Trên thị trường sơ cấp, thông qua 20 đợt đấu thầu trái phiếu được tổ chức tại HNX trong tháng 9/2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động được 38.458 tỷ đồng trái phiếu, tăng 29,5% so với tháng trước; kỳ hạn 15 năm chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất, đạt 40,6%, tương ứng với khối lượng phát hành 15.624 tỷ đồng. So với cuối tháng 8/2021, lãi suất huy động TPCP của KBNN giảm tại các kỳ hạn 5, 7 và 20 năm với mức giảm từ 0,02-0,08%/năm, tăng tại kỳ hạn 10 và 15 năm với mức tăng 0,07-0,09%/năm, giữ nguyên tại kỳ hạn 30 năm.

Trái phiếu chính phủ: Giao dịch sôi động trong tháng 9
Tính đến ngày 30/9/2021, thị trường TPCP tại HNX có tổng dư nợ đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2020

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, HNX đã tổ chức 145 đợt đấu thầu, huy động được 248.738 tỷ đồng, trong đó KBNN huy động được 237.714 tỷ đồng, đạt 67,91% kế hoạch năm 2021; Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 11.024 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2021.

Trên thị trường giao dịch thứ cấp, tính đến hết 30/9/2021, thị trường TPCP tại HNX có tổng dư nợ đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2020. Tổng giá trị giao dịch TPCP tháng 9 đạt 242.474 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 12.123 tỷ đồng/phiên, tăng 46,9% so với tháng 8/2021. Giá trị giao dịch Repos chiếm 27,73% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Tỷ trọng giá trị giao dịch của NĐTNN tháng 9 chiếm 1% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị bán ròng đạt 691 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị giao dịch trên TPCP năm 2021 tại HNX đạt 2.021.486 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.986 tỷ đồng/phiên, tăng 6,97% so với năm 2020.

Tháng 9 cũng là tháng thị trường TPCP chuyên biệt tròn 12 năm hoạt động. Trả lời phỏng vấn Kinh tế và Dự báo mới đây, Chủ tịch HNX Nguyễn Duy Thịnh cho biết, bên cạnh phương thức đấu thầu như hiện nay, sắp tới, việc phát hành sơ cấp TPCP sẽ có thêm phương thức đấu thầu đa giá, nhằm tạo thêm tính linh hoạt trong việc xác định kết quả đấu thầu. Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng khả năng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.

Đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ công Việt Nam ở mức 55,2% GDP, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 63,7% GDP của năm 2016. Nợ nước ngoài quốc gia giảm từ mức 49,0% GDP năm 2017 xuống 47,2% GDP cuối năm 2020./.