Doanh nghiệp thiệt thòi đủ đường

Theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2014, so với 10 năm trước đây thì quy mô của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ còn bằng một nửa, bên cạnh đó, nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp giảm so với các năm trước.

Phát biểu tại nhiều cuộc hội thảo, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng từng nhận xét doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có xu hướng… li ti hóa, tức là nhỏ đi so với trước. Hay, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng đưa ra nhận xét về doanh nghiệp Việt là “đội thuyền thúng” trước biển khơi.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “Một trong những nguyên nhân chính là tham nhũng đã lấy mất phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp. Bị lấy mất lợi nhuận rồi thì doanh nghiệp còn gì để tái đầu tư, để mở rộng được? Và doanh nghiệp sẽ có xu hướng co lại, vì phát triển để làm gì khi họ làm được 1 nhưng lại bị tước đoạt hơn 1”.

Vài ngày gần đây, một loạt thông tin từ những cuộc điều tra về doanh nghiệp được nêu ra cho thấy, hàng loạt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, mà đặc biệt là những loại phí “không chính thức”.

Điển hình là thông tin đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo Đánh giá cải cách thủ tục hành chính: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014 do VCCI và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức vào ngày 11/08 cho thấy, có khoảng 32% doanh nghiệp cho biết họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. 40% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả "phí" này.

Trước đó, tại hội nghị kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức ngày 08/08/2015, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đưa ra bình luận: “Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của doanh nghiệp rồi.

Hay, chuyện một con gà, quả trứng còng lưng gánh đến 14 loại phí trong nhiều năm mới được gỡ bỏ là một “nỗi khổ” trong nhiều nỗi khổ mà doanh nghiệp nói chung phải gánh chịu.

Trong xếp hạng về thể chế trên thế giới thì Việt Nam có thứ hạng rất thấp. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015, lĩnh vực thể chế được xem là khâu đột phá chiến lược, nhưng thứ hạng còn kém, chỉ đứng thứ 92/144 quốc gia và vùng lãnh thổ và xếp thứ 6 trong ASEAN,

Theo Trace International, một cơ quan nghiên cứu và theo dõi nạn hối lộ về cuộc khảo sát năm 2014 chấm điểm 197 quốc gia trên thế giới thì Việt Nam đứng hạng 188 với 82/100 điểm, thuộc nhóm 10 quốc gia tham nhũng nhất.

Bản thân Việt Nam là một nước đang phát triển, đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường nên hệ thống môi trường kinh doanh còn chưa được hoàn chỉnh như các nước khác. Việc chính sách thay đổi quá nhiều và nhanh, doanh nghiệp “lo không theo kịp” là điều dễ nhận thấy. Bên cạnh đó, là đối tượng trực tiếp được thụ hưởng, tuy nhiên, điều trớ trêu là doanh nghiệp lại ít được tham vấn ý kiến về chính sách.

Số liệu theo điều tra của VCCI được công bố tại Hội thảo "Vận động chính sách trong bối cảnh mới" tổ chức ngày 12/08/2015 cho thấy, có gần 80% doanh nghiệp chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự thảo văn bản pháp luật.

Ngoài ra, một điều đáng lưu ý, tuy Việt Nam đã rất nỗ lực để đàm phán và ký kết các FTA với mục đích để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm này tận dụng được tốt nhất FTA đã ký chỉ là với Hàn Quốc. Theo đó, hơn 73% chứng nhận xuất khẩu sang Hàn Quốc là được hưởng ưu đãi. Nhưng đi sâu vào 73% này thì lại thấy đa phần doanh nghiệp được hưởng ưu đãi lại là doanh nghiệp Hàn Quốc chứ không phải Việt Nam.

Bên cạnh những yếu tố khách quan trên, cũng không thể phủ nhận rằng, ngòa một số ít doanh nghiệp có thể tự mình khẳng định được thương hiệu thì với đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay vẫn là xoay sở để tồn tại, sống lay lắt chứ chưa có một kế hoạch chủ động, một chiến lược bài bản để phát triển trong bối cảnh mới.

Cần tạo một “sân chơi” công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn đó, Chính phủ cũng đã rất quyết tâm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Trong 2 năm gần đây, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 02 nghị quyết, một là Nghị quyết 19/NQ-CP, ngày 18/03/2014 và một là Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 12/03/2015. Sau 04 tháng ban hành Nghị quyết 19/2015, một số giải pháp đề ra tại Nghị quyết đã được triển khai thực hiện và đã có kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Cụ thể: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. Một số bộ khác đã chủ động triển khai hành động cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành.

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng đã dần đi vào cuộc sống, tuy còn nhiều khó khăn trong triển khai, song cũng đã bước đầu tạo niềm tin về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đề xuất tại Hội nghị kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội Doanh ngiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức vào ngày 08/08 vừa qua, đó là: “Một Nhà nước tốt phải là một nhà nước kiến tạo và phát triển, một nhà nước phục vụ, chứ không phải nhà nước cai trị. Trên tinh thần đó, có thể giảm thiểu rủi ro chính sách, biến rủi ro thành thuận lợi, đưa chính sách đi theo hướng thuận lợi hóa thương mại”.

Hơn nữa, muốn có một môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển, bản thân Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các quốc gia khác về thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực điều hành nền kinh tế vĩ mô…

Ngoài ra, đối với các FTA đã và sắp được ký kết, để doanh nghiệp tận dụng được tối đa những ưu thế từ đây, Chính phủ mà cụ thể là Bộ Công Thương cần tăng cường công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp về việc tiếp cận ưu đãi, nếu không cơ hội từ các FTA sẽ trở thành sự lãng phí.

Bên cạnh những trợ lực đó, chính bản thân doanh nghiệp cũng cần luôn tăng cường học hỏi, tiếp cận thông tin, năng động, sáng tạo và đổi mới tư duy trong kinh doanh. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể “vững tay chèo” trước biển lớn hội nhập./.