Tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta trong thời gian tới
KẾT QUẢ ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN HTX Ở NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2012-2020
Phát triển kinh tế tập thể, HTX đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, tháng 6/1996 nêu rõ: “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/03/2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể chủ trương này tiếp tục được thực hiện và cụ thể bằng nhiều văn bản hướng dẫn, cơ chế đặc thù thúc đẩy sự phát triển của khu vực HTX, như: Luật Hợp tác xã được ban hành vào các năm 1996, 2003, 2012; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế…
Thực tiễn, sau gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và gần 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới, khu vực trong nước có nhiều bất ổn, nhưng khu vực HTX vẫn phát triển ổn định, vững chắc, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, tính ưu việt của mình và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Những thành tựu đạt được
Theo Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/12/2019 cả nước có 22.204 HTX, số HTX hoạt động có kết quả sản xuất là 14.388, trong đó có 7.418 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm hơn 51% tổng số HTX, tăng 5,5% so với cùng thời điểm năm 2018). Số HTX thành lập mới trên phạm vi cả nước tiếp tục tăng, năm 2019, cả nước thành lập mới 2.732 HTX tăng 6,3% so với năm 2018, giai đoạn 2016-2019, mỗi năm cả nước có 2.380 HTX thành lập mới, tăng 72,1% so với giai đoạn 2013-2015. Năm 2020, theo Báo cáo thường niên 2020 của Liên Minh HTX, cả nước có 25.454 HTX, số HTX thành lập mới 2.138 HTX, có 65% tương ứng 16.520 HTX là HTX nông nghiệp. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, cả nước thành lập mới 843 HTX, cao hơn 92 HTX so với cùng kỳ năm 2020, đạt 56,2% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 635 HTX (chiếm 75,32%).
Về mô hình tổ chức hoạt động: 100% các HTX thành lập mới và chuyển đổi sang mô hình mới đã theo mô hình tổ chức của Luật Hơp 2012. Các HTX sau chuyển đổi đã khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong tổ chức và hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, có sự chủ động hơn trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; các thành viên trong HTX đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm thông qua việc góp vốn, sử dụng dịch vụ của HTX để phát triển kinh tế hộ. Các HTX dịch vụ đã duy trì hoạt động, phần lớn làm tốt cung cấp các dịch vụ cơ bản cho thành viên. Nhiều HTX nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với năng lực và thế mạnh của địa phương, tìm kiếm hoặc tăng cường liên kết giữa các thành viên, hộ thành viên trong HTX với nhau và giữa HTX với HTX, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác, các nhà khoa học... khẳng định được vai trò trong hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên.
Kinh tế tập thể, HTX ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, tính ưu việt của mình và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Ảnh: Internet. |
Về kết quả kinh doanh: Số lượng các HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX. Đối với các HTX hoạt động có kết quả kinh doanh, năm 2019, tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh đạt 99.928 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2018, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nguồn vốn của HTX (giảm 0,3%). Bình quân giai đoạn 2016-2019, mỗi năm HTX tạo ra 85.952 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21,5% so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (Bộ Kế hoạch đầu tư, 2021).
Về phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ: Số lượng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ngày càng gia tăng và đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Trong năm 2018, cả nước có gần 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Số lượng các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước đã tăng rất nhanh từ 199 HTX năm 2017, năm 2018 đạt 520 HTX và tính đến hết năm 2020, cả nước có 1718 HTX ứng dụng công nghệ cao.
Về nguồn nhân lực: Đội ngũ cán bộ có trình độ, được đào tạo cũng được tăng theo thời gian; số lượng cán bộ qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên tăng từ 3.331 người năm 2003 lên 15.657 người năm 2018 (tăng gấp 3,7 lần so với năm 2003), chiếm khoảng 18% trong tổng số cán bộ quản lý HTX; số lượng cán bộ quản lý HTX đã đạt trình độ sơ, trung cấp năm 2018 tăng 181% so với năm 2003 (từ 14.296 người lên 40.263 người), chiếm 47% trong tổng số cán bộ HTX. Một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của HTX (Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, 2019).
Những hạn chế và tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể, HTX vẫn còn một số hạn chế và tồn tại, đó là:
Thứ nhất, bản chất của HTX, kinh tế tập thể chưa được thực hiện và thừa nhận theo đúng bản chất. Điều này dễ dàng quan sát được khi tỷ lệ các HTX có tài sản chung, tài sản không chia ngày càng nhiều. Số HTX, đặc biệt HTX nông nghiệp không có trụ sở diễn ra còn phổ biến ở nhiều nơi, nhiều địa bàn trên cả nước. Hiện tượng các HTX không tập trung huy động vốn chung hoặc hình thành tài sản không chia, lãi hay kết quả kinh doanh của HTX được chia hết ngay cho các thành viên trong kỳ, không tích lũy còn diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành.
Thứ hai, các chính sách về quy định tổ chức, phát triển HTX chưa phù hợp. Cụ thể, tại Luật Hợp tác xã 2012 quy định về tỷ lệ tối đa HTX được cung ứng ra bên ngoài, về tư cách của thành viên và thành viên liên kết của HTX trên quan điểm “sở hữu tập thể” về lợi ích và trách nhiệm, nhưng về tính pháp nhân và tổ chức bộ máy quản lý của HTX lại không có sự khác biệt so với đơn vị kinh tế thông thường là doanh nghiệp.
Bên cạch đó, luật và các quy định liên quan về kinh tế tập thể, mô hình HTX cũng chưa đề cập (hoặc đề cập rất ít) về nội dung tổ chức điều hành, quản trị hoạt động. Phần lớn các HTX có điều lệ HTX, nhưng các hoạt động cụ thể về quản lý, điều hành còn hạn chế. Các chính sách về hỗ trợ HTX, kinh tế tập thể được ban hành nhiều, nhưng về tổng thể vẫn thiếu những chính sách định hướng và phòng ngừa rủi ro hoạt động của HTX.
Một số HTX tuy đã đăng ký tổ chức lại lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, nhưng không chuyển đổi được mô hình hoạt động nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Tình trạng thành lập HTX không xuất phát từ nhu cầu của hộ nông dân mà để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới hoặc để thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn còn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2021). Cơ chế chính sách ban hành nhiều nhưng chưa phù hợp với thực tế, thiếu nguồn lực thực hiện.
Thứ ba, phát triển về số lượng, nhưng chất lượng của các HTX còn thấp. Số lượng HTX thành lập mới tăng mạnh, nhưng số HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững. Số lượng các HTX có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và nông dân cũng chưa nhiều, mới đạt 24% tổng số HTX. Quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông nghiệp còn nhỏ, có xu hướng giảm, tính đến thời điểm 31/12/2019 tổng số thành viên HTX là 5.941.486, giảm 0,9% so với 2018, số thành viên bình quân năm giai đoạn 2016-2019 là 6.081.011 thành viên, giảm 21,1% so với bình quân giai đoạn 2013-2015 (Bộ Kế hoach và Đầu tư, 2021);
Thứ tư, bộ máy quản lý Nhà nước về HTX nông nghiệp ở một số địa phương còn yếu và thiếu; đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán hoạt động của HTX chưa được triển khai thực hiện đầy đủ. Thiếu đội ngũ tư vấn, phát triển HTX nông nghiệp ở địa phương (giúp xây dựng phương án kinh doanh, cung cấp thông tin thị trường, khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, thương mại sản phẩm).
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HTX
Cần hình thành cơ quan chuyên trách về kinh tế tập thể từ trung ương đến địa phương. Ảnh: Internet. |
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp, như sau:
Một là, thống nhất quan điểm “sở hữu tập thể” trong đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX
Quan điểm “sở hữu tập thể” cần được thống nhất trên hai khía cạnh về vốn và lợi nhuận, làm cơ sở hình thành tài sản không chia, thu nhập chung trong tổ chức kinh tế tập thể, HTX. Đó là nên tảng để gia tăng sức mạnh của các HTX, giúp họ chủ động đổi mới và có tiềm lực để thực hiện đổi mới. Khắc phục tình trạng các HTX yếu kém, nợ đọng kéo dài, tăng khả năng cạnh trang và tạo “bệ phóng” phát triển, nhân rộng mô hình, đem lại lợi ích không chỉ các thành viên mà cho cả tổ chức, HTX.
Hai là, hình thành cơ quan chuyên trách về kinh tế tập thể từ trung ương đến địa phương
Giải pháp này đã được đề cập tại các văn bản pháp lý hiện hành về kinh tế tập thể, HTX. Tuy nhiên, cho đến nay, đặc biệt ở các cấp cơ sở chưa hình thành được các cơ quan/bộ phận hay cán bộ chuyên trách có thể tư vấn, hỗ trợ các HTX phát triển, chính vì vậy, việc đánh giá, thống kê kết quả hoạt động của các HTX cũng chưa phù hợp và hiệu quả. Trong khi năng lực tổ chức điều hành của HTX còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết, thì việc hình thành các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX không chỉ giúp các các thành viên HTX hay tổ chức HTX phát triển, mà còn giúp cho cơ quan cấp trung ương chủ động thông tin, đánh giá đúng hiệu quả, bản chất của thành phần kinh tế tập thể, từ đó, có thể hình thành, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách hiệu quả, phù hợp hơn. Trên nền tảng đó, việc đổi mới, phát triên thành phần kinh tế này mới đạt hiệu quả.
Ba là, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động của thành phần kinh tế tập thể, HTX
Từ nguồn lực nội sinh và ngoại sinh sẵn có, HTX tiến hành chuẩn bị các nguồn lực hoặc kế hoạch sử dụng nguồn lực để chủ động cho sự thay đổi trước sức ép của cạnh tranh, của sự tồn tại và phát triển. Trong quá trình chuẩn bị đó, có những ý tưởng, những phương án kinh doanh mới được hình thành (giai đoạn 1). Bằng cách thay đổi phương án tổ chức thực hiện, thông qua cách làm mới, quy trình mới, kết hợp với công nghệ mới, đang được xem là cách thức tạo ra các giá trị, thu nhận các giá trị và cung cấp các giá trị của HTX, đơn vị kinh doanh để chuyển đổi những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh mới thành hiện thực (giai đoạn 2). Kết thúc quá trình chuyển đổi này thường là hình thành nên sản phẩm mới, thị trường mới (giai đoạn 3) giúp HTX có thể phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn như bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ được nhiều hơn với giá thấp hơn, hoặc hình thành được các liên kết mới, giá trị mới phù hợp với xu hướng của thị trường và đem lại giá trị cao cho HTX, thành viên HTX./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021). Báo cáo tóm tắt Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp, Tài liệu hội thảo quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18/10/2021
3. Lê Thị Thanh Loan, Phạm Bảo Dương, Nguyễn Thị Thiêm (2021). Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho các HTX nông nghiệp: Lý luận và thực tiễn, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 19(8), 1115-1124
4. Phạm Bảo Dương (2015). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới, phát triển các hợp tác xã ở nông thôn Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, Số 10
5. Phạm Bảo Dương (2020). Hợp tác xã và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 12(4), 94-98
Bình luận