Từ khóa: tiềm năng, lợi thế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch cộng đồng

Summary

The potential and advantages of the Mekong Delta region are considered very suitable for the development of community-based tourism, which is an opportunity for the agricutural structure transformation from purely agricultural to community-based tourism agriculture. The article analyzes the potential, advantages and bottlenecks of the Mekong Delta in developing community-based tourism, thereby proposing recommendations to promote the potential, advantages and removing bottlenecks of the Mekong Delta in developing community-based tourism.

Keywords: potential, advantages, Mekong Delta region, community-based tourism development, community-based tourism

GIỚI THIỆU

ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và hệ thống sông ngòi, cũng như chứa đựng nhiều giá trị tài nguyên về văn hóa, bản sắc văn hóa riêng của cư dân sông nước. Đây chính là tiềm năng và thế mạnh để phát triển mạnh du lịch nông nghiệp, DLCĐ. Loại hình du lịch này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế bền vững, mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản địa. Tuy nhiên, quá trình phát triển loại hình du lịch này cũng gặp phải một số điểm nghẽn, cần phải có những giải pháp để tháo gỡ, từ đó, thúc đẩy DLCĐ của Vùng được “cất cánh” trong thời gian tới.

ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG, LỢI THẾ VÀ ĐIỂM NGHẼN CỦA ĐBSCL TRONG PHÁT TRIỂN DLCĐ

Tiềm năng, lợi thế

Thứ nhất, ĐBSCL có cảnh quan và hệ sinh thái là một trong những vùng đồng bằng rộng lớn nhất thế giới (đứng thứ 3, sau đồng bằng Amazon của Braxin và Đồng bằng sông Hằng của Ấn Độ). Đây còn là vùng sinh thái ngập nước và đa dạng sinh học rất hiếm của cả hành tinh. ĐBSCL là vùng hạ lưu của sông Mekong, có hai nhánh sông lớn chia thành 9 nhánh nhỏ đổ ra biển cùng với rất nhiều sông rạch và hệ thống kênh đào tạo thành một mạng lưới đường thủy chằng chịt và dày đặc. Trong mạng lưới đó lại xen kẽ một vài dãy núi và hang động, như: núi Thất Sơn, núi Sam, núi đá vôi ở Kiên Giang. Ngoài ra còn có các hòn đảo như: Phú Quốc, Hòn Khoai, quần đảo Hải Tặc… có những khu rừng Tràm ngập mặn rộng lớn, như: U Minh Thượng, U Minh hạ, rừng Đước ở Cà Mau, Năm Căn. Đây là điều kiện quý giá thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Thứ hai, ĐBSCL còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú với đặc trưng trồng lúa, vườn cây trái, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn lợi thủy sản dồi dào. Cụm các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu là vùng trồng cây ăn trái, như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và TP. Cần Thơ. Vùng ngập nước có Đồng Tháp Mười bao phủ phần lớn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc An Giang, Kiên Giang. Vùng ngập mặn ven biển có các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. ĐBSCL còn có các đảo đang còn hoang vu, ít hộ dân sinh sống có thể khai thác được tiềm năng DLCĐ và tạo thành chuỗi liên kết với đảo Phú Quốc của Kiên Giang. Các nguồn lực này chính là lợi thế cho việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở ĐBSCL, nếu như ĐBSCL có sự liên kết và phát huy để biến nông nghiệp đơn thuần truyền thống thành du lịch nông nghiệp mang đậm bản sắc ĐBSCL.

Thứ ba, ĐBSCL có hơn 17 triệu người - là địa bàn đa dân tộc, đa tôn giáo, tín ngưỡng (Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu sơn Kỳ Hương, Tứ ân Hữu Nghĩa… thờ bà Chúa Sứ, thờ Tiền hiền, Hậu hiền, những người có công với dân, với nước). Dân cư được bố trí dọc theo hai bên bờ sông, nét độc đáo văn hóa “Chợ Nổi” cũng được hình thành từ đây mang đậm bản sắc văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ. Nhìn chung, tập quán và kỹ năng sống của người dân ĐBSCL đã hình thành bản sắc văn hóa riêng của cư dân sông nước - đó cũng là một dạng tiềm năng của DLCĐ. Sự kết hợp tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm với nhiều lễ hội dân gian truyền thống, các loại hình âm nhạc, như: đờn ca tài tử, cải lương rất nổi tiếng… cũng là điều kiện thuận lợi để loại hình DLCĐ phát huy lợi thế.

Một số điểm nghẽn

Một là, DLCĐ ở ĐBSCL chỉ đang ở giai đoạn đầu; hoạt động DLCĐ tại các tỉnh ĐBSCL chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, giá trị thấp và dễ dẫn đến xói mòn, không bền vững. Điển hình như mô hình “ăn ong” ở rừng U Minh Hạ; mô hình DLCĐ Cồn Sơn của TP. Cần Thơ hay các mô hình ở Sa Đéc, Lai Vung, Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp... đều do người dân tự chuyển đổi từ nông, lâm, ngư nghiệp sang hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng và tự nguồn lực tự nhiên sẵn có, vì thế quy mô nhỏ, rải rác, thiếu sự liên kết và tính bền vững không cao.

Hai là, DLCĐ ở ĐBSCL chưa được sự quan tâm vào cuộc đúng mức của các ngành, các cấp cùng với cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy lợi thế sẵn có của vùng ĐBSCL trong phát triển du lịch. Người dân cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận chính sách, nguồn vốn và khách hàng… Còn thiếu sự chuyên nghiệp trong công tác marketing, quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư… Mặc dù tính đặc trưng của vùng ĐBSCL rất rõ nét, nhưng sự trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong Vũng và chưa khai thác được sự đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch trong cộng đồng dân cư.

Ba là, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL còn hạn chế và chưa đồng bộ, chư liên kết được các địa phương trong Vùng. Đặc biệt là hạ tầng giao thông đến vùng sâu, vùng xa có tiềm năng về điều kiện tự nhiên, sinh thái để phát triển DLCĐ, vì thế loại hình DLCĐ dễ mất lợi thế cạnh tranh so với loại hình du lịch khác. ĐBSCL là vùng có tỷ lệ đường quốc lộ thấp nhất trong 7 vùng kinh tế, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số (lần lượt chỉ chiếm 3,5% và 10,9%) cũng như đóng góp GDP cho cả nước. Những yếu kém về hạ tầng giao thông của ĐBSCL cũng được bộc lộ qua hiện trạng cao tốc của ĐBSCL so với các vùng khác khi ĐBSCL chỉ có 6,7% chiều dài đường cao tốc cả nước. Giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò quan trọng ở ĐBSCL, đặc biệt là cho phát triển DLCĐ, nhưng lại thiếu đầu tư trầm trọng với ngân sách đầu tư giảm từ 2%-3% tổng ngân sách đầu tư giao thông giai đoạn 2011-2015 xuống chỉ còn 1,2% trong giai đoạn 2016-2020 (VCCI và Fulbright, 2022).

Bốn là, ĐBSCL đang phải đối diện nhiều thách thức lớn trên mọi mặt kinh tế, xã hội, môi trường, như: các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát, gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển tràn vào làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn; chất lượng đất trồng suy giảm, ở khu vực thượng nguồn (Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên); giai đoạn 2030-2040 dự báo nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ tăng, lượng mưa đầu vụ Hè Thu sẽ giảm, mùa mưa sẽ bắt đầu trễ hơn, diện tích ngập do lũ sẽ tăng, áp thấp nhiệt đới và bão có xu hướng gia tăng… Những tác động này ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, khiến cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn còn trở nên bấp bênh hơn.

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DLCĐ CỦA MỘT SỐ TỈNH/THÀNH Ở ĐBSCL

Thời gian qua, nhiều địa phương trong Vùng đã triển khai các quy hoạch, đề án, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch; đẩy mạnh thực hiện du lịch miệt vườn, du lịch nông nghiệp và xu hướng phát triển nhiều loại hình DLCĐ. Trong năm 2022, ĐBSCL đã thu hút trên 37,5 lượt khách đến tham quan, tăng 238,45% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng doanh thu du lịch của Vùng năm 2022 đạt trên 32.078,7 tỷ đồng (Hồng Thắm, 2023). Điển hình như: DLCĐ Cồn Sơn tại TP. Cần Thơ trong năm 2022 đã đón khoảng 80.000 lượt khách, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021, tổng doanh thu từ du lịch 3 tỷ đồng. DLCĐ Cồn Sơn đã ra mắt 4 sản phẩm mới gồm: Thư viện cá trên sông Hậu; Cá trê gà; Cốm nổ mặn; Súng vua tại các điểm: bè cá Bảy Bon, nhà vườn Thành Tâm, nhà vườn Công Minh và nhà vườn Song Khánh. Đây cũng là những sản phẩm được giới thiệu đến đoàn famtrip, nhằm cung cấp đến các đơn vị lữ hành những trải nghiệm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách vào năm 2023.

Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Tháp, mô hình DLCĐ thành công nhất ở Tỉnh là Làng hoa Sa Đéc (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục chỉ đạo điểm xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Sa Đéc trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là một trong 10 làng văn hóa du lịch của cả nước và là làng văn hóa du lịch thứ 2 của khu vực ĐBSCL). Bên cạnh là các mô hình DLCĐ khác, như: Đồng Sen ở Tháp Mười; các nhà vườn cam, quýt ở Lai Vung… từ khi khai trương hoạt động đến nay, các điểm tham quan vườn cam, quýt... trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ hơn 145.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 45 tỷ đồng (Nguyễn Toàn, 2021).

Cà Mau hiện nay đã phát triển 25 điểm DLCĐ, trong 5 năm trở lại đây, các hộ làm du lịch theo hình thức này đã được kết nối với các tour, tuyến phục vụ khách du lịch, đặc biệt là các khu DLCĐ ở Đất Mũi Cà Mau. DLCĐ đã góp phần tăng thu cho ngành du lịch và mang tới nguồn sinh kế nhằm giảm nghèo, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hoá, cảnh quan, khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, DLCĐ cũng đang góp phần làm phong phú cho sản phẩm du lịch của địa phương. Trung bình mỗi năm, tỉnh Cà Mau đón trên 123 ngàn lượt khách đến với loại hình DLCÐ (Thanh Minh, 2023).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Với những nhận diện về tiềm năng, lợi thế và điểm nghẽn của DLCĐ của vùng ĐBSCL nói trên, nhằm thúc đẩy phát triển DLCĐ ở Vùng trong thời gian tới, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các địa phương trong Vùng cần khảo sát, rà soát lại tiềm năng, lợi thế của địa phương mình đối với sự phát triển của DLCĐ, từ đó xây dựng các sản phẩm DLCĐ có chất lượng, đặc thù, mang tính vùng, miền, sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mang thương hiệu DLCĐ cho riêng mình. Tăng cường thực hiện chủ trương phát triển sản phẩm OCOP gắn với các giá trị văn hóa, truyền thống, ẩm thực của vùng đất Tây Nam Bộ vào phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm ở các địa phương khi đi du lịch trải nghiệm ở cộng đồng. Cần thực hiện các giải pháp phát triển sản phẩm DLCĐ gắn với khẩu hiệu (slogan) cho DLCĐ ở mỗi tỉnh, thành trong Vùng.

Thứ hai, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần liên kết, phối hợp tuyên truyền, quảng bá DLCĐ của Vùng ở trong và ngoài nước. Theo đó, cần tăng cường các hoạt động khảo sát, tìm hiểu tâm lý, thị hiếu, tập quán, thói quen của nhiều đối tượng du khách để có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp. Cần xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp bằng nhiều hình thức: qua hình ảnh, sách báo, pano - áp phích hoặc các lễ hội mang đậm nét sông nước, miệt vườn, sông nước vùng ĐBSCL…

Thứ ba, đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng hợp tác công - tư phục vụ du lịch và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần tranh thủ các nguồn lực thu hút đầu tư phát triển các cơ sở lưu trú DLCĐ gắn với đặc trưng vùng sông, nước, miệt vườn (homestay, khu nghỉ dưỡng cộng đồng và các hạ tầng dịch vụ khác theo xu hướng trải nghiệm của du khách quốc tế và ngoài Vùng). Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư các hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông gắn với hoạt động chuyển đổi số trong phát triển du lịch trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ số.

Thứ tư, tăng cường sự vào cuộc phối hợp, liên kết giữa các tỉnh, thành trong Vùng để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn chung của Vùng. Đồng thời, đối với từng tỉnh/thành cần phát huy vai trò, sự phối hợp, tham mưu của các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước để có biện pháp quản lý và phát triển các hoạt động DLCĐ, nhằm tìm được lợi thế cạnh tranh, điểm mạnh, điểm yếu của từng tỉnh, thành để phát huy cho phù hợp nhằm tạo bản sắc riêng, tránh sự trùng lắp các sản phẩm DLCĐ./.

NCS. Huỳnh Hải Đăng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Dương Trần Thanh Thủy (2019), Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Khó khăn, thách thức và giải pháp phát triển, Tạp chí Công Thương, số 14, 108-116.

2. Hồng Thắm (2023), Hơn 37,5 triệu lượt khách du lịch đến ĐBSCL trong năm 2022, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/hon-37-5-trieu-luot-khach-du-lich-den-dbscl-trong-nam-2022.html.

3. Nguyễn Toàn (2021), Đồng Tháp phát triển du lịch cộng đồng bền vững, truy cập từ https://baocantho.com.vn/dong-thap-phat-trien-du-lich-cong-dong-ben-vung-a132995.html.

4. Thanh Minh (2023), Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng, truy cập từ https://www.baocamau.com.vn/du-lich/huong-ben-vung-cho-du-lich-sinh-thai-cong-dong-77624.html.

5. VCCI và Fulbright (2020), Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 - Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững, Nxb Đại học Cần Thơ.

6. VCCI và Fulbright (2022), Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, Nxb Đại học Cần Thơ.