Tính hai mặt của xu hướng không dùng tiền mặt thời kỳ hậu COVID-19
Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi
Vào tháng Ba, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các quốc gia nên hạn chế sử dụng tiền mặt và chuyển sang các hình thức thanh toán không tiếp xúc như thanh toán qua mạng, thẻ tín dụng hoặc các dịch vụ thanh toán điện tử bằng thiết bị thông minh…). Tổ chức này nêu rõ virus gây ra đại dịch COVID-19 có thể bám trên bề mặt các tờ tiền trong nhiều ngày.
Thanh toán qua ví điện tử ngày càng thịnh hành tại Việt Nam
Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đã khiến việc sử dụng tiền mặt trên toàn cầu đang giảm đi đáng kể. Tại Australia, số lần rút tiền ở cây ATM vào tháng Tư đã giảm xuống mức thấp nhất của gần hai thập kỷ.
Cùng thời điểm, ở Anh, tỷ lệ rút tiền ở cây ATM thấp hơn 60% so với tháng trước đó, trong khi tại cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ, tổng số lần các biện pháp thanh toán không tiếp xúc tăng 150% kể từ tháng 3/2019.
Tại Nhật Bản, nơi Chính phủ đặt mục tiêu giảm 80% các giao dịch bằng tiền mặt từ trước thời điểm COVID-19 bùng phát, các khoản thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng đột biến. Tương tự, các quốc gia khác cũng ghi nhận mức sử dụng tiền mặt thấp kỷ lục. Hàn Quốc hiện sở hữu 96% các giao dịch không dùng tiền mặt và Trung Quốc là 66%.
Ở Việt Nam, theo như nhận định của ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch phụ trách phía Nam Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), thì “thói quen thanh toán, mua hàng bằng tiền mặt bị COVID-19 làm ảnh hưởng, thay đổi”.
Thống kê 4 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam cho thấy, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi dịch diễn ra đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ tháng 5 năm 2019. Mỗi ngày có khoảng 4 triệu lượt lượng truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm. Đồng thời, lượng tìm kiếm ứng dụng thanh toán tăng vọt gấp đôi đầu mùa dịch.
Trong thời gian phong tỏa, sự e ngại đối với tiền mặt đã mang lại lợi ích cho thanh toán điện tử, nhất là phương thức không tiếp xúc. Giám đốc quản lý bán hàng của Ngân hàng Westpac Australia, John Harries, cho rằng COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và sẽ là chất xúc tác để thu hẹp quy mô tiền mặt ngay trong năm nay. COVID-19 đã khiến cho nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số gia tăng và lượng khách hàng sử dụng tiền mặt cũng đã giảm do đại dịch.
Tại Pháp, tất cả các ngân hàng đều cùng ghi nhận sự tăng tốc trong thanh toán điện tử. Cơ quan quản lý thẻ ngân hàng Pháp cho biết trung bình 66% các khoản thanh toán dưới 30 Euro đã được thực hiện trong tuần cuối của thời gian phong tỏa. Khi giới hạn giao dịch không tiếp xúc được nâng lên 50 Euro tại Pháp từ ngày 11/5, khoảng 30% các khoản thanh toán từ 30 Euro đến 50 Euro bằng thẻ ngân hàng đã chuyển sang phương thức không tiếp xúc trong vòng vài ngày. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách hàng đăng ký ngân hàng trực tuyến trong vài tháng gần đây, cho thấy rõ ràng xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành lĩnh vực bán lẻ của ngân hàng ANZ Australia Kinda Bray cho biết, đã nhận thấy "sự sụt giảm đều đặn" trong số lần rút tiền mặt vài năm gần đây, với hầu hết các khách hàng chuyển sang đăng ký sử dụng ứng dụng hoặc ngân hàng internet để thay thế. Bà nói xu hướng này đang tăng tốc, đặc biệt là vào thời kỳ COVID-19, với số lần rút tiền tại cây ATM giảm tới 40% chỉ trong nửa đầu năm 2020.
Đến nay, khi các lệnh hạn chế được nới lỏng và nền kinh tế thế giới đang dần mở cửa trở lại, tiêu dùng bắt đầu ghi nhận sự hồi phục. Mặc dù vậy, tỷ lệ sử dụng tiền mặt vẫn đang giảm xuống, thay vào đó, các hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng và trực tuyến có xu hướng "lên ngôi".
Việt Nam có sự tăng trưởng về lượng truy cập website thương mại điện tử
Hai mặt của một vấn đề
Theo các chuyên gia kinh tế, việc từ bỏ tiền mặt sẽ đem lại một số lợi ích đáng kể. Đầu tiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa được khống chế, việc sử dụng các phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp người dân tránh được nguy cơ lây nhiễm virus.
Thứ hai, rõ ràng đây là một tin tốt đối với các chính phủ, do sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí "kha khá" cho việc in, lưu trữ và lưu thông tiền tệ.
Phương thức này cũng sẽ là một tín hiệu tích cực đối với các ngân hàng trung ương, vì khi các nền kinh tế chuyển đổi sang hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt, không gian thanh khoản sẽ được nới rộng và biện pháp chính sách âm có thể được thực hiện để thúc đẩy nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những tranh cãi xung quanh xu hướng không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt, nếu không được quản lý tốt, sẽ trở thành một kênh giao dịch thuận lợi cho nền kinh tế đen, tội phạm và trốn thuế.
Nhiều nhà bán lẻ lo ngại các ngân hàng thương mại có thể dựa vào sự phụ thuộc của nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt để tăng phí dịch vụ cho người sử dụng. Điều này dẫn đến thâm hụt doanh thu của các nhà bán lẻ, buộc họ đẩy các khoản phí này sang người tiêu dùng, bằng cách tăng giá bán của hàng hóa hay thu phí thanh toán mua hàng.
Ngoài ra, một điểm nhấn gây tranh cãi của việc thu hẹp sử dụng tiền mặt, đó là cho phép ngân hàng trung ương tăng cường khả năng tính toán đến việc áp dụng lãi suất âm. Bởi, khi lãi suất bằng 0, thậm chí xuống mức âm, thì người tiêu dùng gửi tiền tại ngân hàng sẽ phải chịu các khoản phí dịch vụ khấu trừ vào chính các khoản tiền gửi của mình, khiến cho giá trị đồng tiền sụt giảm.
Trong trường hợp này, mọi người sẽ có xu hướng giữ tiền mặt tại nhà, gửi vào két an toàn, hoặc đầu tư vào các tài sản khác mang lại lợi nhuận thực tế, hơn là đưa tiền vào ngân hàng. Như vậy, lãi suất âm rõ ràng sẽ khiến người tiêu dùng hoang mang về tình hình tài chính, dẫn đến xu hướng siết hầu bao, chứ không phải chi tiêu nhiều hơn.
Ngoài ra, nếu lãi suất giảm xuống ngưỡng dưới 0, các ngân hàng sẽ mất động cơ cho vay và biện pháp cắt giảm lãi suất sẽ không còn tác dụng kích thích, thậm chí khiến nền kinh tế giảm. Như điều mà cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã từng cảnh báo, rằng lãi suất càng gần với mức 0 thì nguy cơ thị trường tiền tệ rối loạn càng lớn./.
Bình luận