới về xúc tiến đầu tư; xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực y tế và các lĩnh vực liên quan thông qua nền tảng số.

Đại diện đến từ CIEM cũng đề cập đến một điểm nghẽn mà ông cho là "không kém phần quan trọng và cần phải gỡ vướng" là niềm tin trong quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Theo ông, cần phải tổ chức các cuộc đối thoại để gia tăng niềm tin trong quan hệ này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để có thể thu hút được sự tin tưởng từ các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn cần cải thiện thêm về thể chế, hành lang pháp lý để môi trường đầu tư an toàn và có chất lượng cao hơn.

“Qua việc tiếp nhận giải quyết tranh chấp tại VIAC trong thời gian qua chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài cần được cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết, rõ ràng về hành lang pháp lý, giúp họ dễ dàng đưa ra phương án xử lý tranh chấp nếu có. Chỉ khi đáp ứng được những vấn đề này, bức tranh đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ sáng sủa hơn”- ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Doanh nghiệp thích ứng thế nào với điều kiện kinh doanh mới?

Bà Catherine Tran cho rằng, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đã đưa ra kế hoạch hành động thích hợp, đó là nhanh chóng trở lại với giai đoạn “bình thường mới”, bằng cách duy trì kế hoạch phòng ngừa và dự phòng cho Covid-19; tối ưu hóa khả năng làm việc và quy trình hoạt động của Công ty; đảm bảo 100% nhân viên trở lại làm việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ ban hành về phòng dịch.

Đồng thời, theo bà, doanh nghiệp cần khám phá các cơ hội kinh doanh tiềm năng và lập kế hoạch kinh doanh dài hạn để luôn trong trạng thái “sẵn sàng thay đổi”, ứng phó nhanh nhạy với các diễn biến đại dịch.

Còn ông Nguyễn Anh Dương lại đưa ra những gợi mở về các phương án phù hợp để các nhà đầu tư nước ngoài thích ứng với bối cảnh mới, cụ thể như: học hỏi tư duy mới về xúc tiến đầu tư; xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực y tế và các lĩnh vực liên quan thông qua nền tảng số.

"Các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, tư duy thực hiện FTA là cân nhắc toàn bộ các cơ hội mình hiện có, chứ không nhìn riêng FTA nào cả", ông Dương nêu quan điểm. Đối với các doanh nghiệp lớn, theo ông, sự lựa chọn là rất đơn giản. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khó khăn về vốn, ông Dương cho rằng, các doanh nghiệp này nên tiếp cận các FTA dễ hơn. Sau khi một thời gian tích lũy có thể tiến tới các FTA khác có điều kiện khó khăn hơn.

Theo ông Dương khi tham gia các FTA, doanh nghiệp phải vừa phải đảm bảo thích ứng, vừa phải nhất quán. "Bởi, thị trường luôn biến động nên phải thích ứng, nhưng phải nhất quán với lựa chọn kinh doanh của mình, không bị phân tán, mất tập trung rời xa ngành nghề cốt lõi của mình", ông Dương lưu ý.

Còn từ góc độ pháp lý, ông Frederick R. Burke đã đưa ra một số kiến nghị về giải pháp pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời kỳ Covid-19. Ông kiến nghị các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ càng về các quyền và biện pháp khắc phục trước khi đề xuất một kế hoạch đầu tư, cụ thể là các biện pháp bảo vệ theo hợp đồng và giấy phép; các biện pháp bảo hiểm đầu tư; các vấn đề liên quan đến phá sản và kiện tụng.

Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra phương thức giải quyết tranh chấp là trọng tài và lưu ý doanh nghiệp ở một số điểm chính như lựa chọn phương thức phù hợp, phạm vi của điều khoản trọng tài, xác định trước rủi ro, xem xét khuôn khổ các điều ước quốc tế./.